1. Tình hình sâu xanh hại lá bồ đề và dự báo:
a, Tình hình sâu hại: Hiện tại sâu xanh hại lá xuất hiện trên các rừng bồ đề 3 - 5 tuổi tại các xã Kim Thượng, Xuân Đài, Long Cốc, Đồng Sơn. Mật độ sâu non trung bình 5 - 10 con/cây, cao 20 - 30 con/cây, cục bộ trên 50 con/cây. Tỷ lệ lá hại trung bình 15 - 20%, cao 30 - 40%, cục bộ trên 70 - 100%, trụi hết lá. Phát dục chủ yếu là tiền nhộng, nhộng và trưởng thành. Diện tích nhiễm sâu xanh hại lá khoảng 497 ha/766 ha trồng bồ đề của các xã, trong đó diện tích nhiễm trung bình là 222 ha, nhiễm nặng là 275 ha.
b, Dự báo: Trưởng thành tiếp ra rộ trong vòng 10 ngày tới và di chuyển đẻ trứng thành từng ổ ở mặt dưới lá và thân cây. Trứng sẽ nở rộ từ 15 - 25/7/2011 với mật độ sâu non rất cao do mật độ trưởng thành lớn và mỗi con cái đẻ từ 100 - 120 trứng. Sâu non nở ra ăn hết toàn bộ phần lá cả lá non, lá bánh tẻ và lá già đến khi trụi toàn bộ lá trên cây, làm cây ngừng sinh trưởng và có thể bị chết. Do hệ số nhân cao, dự kiến sâu lây lan gây hại nặng trên toàn bộ diện tích trồng bồ đề của các xã nếu không được phòng trừ tích cực.
2. Đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ:
a, Biện pháp chỉ đạo:
- Đề nghị UBND huyện Tân Sơn chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã có rừng bồ đề phát động chiến dịch phòng trừ sâu xanh hại lá bồ đề: Huy động cán bộ khuyến nông cơ sở, các chủ rừng, các tổ chức đoàn thể cùng nông dân triển khai ngay các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật. Trước mắt đề nghị huyện trích kinh phí từ nguồn 30a hỗ trợ kịp thời mua vật tư cho phòng trừ như: Thuốc BVTV, đèn bẫy bướm, máy phun áp lực cao, ...
- Đề nghị các đơn vị trong ngành: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, Vường quốc gia Xuân Sơn huy động lực lượng phối hợp cùng Chi cục BVTV hỗ trợ, hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ.
b, Biện pháp kỹ thuật phòng trừ: Sau khi thử nghiệm, đánh giá các biện pháp phòng trừ và hiện tại sâu đang giai đoạn nhộng và trưởng thành là chính, Chi cục đề nghị áp dụng các biện pháp sau đây:
- Tiêu diệt nhộng: Dùng cuốc, xén, cào bới nhẹ lớp đất mặt xung quanh gốc và rộng dần ra dưới tán cây, bắt giết nhộng tìm thấy: Qua thử nhiệm bắt được từ 60 - 70 con/gốc trong đó tập trung ở bán kính quanh gốc 1,5 m.
- Tiêu diệt trưởng thành:
+ Do trưởng thành ban ngày ít di chuyển, chủ yếu đậu bám vào thân cây trong khoảng từ mặt đất lên cao 3m nên dùng tay bắt hoặc que đập giết trưởng thành rất hiệu quả.
+ Dùng bẫy đèn bắt bướm: Do trưởng thành ưa ánh sáng đèn, dùng các loại đèn ắc quy, đèn măng xông đốt bằng bình ga du lịch,... đặt trong chậu nước bẫy bướm trên và xung quanh rìa rừng rất hiệu quả: Qua thử nghiệm bẫy đèn khoảng 3 tiếng từ 7 - 10 giờ, mỗi đèn tiêu diệt được 40 - 80 con bướm.
* Tiêu diệt được 01 con nhộng hoặc 01 con bướm là giảm được hàng trăm con sâu non có thể gây trụi lá từ 2 - 3 cây bồ đề.
+ Phun thuốc hóa học: Sau khi triển khai đồng bộ các biện pháp thủ công nêu trên, nếu mật độ sâu non nở còn cao, tiến hành phun thuốc hóa học. Dùng máy phun động cơ áp lực cao phun bao vây xung quanh ổ dịch; phun khi sâu non mới nở đang di chuyển lên tán cây. Sử dụng các loại thuốc tiếp xúc mạnh như: Victory 585EC, Tasodant 600 EC,... pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Thời gian phun tập trung từ 15 - 25/7/2011. Do địa hình đồi dốc khó đi lại, nước phun rất khó khăn nên cần tổ chức thành đội phun dập dịch gồm các thanh niên khỏe mạnh mới triển khai được.