Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực Vật thăm mô hình gai xanh tại huyện Cẩm Khê
Năm 2021, thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi cục Trồng trọt
và BVTV tỉnh Phú Thọ phối hợp UBND các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê triển
khai mô hình phát triển sản xuất cây gai xanh giống mới AP1 với tổng diện tích
15 ha, trong đó huyện Cẩm Khê thực hiện 6,5ha tại xã Phượng
Vĩ. Với
đặc tính trồng một lần, nhanh cho thu hoạch, khai thác trong nhiều năm và có
doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cây gai xanh được đưa vào trồng gần 1 năm nhưng
đã mang lại hiệu quả cho bà con nông dân trên địa bàn xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm
Khê.
Cây gai xanh là
loài cây có nhiều đặc tính tốt, giá trị sử dụng cao như: vỏ của thân cây sản
xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt; lá được sử dụng làm bánh gai, tách
chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp
thực phẩm. Quá trình trồng được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thực hiện chính
sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70%
giống cây gai và 50% lượn phân bón hữu cơ vi sinh. Ông Nguyễn Văn Giáp khu rừng
măng, một hộ tham gia mô hình chia sẻ: Sau khi được tập huấn kiến thức về kỹ
thuật trồng và thâm canh cây gai xanh có sự cam kết của doanh nghiệp trong vấn
đề thu mua sản phẩm, chúng tôi nhận thấy cây Gai xanh có tiềm năng phát triển
kinh tế cho bà con bởi cây Gai xanh cho năng suất gấp 4 lần cây ngô, khoai, sắn.
Hơn nữa chỉ trồng 1 lần cho thu hoạch trong vòng 5
đến 10 năm, mỗi năm cho thu hoạch 3 đến 4 lứa. Hiện nay, sau gần 1 năm
trồng Tôi nhận thấy cây Gai xanh cũng khá phù hợp với chất đất của địa phương,
cây đã cho thu hoạch lứa đầu tiên và được công ty thu
mua với giá là 45.000đồng/1kg. Với giá bán hiện tại, cây gai xanh có thể
cho thu nhập khoảng 130-150 triệu đồng/ha/năm.
Hiện
nay, cây gai xanh đang phát triển tốt, cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất
trung bình đạt từ 16-18 tạ thân vỏ/ha. Việc chuyển đổi các loại cây trồng trên
đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây Gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và
bao tiêu sản phẩm bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, không những tận dụng
được tối đa diện tích, phủ xanh đất trống mà đã và đang là hướng đi triển vọng
phù hợp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mô hình này không chỉ đem lại
hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm,
thay đổi canh tác nông nghiệp truyền thống tại địa phương, nâng cao giá trị
trong sản xuất nông nghiệp.
Ngọc
Ánh
Trưởng
Trạm TT&BVTV Cẩm Khê