Tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 353,5 nghìn ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 61,6 nghìn ha, đất trồng cây lâu năm 55,8 nghìn ha, đất lâm nghiệp 167,2 nghìn ha, đất nuôi thủy sản 8,7 nghìn ha, đất nông nghiệp khác 556,4 ha.
Tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 353,5 nghìn ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 61,6 nghìn ha, đất trồng cây lâu năm 55,8 nghìn ha, đất lâm nghiệp 167,2 nghìn ha, đất nuôi thủy sản 8,7 nghìn ha, đất nông nghiệp khác 556,4 ha. Với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp, Phú Thọ xác định các cây trồng chủ lực phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao tập trung phát triển sản xuất hàng hóa gồm: Lúa chất lượng cao, cây bưởi, cây chè, cây chuối và những cây trồng sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương như: Hồng không hạt, cây sơn đỏ, khoai tầng vàng, cây dược liệu.
Năm 2024, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất; bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ một số nông sản không ổn định, giá vật tư nông nghiệp vẫn giữ ở mức cao... nhưng với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của bà con nông dân nên công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giá trị trên một đơn vị diện tích tiếp tục tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhiều năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quan tâm chỉ đạo, bước đầu phát huy hiệu quả trong thực tiễn sản xuất. Việc cấp mã số vùng trồng giúp cho công tác quản lý, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng được tốt hơn.