Thứ Bảy, 4/5/2024

Thông báo sâu bệnh kỳ 7 ngày trên lúa kỳ 23/4 (Số 26/2019). Đoan Hùng.

Tuần 17. Tháng 4/2019. Ngày 23/04/2019

CHI CỤC TT&BVTV PHÚ THỌ

TRẠM TT&BVTV ĐOAN HÙNG

 


Số: 26/TB-TT&BVTV

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                   

THÔNG BÁO

Tình hình dịch hại 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ

 (Từ ngày 16/4 đến 23/4/2019 và dự báo trong 7 ngày tới)

 

Hiện tại, trà xuân trung cây lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh - chín sáp; trà lúa xuân muộn đang trong giai đoạn đòng già - trỗ bông. Qua kết quả điều tra sâu bệnh tuần 17 (Ngày 22 - 23/4/2019) cho thấy, một số đối tượng dịch hại tiếp tục phát sinh và gây hại làm ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây lúa. Trạm Trồng trọt và BVTV thông báo kết quả tình hình dịch hại, dự báo 7 ngày tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH DỊCH HẠI VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:

1. Rầy các loại:

* Hiện tại: Phát sinh và gây hại trên các trà lúa. Mật độ rầy phổ biến 100 - 480 con/m2, cao 756 - 1.600 con/m2, cục bộ ổ 2.000 - 3.000 con/m2 (Sóc Đăng). Phát dục chủ yếu tuổi  2, 3, 4. Diện tích nhiễm 261,6 ha, trong đó 194,3 ha nhiễm nhẹ, 67,3 ha nhiễm trung bình. Diện tích phòng trừ 67,3 ha.

* Dự báo: Rầy tiếp tục tích lũy và gia tăng mật độ, gây hại trên các trà lúa; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng, có thể gây cháy chòm, ổ khi lúa chuyển giai đoạn chín sáp nếu không phòng trừ. Các xã cần chú ý: Sóc Đăng, Nghinh Xuyên, Phúc Lai, Yên Kiện, Ca Đình, Bằng Doãn, Minh Lương, Phương Trung, Hùng Quan, Vân Đồn, Tây Cốc....

2. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại trên các trà lúa của các xã, thị trấn. Tỷ lệ bệnh phổ biến 4,7 - 9,1% dảnh hại (DH), cao 14,9 - 20,5% DH, cục bộ 25 - 30,1% (Chí Đám, Tiêu Sơn, Ngọc Quan, Sóc Đăng, Phúc Lai, Yên Kiện...). Diện tích nhiễm 641,4 ha, trong đó 423 ha nhiễm nhẹ,  218,4 ha nhiễm trung bình. Diện tích phòng trừ 218,4 ha.

* Dự báo: Trong điền kiện nắng nóng và có mưa xen kẽ bệnh tiếp tục phát triển, lây lan và gây hại, nhất là trên diện tích lúa đang trỗ bông - chắc xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối.

3. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại rải rác tại Chí Đám, Tiêu Sơn, Sóc Đăng; tỷ lệ bệnh phổ biến 0,3 - 2,7%.

* Dự báo: Trong kỳ tới, điều kiện trời có mưa rào kèm theo dông lốc,  bệnh sẽ tiếp tục phát triển, lây lan nhanh và gây hại bộ lá đòng. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, nhất là trên diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh. Các xã cần lưu ý: Chí Đám, Vân Du, Hùng Quan, Nghinh Xuyên, Phương Trung, Phong Phú, Tây Cốc, Minh Tiến, Đại Nghĩa, Phú Thứ, Hữu Đô, Hùng Long, Vụ Quang…

* Ngoài ra: Châu chấu tre đã nở trên đồi rừng và trên ruộng lúa tại xã Minh Phú, Đại Nghĩa, Chân Mộng. Trong thời gian tới, châu chấu tiếp tục nở gây hại tại địa phương có nguồn từ các năm trước. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân, bọ xít dài, chuột hại tiếp tục gây hại rải rác.

II/ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

Phòng trừ sâu bệnh trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới năng suất lúa vụ xuân. Đề nghị bà con nông dân bám sát đồng ruộng, tăng cường kiểm tra tình hình sâu bệnh, không chủ quan lơ là nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

1. Rầy các loại: Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm) cần tiến hành phòng trừ bằng  các thuốc trừ rầy đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Chersieu 75 WG, Excel Babsac 600 EC, Superista 25 EC, Nibas 50 EC, Ramsuper 75WP...). Giai đoạn chắc xanh trở đi, sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc mạnh, khi phun nhất thiết phải rẽ băng rộng 0,8 - 1m, phun kỹ vào gốc lúa. (Ví dụ: Excel Basa 50EC, Nibas 50EC, Bassa 50EC,...)

2. Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Chevin 5SC, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL, Anvil 5SC, Amistatop 325SC...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

3. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sau mưa dông, cần kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, phun phòng trừ ngay bằng các thuốc đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: TOTAN 200WP, Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP...). Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần cách nhau 5 - 7 ngày).

4. Châu chấu tre: Khi phát hiện châu chấu mới n, dùng vợt bắt giết những ổ châu chấu đang co cụm ở trên mặt đất, ruộng lúa, bờ cỏ đem tiêu hủy. Đối với những ổ châu chấu trên đồi rừng, khó áp dụng biện pháp thủ công cần tổ chức tổ dịch vụ phun tập trung, dùng máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch để tiêu diệt. Sử dụng các loại thuốc trừ châu chấu tre đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, ví dụ: Victory 585EC, Lufen extra 100EC, Neretox 95WP,... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.

Lưu ý: (Đối với diện tích lúa đang trỗ cần thiết phải phun phòng trừ thì thời gian phun thuốc sau 17h chiều).

5. Ngoài ra: Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ  các đối tượng sâu bệnh: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân, bọ xít dài, nhện gié để phòng trừ kịp thời. Tích cực diệt chuột thường xuyên bằng các biện pháp tổng hợp.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo, đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo./.

 

Nơi nhận:

- Chi cục TT&BVTV(B/c) ;

- Huyện ủy, UBND huyện (B/c) ;

- Phòng NN&PTNT, Trạm KN (P/h);

- Đài TT huyện (P/h) ;

- UBND các xã, thị trấn ;

- Lưu.

 TRẠM TRƯỞNG

 

 

(Đã ký)

 

 

Đỗ Chí Thành