Thứ Bảy, 23/11/2024
Hiệu quả từ mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) gắn với tổ dịch vụ Bảo vệ thực vật và diệt chuột tập trung trên cây lúa vụ mùa năm 2020
Gửi bài In bài
Đ/c Trần Tú Anh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT thăm mô hình IPM gắn với tổ dịch vụ BVTV và diệt chuột tập trung

Tại Kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra mục tiêu chung trong sản xuất trồng trọt là giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững; góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, và một trong số đó là xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về IPM để làm điểm thăm quan học tập và nhân rộng trong sản xuất. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó, vụ mùa 2020 chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật  phối hợp với một số đơn vị triển khai Mô hình IPM lúa gắn với tổ dịch vụ BVTV và diệt chuột tập trung tại xã Phùng Nguyên. Đây là mô hình áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật đáp ứng được mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đạt được mục tiêu về kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mô hình được triển khai ở cánh đồng Khu nhà Trạo Sơn Dương, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với quy mô liền vùng 10 ha, gieo cấy cùng thời vụ trên giống lúa VNR20 và áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI); quản lý dịch hại theo IPM, trong đó có triển khai dịch vụ BVTV với Công ty TNHH Trác Ngọc để phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay; tổ chức diệt chuột tập trung với đầu mối là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Dương.

Kết quả IPM trên giống lúa VNR20 cho thấy: Cấy theo kỹ thuật SRI, trong mô hình cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm hơn tập quán 3 ngày, số dảnh hữu hiệu bình quân đạt 6,8 dảnh/khóm, tập quán đạt 6,2 dảnh/khóm. Ngoài ra, giống lúa VNR20 có thời sinh trưởng ngắn (100 ngày), dáng cây gọn, chiều cao dưới 100cm, phù hợp với điều kiện gieo cấy vụ mùa nhiều mưa bão và phù hợp với chân đất 3 vụ/năm để gieo trồng cây vụ đông. Các đối tượng sâu bệnh gây hại chính như Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh Đốm sọc vi khuẩn, Bệnh khô vằn, Rầy các loại, sâu đục thân đều xuất hiện trên các giống lúa trong vùng, tuy nhiên tại mô hình mức độ bị sâu bệnh đều thấp hơn so với tập quán. Qua theo dõi cũng cho thấy, giống VNR20 giống VNR20 có khả năng kháng với sâu bệnh khá tốt, nhất là đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn. Năng suất tại mô hình đạt trên 230kg/sào (gần 6,3 tấn/ha), cao hơn ruộng tập quán 29 kg/sào (tương đương 8,0 tạ/ha) và cho lãi cao hơn tập quán 8 triệu/ha.

Triển khai mô hình diệt chuột tập trung trên quy mô toàn xã, diện tích 200 ha, đánh đồng loạt trên ruộng cấy và khu dân cư; Đánh chuột làm 2 thời điểmlàm giảm tỷ lệ chuột hại trên lúa từ 5,3% dảnh hại xuống còn 1% giai đoạn lúa đẻ nhánh và o% giai đoạn lúa đứng cái làm đòng. Mô hình hạn chế tối đa sự phá hại của chuột trên lúa với chi phí thấp, khoảng 7.310 đồng/ vụ/ sào. Đánh chuột tập trung, đồng loạt đảm bảo tỷ lệ chuột ăn mồi cao, giảm sự phá hại của chuột không chỉ trên cánh đồng mà trong khu dân cư, nâng cao hiệu quả phòng trừ.

Đặc biệt mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng, theo kết quả điều tra sâu bệnh hàng tuần của cán bộ kỹ thuật. Trong vụ tiến hành phun phòng trừ 02 lần các đối tượng: Sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đốm sọc vi khuẩn vào thời kỳ lúa cuối đẻ và làm đòng. Sử dụng thiết bị bay không người lái giúp người dân không phải trực tiếp tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người dân; hạn chế thuốc bảo vệ thực vật dư thưa, bảo vệ môi trường sinh thái; Đồng thời giảm chi phí phun xuống 20.000đ/1 lần phun, và 130.000 đồng/sào/vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao. Đây là dịch vụ hữu ích được nhiều bà con nông dân hưởng ứng và ủng hộ.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, thành, thị và các đại biểu đều đánh mô hình áp dụng đồng bộ các nội dung và biện pháp kỹ thuật đã đem lại nhiều lợi ích cho người trồng lúa và môi trường. Đồng thời các địa phương thống nhất sẽ nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo.

                                                                                                           Ths: Lê Hồng Thiết

 Trưởng phòng Bảo vệ thực vật










THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn