Ảnh: Lãnh đạo Chi cục thăm và kiểm tra mô hình gai xanh tại huyện Cẩm Khê
Cây gai xanh giống AP1 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An
Phước đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống cây trồng mới và được phép
lưu hành từ năm 2018. Theo khuyến cáo của
Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước cây gai xanh AP1 là cây trồng đa tác dụng,
tất cả các bộ phận của cây gai đều mang lại thu nhập cho người trồng: Phần xơ
gai làm nguyên liệu dệt các loại vải cao cấp, lá cây dùng làm bánh gai, thức ăn
chăn nuôi, lõi cây làm nguyên liệu sản xuất giấy, giá thể trồng nấm và làm phân
bón hữu cơ. Cây gai xanh dễ trồng, đầu tư 1 lần cho thu hoạch trên 10 năm, năng
suất cây tươi đạt từ 20 đến 25 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 80 đến 100 triệu
đồng/ha/năm. Hiện nay, thị trường sợi cây gai rất sôi động do xu hướng thời
trang trên thế giới chuộng các chất liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người dùng
và thân thiện với môi trường. Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước đã đầu tư
xây dựng nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá
với công suất 10.000 cọc sợi, sản lượng khoảng 1.400 tấn bông gai/năm. Hiện
Công ty đang liên kết với các tỉnh (Thanh Hoá, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ…) mở rộng
diện tích trồng cây gai xanh cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.
Trên
địa bàn tỉnh Phú Thọ, cây gai xanh AP1 được trồng thử nghiệm đầu tiên tại huyện
Thanh Ba. Đến nay, diện tích cây gai xanh AP1 được mở rộng tại địa bàn 11 huyện,
thành, thị (Thanh Ba, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Yên Lập, Phù
Ninh, Tam Nông, Tân Sơn, Thị xã Phú Thọ, Thành phố Việt Trì) với tổng diện tích
58,6 ha, diện tích cho sản phẩm 54,3 ha. Kết quả cho thấy cây gai xanh sinh trưởng,
phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng thích ứng rộng
trên các loại đất: Đất đồi thấp, đất bãi cao, đất trồng màu, đất trồng sắn, trồng
lạc, đất vườn. Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch không quá phức tạp, phù hợp
với trình độ của đa số nông dân. Thời gian từ trồng đến thu hoạch 60 - 65 ngày,
từ năm thứ hai trở đi cây gai xanh sinh trưởng ổn định, cho thu hoạch 4 - 5 lứa/năm
( 50 - 60 ngày/lứa), năng suất trung bình đạt 3,5 - 4,5 tấn/ha vỏ khô, với giá
bán trung bình 40 triệu đồng/tấn vỏ khô, cho doanh thu 140 - 180 triệu đồng/ha/năm,
lợi nhuận đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Trồng cây gai xanh góp phần cải tạo đất cho
các vùng trồng (trung bình mỗi năm sẽ tạo ra gần 100 tấn phân xanh/ha), tạo mùn
cho đất, có tác dụng cải tạo tính chất lý hóa đất, tăng tính giữ nước, giữ phân, không chỉ làm
tăng chất hữu cơ và đạm cho tầng canh tác mà còn làm phong phú thêm lân, kali,
canxi, magie,… cho đất. Đồng thời ở các vùng đồi dốc, cây gai còn giữ nước đầu
nguồn, hạn chế xói mòn, bảo vệ độ phì nhiêu đất, không phải sử dụng đến thuốc
BVTV, không gây độc hại mà rất thân thiện với môi trường. Sản lượng thu hoạch cây
gai xanh AP1 trồng tại các huyện được Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước cam
kết thu mua toàn bộ thông qua ký kết hợp đồng liên kết sản xuất; việc bảo quản,
vận chuyển sản phẩm gai xanh sơ chế từ vùng nguyên liệu đến nhà máy dễ dàng,
thuận tiện.
Tuy
nhiên việc mở rộng, hình thành các vùng trồng cây gai xanh tập trung còn rất hạn
chế do diện tích đất sản xuất của người dân đa phần manh mún, nhỏ lẻ. Chi phí đầu
tư ban đầu lớn (giống, phân bón, công lao động), từ năm thứ 2 trở đi cây gai
xanh mới cho lợi nhuận trong khi khả năng đầu tư của người dân còn hạn chế; sản
phẩm đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp liên kết và bao tiêu sản phẩm
nên đa số người dân chưa yên tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Lực lượng lao động
cho sản xuất thiếu hụt do chuyển dịch cơ cấu lao động sang các khu công nghiệp
trong khi đó khâu thu hoạch cây gai xanh tại ruộng chưa đưa cơ giới vào được do
chưa có máy móc phù hợp nên cần nhiều công lao động dẫn đến việc mở rộng diện
tích còn nhiều khó khăn.
Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây gai
xanh, hình thành các vùng sản xuất gai xanh tập trung trên địa bàn tỉnh, nâng cao
hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới các hộ sản xuất cần tập hợp,
liên kết với nhau trong các tổ hợp tác, Hợp tác xã để có diện tích, sản lượng đủ
lớn đáp ứng yêu cầu đối tác thu mua. Cử đại diện (HTX, tổ hợp tác) làm đầu mối ký
kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ Phần
nông nghiệp An Phước. Vai trò doanh nghiệp trong chuỗi liên kết rất quan trọng,
để liên kết phát triển bền vững ngay từ đầu năm Công ty Cổ
phần Nông nghiệp An Phước sớm thông báo kế hoạch sản xuất, sản lượng thu mua hàng vụ, hàng năm của Công ty; tiêu chuẩn chất lượng, cơ
chế, giá thu mua cây gai xanh đến các xã, phường, thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với
Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện hướng dẫn kỹ thuật
canh tác, tăng cường áp dụng TBKT, nghiên cứu, cải tiến đưa cơ giới hóa vào khâu
thu hoạch và tước vỏ; cung cấp kịp thời giống gai đảm bảo chất lượng; thua mua,
thanh toán cho nông dân nhanh gọn.
Chính quyền các địa phương cần theo dõi, giám sát việc tuân
thủ các nội dung hợp đồng đã ký kết, đảm bảo liên kết bền vững, đảm bảo quyền lợi
của các bên tham gia liên kết; có cơ chế
hỗ trợ đặc biệt hỗ trợ một phần vật tư, hỗ trợ giống để người dân giảm bớt khó
khăn ban đầu khi chưa có lợi nhuận./.
Ths. Nhữ Thị Ngọc Anh
Phó Chi cục trưởng
- Chi cục Trồng trọt và BVTV
Ảnh: Lãnh
đạo Chi cục thăm và kiểm tra mô hình gai xanh tại huyện Cẩm Khê