Lãnh đạo Sở NN và PTNT trao giấy chứng nhận VietGap và chứng nhận MSVT cho Giám đốc HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, huyện Đoan Hùng
(baophutho.vn) - Mã số vùng trồng (MSVT) là điều kiện bắt buộc đối với
những thị trường xuất khẩu khó tính và là một trong những yếu tố phục vụ cho
truy xuất nguồn gốc nông sản. Ngoài hiệu quả truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu
cầu của nước nhập khẩu, việc triển khai quản lý MSVT là giải pháp giúp ổn định,
nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu -
“tấm vé” thông hành vào thị trường quốc tế.
MSVT- điều kiện bắt buộc đối với
xuất khẩu nông sản
MSVT có thể hiểu là mã số định danh
cho từng sản phẩm nông sản giống như mã căn cước công dân của từng người. MSVT
được định vị trên bản đồ GPS, nằm trong vùng quy hoạch sản xuất của tỉnh, để
nhận diện nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định, đảm bảo an toàn
thực phẩm (ATTP) mà khách hàng trong nước và ở nước ngoài khi mua sản phẩm có
thể xác định được. Việc xây dựng MSVT không những giúp truy xuất nguồn gốc mà
còn gắn với việc giám sát chặt quá trình sản xuất theo quy trình nhất định để
đáp ứng yêu cầu của các thị trường, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động
của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc ghi
nhật ký sản xuất, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá
thành sản xuất.
HTX nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân
Quyền, huyện Tam Nông là một trong những đơn vị được cấp MSVT của tỉnh. Hiện
HTX có khoảng 60ha đất trồng chuối, trong đó khoảng 35ha chuối tây, 25ha chuối
tiêu hồng, với năng suất trung bình đạt gần 40 tấn/ha, sản lượng đạt gần 2.000
tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để đủ điều kiện xuất
khẩu, diện tích trồng chuối của HTX đã được cấp MSVT, đáp ứng các yêu cầu như:
Diện tích phù hợp, trồng tập trung, được định vị, áp dụng quy trình sản xuất
tiên tiến, đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh và xử lý thuốc bảo vệ
thực vật. Trong năm 2021, HTX xuất khẩu khoảng 1.200 tấn chuối. Ông Nguyễn Mạnh
Thắng- Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, khi chưa được cấp MSVT, quả chuối tây
của HTX xuất sang thị trường khó tính như Trung Quốc rất ít. Từ năm 2019, được
cấp MSVT, HTX thực hiện chặt chẽ việc giám sát, hướng dẫn các hộ trồng chuối về
kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch; hướng dẫn ghi nhật ký, nhật
trình, do đó các hộ đều tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh
thực phẩm, nhất là về nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV.
Là một trong những HTX đầu tiên được
cấp chứng nhận MSVT trên cây bưởi, anh Đào Mạnh Đạt - Giám đốc HTX bưởi và dịch
vụ tổng hợp Vân Đồn, huyện Đoan Hùng cho biết: Hiện HTX đã liên kết với Công ty
CP công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu mua
36.000 quả bưởi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nga. Nhằm
đáp ứng yêu cầu của khách hàng, được sự giúp đỡ của Chi cục Trồng trọt và BVTV
tỉnh, HTX đã chỉ đạo xã viên áp dụng sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP. Đến
nay, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cấp MSVT phục vụ xuất khẩu.
Chuối và bưởi là hai trong số những
sản phẩm nông sản có tiềm năng xuất khẩu. Hiện nay, diện tích chuối toàn tỉnh
có gần 4.000ha, năng suất trung bình đạt trên 250 tạ/ha, sản lượng đạt trên
91.000 tấn, được xuất sang thị trường Trung Quốc. Đối với cây bưởi, hiện tổng
diện tích gần 5.500ha, diện tích cho sản phẩm trên 3.500ha, năng suất gần 120
tạ/ha; sản lượng đạt trên 42.000 tấn, được các doanh nghiệp liên kết sản xuất,
tiêu thụ theo chuỗi, hướng tới bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu sang một
số nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Tỉnh Phú Thọ đã cấp được 11
MSVT đủ điều kiện để xuất khẩu cho bưởi; trong đó cho vùng bưởi Đoan Hùng là ba
mã số với diện tích trên 90ha.
HTX nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông được
Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho chuối, đảm bảo các yêu cầu xuất
khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đẩy mạnh xây dựng MSVT
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường
nhập khẩu nông sản, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu và các hộ nông
dân, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tích cực phối kết hợp với các đơn vị liên
quan xây dựng kế hoạch quản lý, cấp chứng nhận MSVT, vùng nuôi đối với các sản
phẩm nông, lâm thủy sản trên địa bàn; tiến hành lựa chọn đối tượng, quy mô để
cấp mã số sản xuất; xây dựng bản đồ số nhằm đánh giá được vùng sản xuất, truy
xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm an toàn lên
sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ công nghệ mã hóa vùng trồng theo đúng
quy chuẩn quốc gia. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho các cơ sở, doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương hướng
dẫn nông dân tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, áp dụng quy
trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và
BVTV đã phối hợp với Cục BVTV tổ chức tập huấn cho cán bộ Chi cục, Phòng Nông
nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV, các HTX, doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh… về xây dựng mô hình giám sát ATTP, vùng trồng và cơ sở đóng
gói; nâng cao nhận thức về sản xuất nông sản an toàn, hướng dẫn thiết lập, giám
sát MSVT, cơ sở đóng gói nông sản chủ lực phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng
Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Việc cấp MSVT và truy xuất được nguồn gốc
nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy
tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và
người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng. Nắm bắt điều này, thời gian gần đây, tỉnh
ta đã chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng MSVT xuất khẩu cho nhiều loại nông sản
thế mạnh của địa phương. Đây là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có
thể tiếp cận với các thị trường khó tính.
Hiện, ngành nông nghiệp đang tiếp
tục khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các HTX, THT, đẩy mạnh
việc ứng dụng KHKT công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, ATTP nông
sản; đẩy mạnh xây dựng và cấp MSVT; ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy
xuất quá trình sản xuất nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông
sản Phú Thọ. Tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ
mọi khó khăn cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh, giới thiệu,
đặc biệt là tiêu thụ chế biến, xuất khẩu nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá
trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh
vươn xa ra thị trường quốc tế.
Hoàng Hương –
PTO