Chủ Nhật, 8/12/2024
Kết quả cấp và quản lý mã số vùng trồng năm 2023
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV thăm vùng trồng chuối tại Thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm theo mã số chính là hình thức chuyển đổi số trong trồng trọt.

Thực hiện quy định tại Điều 64 của Luật Trồng trọt, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực tham mưu, thực hiện việc cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập, cấp và quản lý 251 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 4.495 ha, trong đó có 27 mã số phục vụ xuất khẩu cho 17 vùng trồng với diện tích 664 ha; 224 mã số phục vụ tiêu thụ trong nước cho 224 vùng trồng với diện tích 3.881 ha; 01 mã số cơ sở đóng gói chuối phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, cụ thể:

Đối với cây trồng chủ lực: Đã cấp và quản lý 207 mã số, với diện tích 3.544 ha, bao gồm: Cây bưởi (73 mã số, với diện tích 1.060 ha, trong đó có 18 mã số xuất khẩu sang Nga, Hoa Kỳ với diện tích 366 ha); Cây chuối (24 mã số, với diện tích 322 ha, trong đó có 9 mã xuất khẩu sang EU, Trung Quốc với diện tích 298  ha); Cây chè (62 mã số, với diện tích 2.031 ha); Cây rau (48 mã số, với diện tích 131 ha).

Ngoài ra, các cây trồng khác: Đã cấp và quản lý 13 mã số, với diện tích 297 ha, gồm lúa gạo (02 mã số, với diện tích 235 ha để thực hiện liên kết sản xuất, chế biến mì gạo Hùng Lô), cây vải, cam, đu đủ, nho….

Thông qua việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loại cây trồng (VietGAP, hữu cơ,…. ); kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Mã số vùng trồng được gắn trên bao bì, nhãn mác sản phẩm góp xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm, hình thành các liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn, làm tăng cường sự tin cậy của người tiêu dùng về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Mặt khác, mã số xuất khẩu thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc xuất khẩu các sản phẩm chuối, bưởi, chè (Sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải có mã số vùng trồng), giữ ổn định giá bán sản phẩm ở mức cao hơn.

Năm 2023, cùng với việc đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến tiến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tại các vùng trồng, giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác bình quân ước đạt 120 triệu đồng, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2022., trong đó Cây chè ước đạt bình quân 116,4 triệu đồng/ha (tăng 5,9% so với năm 2022); Cây chuối ước đạt bình quân 192,5 triệu đồng/ha (tăng 6,1% so với năm 2022); Cây bưởi ước đạt bình quân 179,6 triệu đồng/ha (tăng 2,2% so với năm 2022); Cây rau ước đạt 149,0 triệu đồng/ha (tăng 0,6% so với năm 2022), góp phần vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt 3,21%.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực (chè, bưởi, chuối, rau). Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng các cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh với tổng số 621 mã số, diện tích 10.890 ha. Ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thực hiện tốt việc duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp, thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất đã cam kết, chứng nhận, sử dụng mã số đúng quy định để in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục thiết lập, mở rộng các vùng trồng, đảm bảo các điều kiện theo quy định để được cấp mới các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc./.

                                                                                                      Phan Văn Đạo
                                                                                              Chi cục trưởng - Chi cục Trồng trọt và BVTV 



Ảnh 1: Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV thăm vùng trồng chuối tại Thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê



Ảnh 2:  Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV thăm vùng trồng chè tại Võ Miếu, huyện Thanh Sơn



THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn