(baophutho.vn) - Ngày 20/8, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ,
Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thăm, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa
bàn huyện Thanh Ba, Phù Ninh. Cùng tham gia đoàn có các đồng chí Uỷ viên
BTV Tỉnh uỷ: Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hải- Chủ tịch Uỷ
ban MTTQ tỉnh.
* Tại huyện Thanh Ba
Đồng chí Bùi Văn
Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác thăm HTX thủ
công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba)
Theo báo cáo của UBND huyện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng
trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân vẫn đạt 4,2%/năm; giá trị sản
phẩm bình quân trên 1ha canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 97 triệu đồng;
các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt bình quân 150-250 triệu đồng;
diện tích cánh đồng lớn gieo cấy lúa lai, lúa chất lượng cao với quy mô từ 10ha
trở lên chiếm 68% diện tích gieo cấy; một số diện tích đất canh tác được liên
kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm...
Trên địa bàn huyện có 57 trang trại, trên 2.000 gia trại, 12 hợp
tác xã, 33 tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp đã và đang tập trung phát triển
theo hướng liên kết để sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, giải quyết
cho trên 2.000 lao động thời vụ tại các địa phương.
Đoàn công tác thăm mô
hình trồng Nho tại xã Chí Tiên (huyện Thanh Ba)
Huyện đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND tỉnh về: Hỗ trợ phát
triển rừng sản xuất; liên kết trồng, sản xuất và chế biến chè búp tím với 17ha
tại xã Hanh Cù; sản xuất tiêu thụ gà thương phẩm... Nghị quyết số 33/NQ-HĐND
của HĐND huyện về: Hỗ trợ thâm canh cây chè hướng tới sản xuất chè xanh chất
lượng cao an toàn; trồng mới, thâm canh bưởi theo hướng hàng hóa; xây dựng các
mô hình, dự án nông nghiệp sản xuất theo hướng liên kết để sản xuất...
Về triển khai chương trình OCOP, đã có 18/18 xã đăng ký sản phẩm
OCOP với 30 sản phẩm đặc thù. Toàn huyện đã có 14/18 xã đạt chuẩn nông thôn
mới, bình quân đạt trên 18 tiêu chí/xã. 4 xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện
hồ sơ, hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận NTM trong năm 2021.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về những định hướng,
mục tiêu và các giải pháp phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất
hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm chính để nâng tính
cạnh tranh trên thị trường..., đồng thời cho ý kiến về những đề xuất kiến nghị
của huyện.
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ
tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của huyện
Thanh Ba trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng chỉ đạo của
tỉnh, đặc biệt ngay từ đầu nhiệm kỳ huyện đã chủ động ban hành Nghị quyết
chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công
nghệ cao. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu Thanh Ba cần tiếp tục thực hiện tốt
công tác quản lý quy hoạch, xác định các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển
theo vùng; tập trung xác định và chỉ đạo một số sản phẩm có lợi thế, sản phẩm
đặc trưng của huyện, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển sản xuất hàng hóa
gắn với ứng dụng dụng công nghệ cao, nâng cao quy mô, năng suất, chất lượng và
giá trị các sản phẩm nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý việc xây dựng sản phẩm OCOP của
huyện phải đi vào thực chất. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào
cuộc một cách quyết liệt, không làm theo kiểu hô hào, khẩu hiệu. Tổ chức sản
xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến xây
dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong thực hiện, lấy doanh nghiệp làm
nòng cốt, lấy người dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, liên
kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã, Tổ hợp tác làm
nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững.
Đồng chí Nguyễn Kim
Chi - Bí thư Huyện uỷ Thanh Ba phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở ngành của tỉnh phối hợp với huyện rà
soát lại quy hoạch nông thôn mới của huyện; thống nhất danh mục, dự án cần ưu
tiên, hỗ trợ; quy hoạch đất bãi, xúc tiến thương mại... Trong bối cảnh dịch
bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đồng chí yêu cầu huyện Thanh Ba cần tiếp
tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời tập trung
đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cho ý
kiến chỉ đạo cụ thể vào các kiến nghị của huyện liên quan đến cơ chế, chính
sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 05 đối với các dự án liên kết; xây dựng nông
thôn mới; cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao
tiến bộ KHCN vào sản xuất, bảo hộ sở hữu trí tuệ...
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
cùng đoàn công tác thăm mô hình HTX nông nghiệp và dịch vụ Ngân Hà (Thị xã Phú
Thọ)
Trước đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cùng đoàn công tác đã thăm,
kiểm tra thực tế tại HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ Đỗ Xuyên, mô hình trồng nho
Hạ Đen xã Chí Tiên và mô hình trồng chuối tại xã Mạn Lạn, Đỗ Sơn; thăm mô hình
trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Ngân Hà
(Thị xã Phú Thọ). Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đề nghị các cấp ủy
Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu
hút các doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến
bộ khoa học kĩ thuật, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, gắn với
thị trường... theo hướng bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người nông
dân, góp phần tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới
kiểu mẫu.
* Tại huyện Phù Ninh
Chiều 20/8, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ
tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi thăm và kiểm tra tình hình
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phù Ninh.
Chủ tịch Bùi Văn Quang cùng đoàn công tác thăm mô hình
trồng hồng không hạt của hộ bà Nguyễn Thị Thuận, tại xã Gia Thanh, huyện
Phù Ninh...
Đoàn đã tới thăm các mô hình: Nuôi cá lồng trên sông
Lô, nuôi cá Koi Nhật Bản trên địa bàn xã Phú Mỹ và mô hình
trồng hồng Gia Thanh của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận, khu 2 xã
Gia Thanh. Hiện gia đình bà có 85 gốc hồng không hạt, cây lâu
nhất là 31 năm. Mỗi năm, cho thu hoạch 5-7 tấn quả.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phù Ninh, đồng
chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm,
quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của huyện trong chỉ đạo,
triển khai phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực
nông nghiệp nói riêng.
...và mô hình nuôi cá Koi Nhật Bản của HTX nuôi cá Koi Nhật
Bản và Dịch vụ thuỷ sản Mori Taizo
Trong thời gian tới, đồng chí Bùi Văn Quang yêu cầu huyện Phù
Ninh cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ban hành Nghị
quyết và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong chỉ đạo
sản xuất cần phải bám sát vào chương trình, đề án đã ban hành;
chú trọng xây dựng và phát triển các vùng hàng hóa tập trung,
quy mô lớn. Việc tổ chức sản xuất phải theo hướng chuỗi liên
kết; khuyến khích, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ
cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, trọng tâm là quản
lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn sản phẩm nông,
lâm sản thủy sản. Đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến đầu tư thương
mại, tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm OCOP.
Liên quan đến việc phát triển các sản phẩm có lợi
thế của huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện trên cơ
sở điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu đất đai phải
thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xác định các sản
phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển theo vùng, tạo sự chuyển
biến rõ nét về phát triển sản xuất hàng hóa gắn với ứng
dụng công nghệ cao, nâng cao quy mô, năng suất, chất lượng và
giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại buổi làm việc
Về chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở hướng phát triển chăn
nuôi bò, cân nhắc việc mở rộng chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại;
tính toán về cơ cấu, phát triển nuôi trồng thủy sản. Huyện
Phù Ninh phải xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp để
vận động người dân phá bỏ rừng bạch đàn sang trồng keo và
những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Việc phát triển
hệ thống thủy lợi phải phù hợp với quy hoạch vùng trồng cây,
tránh gây lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.
Đồng chí Nguyễn Hữu
Nhật - Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh báo cáo với đoàn công tác về tình sản xuất
nông nghiệp trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Quang đã giao các
sở, ngành liên quan, nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh có ý kiến
chỉ đạo cụ thể về việc cho phép huyện triển khai sớm dự án:
Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm
Hồng không hạt Gia Thanh của huyện Phù Ninh, tạo thuận lợi cho
việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hạ tầng giao
thông; hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch NTM của xã, huyện giai đoạn
2021-2025; xem xét điều chỉnh quy mô CCN Phú Gia; chuyển vị trí KCN
Phù Ninh... cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Ngọc Tuấn – PTO