Thứ Bảy, 23/11/2024
Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh phía Bắc”
Gửi bài In bài

Ngày 09/11/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trựực tuyến Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh phía Bắc. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và Cục trưởng Cục Trồng trọt đồng chủ  trì, có sự tham gia của Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Bắc Cạn. Tại điểm cầu Trung ương có sự tham gia của Lãnh đạo một số Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Học viện, Trung tâm và một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ; Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Tổng cục Thống kê và một số cơ quan Thông tấn Báo chí, Truyền hình; Lãnh đạo một số Hiệp hội, Hội, Doanh nghiệp có liên quan. Tại điểm cầu các địa phương có Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/thành phía Bắc, một số Doanh nghiệp tại địa phương họp trực tuyến qua phần mềm Zoom.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt nêu một số nét chính:

Năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid 19 tiếp tục là khó khăn lớn nhất, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống xã hội, trong đó trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt như giá vật tư đầu vào tăng, hàng hóa nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau các loại lưu thông tiêu thụ bị hạn chế...Thời tiết khí hậu có diễn biến phức tạp như rét đậm rét hại ở vụ xuân, nắng nóng ở vụ mùa, mưa lớn gây úng ngập…đã làm ảnh hưởng đến hàng chục nghìn ha lúa và rau mầu tại các tỉnh phía Bắc.

Mặc dù sản xuất 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh bất thường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến địa phương và sự cố gắng nỗ lực của người dân, cơ bản sản xuất đạt kết quả tốt.

Năng suất lúa trung bình cả năm của các tỉnh phía Bắc ước đạt 58,2 tạ/ha (tăng 1,5 tạ/ha so với năm 2020), trong đó: vùng ĐBSH năng suất đạt 62,2 tạ/ha (tăng 1,1 tạ/ha so với năm 2020); vùng BTB năng suất lúa trung bình đạt 57,9 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha so với năm 2020); vùng TDMNPB năng suất lúa trung bình đạt 52,3 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha so với năm 2020).

Sản lượng lúa năm 2021 các tỉnh phía Bắc ước đạt 13,418 triệu tấn (tăng 233 nghìn tấn so với năm 2020). Trong đó: vùng ĐBSH đạt khoảng 6,059 triệu tấn, giảm tăng khoảng 21 nghìn tấn; vùng BTB sản lượng đạt 3,896 triệu tấn tăng 142 nghìn tấn, vùng TDMNPB sản lượng 3,463 triệu tấn tăng 69 nghìn tấn so với năm 2020.

Như vậy, mặc dù năm 2021 ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 và điều kiện thời tiết bất thuận, sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc có thể đánh giá là đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.

Diện tích gieo trồng rau, màu vụ Đông Xuân, Hè Thu và Mùa các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 985 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha so với cùng kỳ. Trong đó, vụ Đông Xuân sản xuất 597 nghìn ha; vụ Hè Thu, vụ Mùa ước đạt 388 nghìn ha.

Vụ đông 2021, hầu hết các địa phương đều xác định vụ đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Tính đến 02/11, diện tích đã gieo trồng cây vụ Đông các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 280 nghìn ha/400 nghìn ha (70% kế hoạch).

Về kế hoạch sản xuất Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy lúa 1,081 triệu ha, giảm khoảng 6 nghìn ha so với lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021; năng suất trung bình đạt 64,4 tạ/ha tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,965 triệu tấn, giảm khoảng 18,2 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Với cây rau, màu, các địa phương tiếp tục thực hiện mạnh việc chuyển đổi từ lúa ở diện tích cao, vàn cao, khó tưới sang gieo trồng các cây rau màu; đặc biệt lưu ý phát triển cây ngô thực phẩm, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, đậu tương, khoai tây giống và rau củ quả các loại có hợp đồng bao tiêu ổn định. Sản xuất theo tín hiệu thị trường, có kế hoạch và sản xuất đảm bảo theo GAP, hướng hữu cơ. Bố trí diện tích gieo trồng rau màu vụ Xuân 2022 đạt 543 nghìn ha, tăng khoảng 8 nghìn ha so với vụ Xuân 2021.

 Tham luận và phát biểu ý kiến tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp đều nhất trí cao với báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT mà đại diện Cục trồng trọt đã trình bày, đồng thời nêu những nét đặc thù của địa phương, các giải pháp căn cơ để triển khai thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022.

 

 Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến


Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của các địa phương, sự phối hợp chỉ đạo của các đơn vị thuộc Bộ để có một kết quả sản xuất trồng trọt năm 2021 thắng lợi, cho năng suất cao, giống lúa chất lượng đưa vào sản xuất với tỷ lệ diện tích lớn, liên kết sản xuất để tạo vùng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân. Để thực hiện thắng lợi vụ sản xuất năm 2022, Thứ trưởng đề nghị các địa phương:

- Đối với sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2022:

Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền đoàn thể, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, bám sát sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cung cấp cho nông dân các vật tư nông nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng.

Về thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống: Chỉ đạo thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống phù hợp với tình hình thời tiết, diễn biến thị trường; đảm bảo tính tích hợp theo chuỗi với lúa Mùa sớm và vụ Đông;

Phương thức làm mạ và chăm sóc mạ: Mở rộng diện tích mạ khay, cấy máy; làm mạ công nghiệp. Đối với mạ dược chọn đất tốt, quy vùng tập trung, làm đất kỹ, bón phân lót đủ chăm sóc để mạ sinh trư­ởng thuận lợi. Không gieo mạ hoặc gieo thẳng, cấy vào những ngày trời rét đậm, nhiệt độ không khí dưới 150C. Gieo mạ đúng lịch thời vụ, chủ động đề phòng mạ già và chống rét cho mạ: Che phủ nilon cho 100% diện tích mạ để chống rét và hạn chế sự nhiễm  bệnh lùn sọc đen hại lúa. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cần giữ đủ ẩm, bón thêm phân chuồng, tro bếp mục, phân lân, tuyệt đối không bón thúc đạm cho mạ.Thời tiết ấm thực hiện tháo kiệt nước để hãm mạ. Có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5-10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện rét đậm, rét hại xảy ra.

 Các biện pháp kỹ thuật khác: Những diện tích không trồng cây vụ Đông cần sớm cày lật đất để ải, vệ sinh đồng ruộng hạn chế nguồn dịch hại. Chỉ đạo nông dân cấy tập trung 1-2 giống cùng trà theo vùng, khu, xứ đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như SRI, ba giảm, ba tăng, biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến; áp dụng biện pháp phòng dịch hại tổng hợp IPM, ICM... tưới nước cho lúa theo kỹ thuật “nông, lộ, phơi”, tạo điều kiện tiết kiệm nước tưới, quần thể ruộng lúa khoẻ, phát triển cân đối, sạch sâu, bệnh, năng suất cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Theo dõi sát đồng ruộng, chủ động phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại, chú ý các đối t­ượng dịch hại chính như: Bệnh lùn sọc đen phương nam, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, bọ trĩ, đục thân, rầy nâu, chuột. Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu để tỉnh có chính sách hỗ trợ đánh, bắt chuột ngay từ đầu vụ, trước khi đổ ải. Nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi; tích trữ nước sớm trong các ao, hồ, kênh mương; điều tiết hợp lý tiết kiệm nước trong các hồ chứa, đảm bảo nước tưới cho cây vụ Đông nhưng không để ảnh hưởng đến chất lượng đất ải, công tác làm thuỷ lợi nội đồng. Các tỉnh Đồng bằng trung du bắc Bộ cần bám sát lịch xả nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình; Thác Bà, Tuyên Quang để có kế hoạch lấy nước đổ ải, làm đất, gieo cấy lúa Đông Xuân 2021-2022 hiệu quả và đảm bảo thời vụ. Thực hiện mạnh việc chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới cần chủ động chuyển sang cây trồng cạn khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt vùng Trung du miền núi phía Bắc, vụ Đông Xuân được dự báo thiếu hụt nước. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu gieo, cấy, thu hoạch, mở rộng mô hình mạ khay, máy cấy, để đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Thường xuyên theo dõi diễn biến dịch hại và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và dịch vụ phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả và an toàn; không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, đặc biệt đối với những giống lúa nhiễm nặng đạo ôn, rầy nâu; chủ động phòng trừ ốc biêu vàng, chuột, bệnh đạo ôn, vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen, rầy, sâu cuốn lá… hại lúa trong vụ Đông Xuân.

Tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo phương thức "Cánh đồng lớn".

Rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sớm có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chính sách hỗ trợ: Các địa phương cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã có và đề xuất ban hành các chính sách mới hỗ trợ sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 về áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống lúa lai, sản xuất theo “Cánh đồng lớn”, mua máy móc cơ giới hoá…. đặc biệt cần ưu tiên hỗ trợ đối với những vùng bị ảnh hưởng nặng do thiên tai trong vụ Hè Thu, Mùa và vụ Đông 2021.

- Đối với cây rau, màu:

Chỉ đạo nông dân tiếp tục chăm sóc các loại rau màu vụ Đông, đảm bảo đủ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán; chú ý tiến độ gieo trồng, thu hoạch đảm bảo việc lấy nước đổ ải kịp thời cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

Rà soát diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi trồng cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt các loại có khả năng tiêu thụ và bảo quản dài, có hợp đồng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trên diện tích cấy lúa 1 vụ ở vùng TDMNPB có thể mở rộng gieo trồng rau ưa lạnh, khoai tây.

Tiếp tục xây dựng các vùng trồng rau tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đa dạng chủng loại, trồng nhiều trà, rải vụ, đặc biệt tăng diện tích rau trái vụ; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới về giống, kỹ thuật canh tác tổng hợp; đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo VietGAP; xúc tiến phát triển và liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị cho sản xuất, tăng thu nhập và đời sống nhân dân./.

Phan Văn Đạo

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV



THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn