Thứ Bảy, 23/11/2024
Đánh giá kết quả sản xuất vụ Chiêm xuân 2018 - 2019, Định hướng kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2019
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.

Sản xuất vụ Chiêm xuân 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện thuận lợi về nguồn nước, chủ động về giống; nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn được áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, trong vụ đã gặp phải không ít những khó khăn: Rét đậm, rét hại diện rộng đầu vụ trùng vào thời gian gieo mạ trà xuân trung; tháng 2,3 thời tiết ấm kéo dài, nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN làm rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây trồng, sâu bệnh phát sinh sớm hơn so với cùng kỳ; cuối tháng 4 có đợt nắng nóng gay gắt, sau đó là mưa dông từ ngày 29/4 - 3/5 làm một số diện tích lúa bị đổ (Thanh Thủy, Đoan Hùng, Cẩm Khê); đầu tháng 5, trời âm u, mưa phùn nhiều ngày, nhiệt độ thấp. Như vậy, trong vụ chiêm xuân năm 2018 - 2019, chúng ta nhận thấy, biến đổi khí hậu ngày càng rõ hơn và có những diễn biến bất thường. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Cấp ủy và Chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở, sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp và sự nỗ lực của bà con nông dân nên sản xuất vụ chiêm xuân đã thu được những kết quả quan trọng, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

1. Kết quả sản xuất vụ chiêm xuân 2018 - 2019:

* Cây lúa:

- Tổng diện tích lúa đã gieo cấy đạt 36,5 ha/36,4 nghìn ha KH, đạt 100,3% kế hoạch; 9/13 huyện, thành, thị diện tích gieo cấy đạt kế hoạch. Diện tích SRI toàn phần đạt 1,6 nghìn ha, diện tích gieo thẳng 2,8 nghìn ha.  

- Về thời vụ và cơ cấu trà: Các địa phương đã bám sát vào Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ của tỉnh để chỉ đạo lịch gieo cấy. Diện tích trà xuân muộn chiếm 49,3% (năm 2018 chiếm 65%), trà xuân trung chiếm 48,9% (năm 2018 chiếm 34%). Cơ cấu trà có sự thay đổi, trà xuân muộn giảm, trà xuân trung tăng do tăng diện tích gieo cấy giống lúa J02 trà xuân trung.

- Về cơ cấu giống: Có sự chuyển biến tích cực theo xu hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa thuần chất lượng cao, đặc biệt là giống lúa Japonica. Diện tích lúa lai chiếm khoảng 40,6%, diện tích giống lúa chất lượng cao chiếm 49%, tăng 33,1% so cùng kỳ; riêng diện tích gieo cấy giống lúa J02 đạt 9,2 nghìn ha, tăng 4,5 nghìn ha.

- Tình hình sinh trưởng, phát triển: Nhìn chung các trà lúa chiêm xuân sinh trưởng, phát triển tốt, số dảnh hữu hiệu đạt cao (7 - 9 dảnh/khóm), tương đối sạch sâu bệnh (Tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh gây ra là 0,061%), tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa dông một số diện tích lúa giai đoạn chắc xanh đến gần thu hoạch bị đổ làm ảnh hưởng đến năng suất. Thời gian thu hoạch tập trung từ 15/5 - 30/5 (sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 7 - 10 ngày), năng suất lúa bình quân ước đạt 61,5 tạ/ha, là vụ được mùa.

* Cây màu đã trồng: Diện tích ngô đã trồng 5,65 nghìn ha/5,68 nghìn ha kế hoạch, đạt 99,6% KH. Diện tích lạc đã trồng 2.909 ha; rau 4.710 ha.

* Cây Bưởi: Tổng diện tích bưởi 4 nghìn ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm 2,4 nghìn ha. Diện tích trồng mới 185 ha, đạt 30,3% kế hoạch, trong đó, bưởi Diễn 137 ha, bưởi Đoan Hùng 16,8 ha. Mùa đông xuân 2018 - 2019 thời tiết khô lạnh trùng vào khoảng thời gian cây phân hóa hoa nên tỷ lệ ra hoa hữu hiệu, tỷ lệ đậu quả cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa dông một số nơi bị rụng quả non; tuy nhiên, ước tính năng suất trung bình bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn của cả tỉnh tương đương với cùng kỳ năm trước.

(Lãnh đạo Sở NN&PTNT và lãnh đạo UBND các huyện thăm mô hình trồng cây ăn quả tại Cẩm Khê)


* Cây chè: Tổng diện tích chè hiện có 16 nghìn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 15,38 nghìn ha. Đầu vụ thời tiết có mưa ẩm thuận lợi cho các lứa chè xuân sinh trưởng, phát triển tốt. Trong tháng 4 thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển búp chè.

2. Một số kết quả nổi bật trong vụ:

- Xây dựng cánh đồng một giống trồng lúa gắn với công tác dồn đổi ruộng đất: Diện tích cánh đồng một giống 7,35 nghìn ha, trong đó, diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô diện tích liền vùng từ 10 ha trở lên đạt 6,97 nghìn ha (tăng 2,1 nghìn ha so với vụ trước).

- Chuyển biến về cơ cấu giống: Cơ cấu giống đưa vào sản xuất được chọn lọc, tập trung hơn, cụ thể: Giống lúa lai: Nhị ưu 838 chiếm 13,5%, Nhị ưu số 7 chiếm 13,3%, CT16 chiếm 2,5%; giống lúa thuần: J02 chiếm 24,9%, Thiên ưu 8 chiếm 9,6%, TBR 225 chiếm 5,5%, Khang dân 18 chiếm 2,8%, …

- Tích cực áp dụng các biện pháp canh tác, áp dụng KHKT: Tăng cường bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, sử dụng phân bón lá, thuốc BVTV sinh học giảm ô nhiễm môi trường, ...Ứng dụng TBKT che phủ nilon, trồng trong nhà lưới, làm vòm che, tưới nước tiết kiệm, sản xuất theo quy trình VietGAP.

- Sản xuất theo nhu cầu thị trường: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các cây rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường; liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi nâng cao giá trị gia tăng, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

3. Đánh giá chung:

- Tích cực: Sản xuất vụ Chiêm xuân 2018 - 2019 đã đạt được những kết quả quan trọng: Diện tích gieo trồng lúa, ngô, rau vượt kế hoạch đề ra, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, đặc biệt là nhóm giống Japonica, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất. Bố trí chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác (ngô, rau, đậu và hoa ) nâng cao giá trị gia tăng.

- Hạn chế: Việc tuân thủ lịch thời vụ trên lúa chưa đảm bảo, nhiều nơi gieo mạ trước khung lịch thời vụ 10-15 ngày (Phù Ninh, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Đoan Hùng…). Tình trạng nông dân sử dụng giống lúa thuần ngắn ngày gieo mạ vào trà xuân trung và gieo mạ trà xuân muộn trước khung lịch vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương; việc áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI đảm bảo đủ 5 nguyên tắc còn ít, đa phần mới chỉ áp dụng được 1-2 nguyên tắc; trên một cánh đồng, cơ cấu giống còn nhiều do vậy sản xuất chưa mang tính hàng hóa, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

4. Dự kiến kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông 2019:

Ngày 21/4/2019, Tại UBND huyện Cầm Khê, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ Chiêm xuân 2018 - 2019 và triển khai sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019. Tại Hội nghị, Lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị, Đại diện Cục Thống kê, Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc đã thống nhất với đánh giá sơ kết vụ Chiêm xuân của ngành Nông nghiệp và nhất trí cao kế hoạch triển khai vụ mùa, vụ đông năm 2019 với các nội dung chủ yếu sau:

* Định hướng, quan điểm chỉ đạo:

- Đối với sản xuất vụ mùa: Tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa chiêm xuân, làm đất càng sớm càng tốt, gieo cấy hết diện tích kế hoạch vụ mùa trong khung thời vụ. Cơ cấu trà mùa sớm, mùa trung bố trí hợp lý; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao (chiếm khoảng 40%). Lựa chọn giống tốt, giống chủ lực gắn với triển khai xây dựng cánh đồng một giống theo hướng liền vùng, cùng trà; đẩy mạnh đầu tư thâm canh.

- Đối với sản xuất vụ đông: Đa dạng hóa các cây rau màu có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau quả tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển chè, bưởi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, đảm bảo mục tiêu.

* Một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu:

- Cây lúa: Diện tích 29.750 ha, trong đó diện tích lúa lai 12.100 ha, lúa chất lượng cao 11.800 ha, năng suất 50,8 tạ/ha, sản lượng 151,3 nghìn tấn.  

- Cây ngô hè thu: Diện tích 4.170 ha, năng suất 47,1 tạ/ha, sản lượng 19,6 nghìn tấn.

- Ngô đông: Diện tích 7.000 ha, năng suất 50,0 tạ/ha, sản lượng 35 nghìn tấn.

* Các giải pháp chủ yếu:

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất:  Trên cơ sở chủ trương, định hướng của tỉnh các địa phương cần bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt cấy hết diện tích theo kế hoạch tránh tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ; đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu tập trung, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chỉ đạo thực hiện tốt cơ cấu trà, cơ cấu giống; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho sản xuất.

- Về kỹ thuật:  

+ Đối với lúa: Thực hiện tốt Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ một số cây trồng vụ mùa, vụ đông năm 2019 của tỉnh. Trà mùa sớm (40% diện tích): Bố trí trên chân đất vàn cao, vàn để sau khi thu hoạch lúa trồng cây vụ đông ưa ấm. Trà mùa trung (60% diện tích): Bố trí trên chân đất vàn, vàn thấp. Duy trì diện tích gieo cấy giống lúa lai chiếm 40,3%, mở rộng lúa chất lượng cao chiếm 40% diện tích. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng cường bón phân chuồng, bón phân thúc sớm, bón đủ lượng và cân đối NPK, tăng cường sử dụng các loại phân bón lá; phòng trừ dịch hại và quản lý dinh dưỡng tổng hợp theo IPM, ICM.

+ Đối với cây ngô đông: Trên chân đất bãi, gieo trước ngày 15/9. Với diện tích ngô trồng trên đất sau thu hoạch lúa và các cây trồng màu vụ mùa: Áp dụng biện pháp làm ngô bầu trước khi thu hoạch lúa từ 5 - 7 ngày; thời gian gieo trước ngày 30/9

+ Đối với cây chè, bưởi: Tiếp tục chỉ đạo trồng mới chè, bưởi vụ thu đảm bảo diện tích kế hoạch. Tập trung chăm sóc thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng chè, bưởi trên địa bàn.

- Công tác dịch vụ: Các huyện, thành, thị chủ động liên hệ, ký hợp đồng với các công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng để đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chất lượng, chủng loại giống và kịp thời vụ.

- Công tác quản lý nhà nước: Giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cụ thể đến các xã; gắn trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV. Tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất, nhất là cao điểm cung ứng giống, phân bón đầu vụ từ khoảng 20/5 - 10/6 và 15 - 30/9./.

Chi cục trưởng

Phan Văn Đạo




THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn