Thứ Ba, 14/5/2024

Thông báo sâu bệnh kỳ 10/8, dự báo 7 ngày tới và biện pháp phòng trừ (Số 30/2017). Tân Sơn.

Tuần 32. Tháng 8/2017. Ngày 10/08/2017
Từ ngày: 07/08/2017. Đến ngày: 14/08/2017

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

TRẠM BVTV TÂN SƠN

 


Số: 30/TB - BVTV

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


Tân Sơn, ngày 10 tháng 8  năm 2017

 

THÔNG BÁO

Tình hình dịch hại 07 ngày

 (Từ ngày 07/8 đến 13/8/2017 và dự báo trong 7 ngày tới)

 


Căn cứ kết quả điều tra sâu bệnh ngày 07 - 08/8/2017, trạm BVTV huyện Tân Sơn thông báo tình hình dịch hại trong tuần qua, dự báo thời gian tới và đề xuất biện pháp phòng trừ như sau:

I. TÌNH HÌNH DỊCH HẠI VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:

1. Trên cây lúa

1.1. Sâu cuốn lá nhỏ:

- Hiện tại: Trưởng thành lứa 6 đã ra rộ, di chuyển và đẻ trứng trên tất cả các trà lúa, mật độ trưởng thành trung bình 0,5 - 1con/m2, cao 1,5 - 2 con/m2, cục bộ 3 con/m2. Mật độ trứng trung bình 7 - 14 quả/m2, cao 30 - 35 quả/m2, cục bộ trên 70 quả/m2 (Văn Luông, Thạch Kiệt, Thu Ngạc,...).

- Dự báo: Trưởng thành tiếp tục di chuyển và đẻ trứng, sâu non nở rộ trong vài ngày tới, gia tăng mật độ rất nhanh và gây hại mạnh từ 14/8 trở đi trên lúa mùa trung giai đoạn đứng cái - làm đòng. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 700 ha. Các xã cần chú ý: Văn Luông, Mỹ Thuận, Long Cốc, Thu Ngạc, Thạch Kiệt,...

1.2. Bệnh sinh lý (Vàng lá):

- Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại nhẹ trên các trà lúa ở hầu hết các xã; tỷ lệ bệnh trung bình 1 - 6%; cao 8 - 12%; cục bộ trên 14%. Diện tích nhiễm 122,8 ha (nhiễm nhẹ).

- Dự báo: Trong thời gian tới, cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái - làm đòng, rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết bất thuận (Nắng nóng, mưa bão); bệnh có thể tiếp tục phát sinh, gây hại, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng trũng không chủ động tiêu thoát nước, ruộng hẩu, ruộng dộc chua, ....

1.3. Ngoài ra: Theo dõi các đối tượng khác như: Chuột, sâu đục thân, rầy các loại, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, ....  

2. Trên cây lâm nghiệp:

2.1. Sâu xanh ăn lá bồ đề:

- Hiện tại: Trưởng thành lứa 5 đã ra rộ, di chuyển và đẻ trứng trên các diện tích bồ đề ở diện tích nhiễm và vùng lân cận, mật độ trưởng thành trung bình 1 - 2 con/cây, cao 4 - 5 con/cây, cục bộ 8 - 10 con/cây (Lai Đồng, Thu Cúc), mật độ ổ trứng trung bình 2 - 3 ổ/cây, cao 5 - 7 ổ/cây, cục bộ trên 10 ổ/cây. Mỗi ổ từ 20 - 50 quả trứng.

- Dự báo: Trưởng thành tiếp tục di chuyển và đẻ trứng, sâu non nở rộ trong vài ngày tới, gia tăng mật độ rất nhanh và gây hại mạnh từ 16/8 trở đi. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng và có thể gây trụi lá nhiều diện tích nếu không được phòng trừ kịp thời. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 30 ha. Các xã cần chú ý: Lai Đồng, Thu Cúc, Đồng Sơn, Mỹ Thuận,...

2.2. Ngoài ra: Bệnh chết héo cây keo hại rải rác.

II. ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO, PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo: Đề nghị UBND các xã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huy động bà con nông dân, chủ rừng tăng cường kiểm tra, phát hiện, phân loại đồng ruộng để phòng trừ kịp thời. Tăng cường công tác truyên truyền, nhất là trên hệ thống truyền thanh xã, khu dân cư về nhận biết và phòng trừ sâu bệnh an toàn, hiệu quả.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kết hợp áp dụng các biện pháp thủ công để bắt giết trưởng thành và sâu non. Khi ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 20 con/m2 cần tiến hành phòng trừ bằng thuốc ví dụ như: Clever 300WG, Hd-Fortuner 150EC, Dylan 10WG, Rigell 800WG, Emagold 6.5WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, F16 600EC, Virtako 40WG...

- Bệnh sinh lý (Vàng lá): Khi ruộng lúa bị bệnh không bón phân đạm, tăng cường làm cỏ sục bùn. Khắc phục bằng cách bón 10 - 15 kg vôi bột + 10-15 kg supe lân kết hợp với làm cỏ sục bùn, hoặc sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như XO Sogan siêu ra rễ; XO siêu lân, ...

- Sâu xanh ăn lá bồ đề: Tổ chức các đội phun tập trung, sử dụng bình phun dạng nước hoặc máy động cơ phun bột phun triệt để các khu rừng bị hại.

+ Với những diện tích rừng có địa hình thấp, nguồn nước thuận lợi, cây tuổi 1-2 (cây còn thấp): Sử dụng những loại thuốc hóa học có tác dụng tiếp xúc, xông hơi mạnh pha với nước dùng bình phun để phun phòng trừ ví dụ như: Victory 585EC, Wavotox 585EC,...  .

+ Với những diện tích rừng tuổi >3, địa hình cao, không có nguồn nước: Sử dụng những loại thuốc có hoạt chất Nereistoxin ví dụ như: Neretox 95 WP liều lượng 1,1 kg trộn đều với 6- 7 kg bột nhẹ phun cho 1 ha; Dùng máy phun động cơ phun thuốc dạng bột phun theo từng băng rộng 10 -15 m theo đường đồng mức từ trên xuống dưới.

- Ngoài ra:

+ Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp (thủ công, đánh mồi bả,...). Tiếp tục theo dõi và phòng trừ kịp thời các ổ sâu đục thân, rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... khi vượt ngưỡng.

+ Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh trên cây keo, cây mỡ.

Lưu ý: Chỉ sử dụng các loại thuốc có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì thuốc để đúng nơi quy định./.

 

Nơi nhận:

KT. TRẠM TRƯỞNG

- Chi cục BVTV Phú Thọ;

- TT HU, HĐND, UBND huyện;

- Lãnh đạo huyện: Ông Yến (B/C);

- Phòng NN&PTNT, các phòng ban liên quan;

- Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp huyện;

- Thành viên tổ công tác chỉ đạo sx nông lâm nghiệp;

- UBND các xã;

- Lưu: Trạm.

PHÓ TRẠM TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Phùng Xuân Dũng