Hiện nay, an toàn thực phẩm trong sản xuất,
kinh doanh, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm là yêu cầu
tất yếu đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tiêu thụ nông sản ra thị trường.
Do đó, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là rất cần thiết để
các mặt hàng nông sản chủ lực Phú Thọ như
chè, chuối, bưởi, rau… nhập vào được chuỗi cung ứng nông sản lớn trong nước, các
siêu thị, cửa hàng tiện ích bền vững, hình thành thị trường tiêu thụ ổn định là
rất quan trọng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 còn diễn biến phức tạp.
Vừa qua, Chi
cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho 50
người là cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật,
Trạm Khuyến nông, giám đốc các HTX nông nghiệp các huyện, thành, thị nhằm nâng
cao nhận thức về sản xuất nông sản an toàn, các yêu cầu kỹ thuật đối với vùng
trồng tập trung; hướng dẫn thiết lập, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
nông sản chủ lực phục vụ nội tiêu và hướng tới xuất khẩu.
Tham gia lớp
tập huấn, các học viên đã được trang bị kiến thức về mã số định danh cho vùng
trồng, các yêu cầu trong sản xuất nhằm kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát
vi sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản….. Ngoài ra, các học viên
được hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng theo quy định
tại Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV, đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói theo quy
định tại Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 775:2020/BVTV do Cục Bảo vệ thực vật ban hành; giải đáp những vướng mắc
liên quan đến quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng. Thông tin cho các HTX
sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến nông sản biết những quy định về mức dư lượng
thuốc BVTV tối đa cho phép trong từng sản phẩm rau, chè, bưởi, chuối, lúa gạo;
quy định về thủ tục hành chính khi các tổ chức, cá nhân đề nghị
cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói: Hồ sơ đề nghị cấp mã số gửi hồ sơ
về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ để được Chi cục tổ chức kiểm
tra thực địa, đánh giá giám sát, báo cáo và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã
số. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám
sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh
sách và thu hồi mã số đã cấp.
Thông qua các kiến thức được
trang bị sẽ giúp đội ngũ cán bộ nông nghiệp các cấp
nâng cao nhận thức, thực hiện công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
hiệu quả tại địa phương. Các tổ chức, cá nhân hiểu, chủ động thiết lập mã số
vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp nông
sản an toàn phục vụ người tiêu dùng./.
Vũ
Quang Tùng – Phòng Trồng trọt