Chủ Nhật, 19/5/2024

Thông báo Tình hình sinh vật gây hại 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ (Từ ngày 10/8 đến 16/8/2022, dự báo trong 7 ngày tới (Số 21/2022). Việt Trì.

Tuần 0. Tháng 8/2022. Ngày 17/08/2022
Từ ngày: 10/08/2022. Đến ngày: 16/08/2022

THÔNG BÁO

Tình hình sinh vật gây hại 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ

(Từ ngày 10/8 đến 16/8/2022, dự báo trong 7 ngày tới)

 


Hiện nay, trà lúa mùa đang trong giai đoạn làm đòng, qua điều tra tình hình sinh vật gây hại từ ngày 15 - 16/8/2022, Trạm Trồng trọt và BVTV Việt Trì thông báo tình hình sinh vật gây hại và dự báo trong thời gian tới như sau:

I. TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI VÀ DỰ BÁO:

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại: Trong đợt chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, hầu hết diện tích nhiễm đã được phun phòng trừ kịp thời và đạt hiệu quả. Qua kiểm tra, mật độ sâu phổ biến còn 4 - 8 con/m2, cao 16 con/m2, phát dục tuổi 3, 4,5. Tuy nhiên, trong kỳ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơm bão số 2, trên địa thành phố có mưa trên diện rộng, một số ít diện tích phun xong gặp mưa nên mật độ sâu hại còn cao trên 20 con/m2.

* Dự báo: Sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại nhẹ, sau đó chuyển lứa gây hại trên một số diện tích trà mùa trung vào cuối tháng 8/2022, các xã, phường có diện tích trà trung cấy muộn cần lưu ý.

 2. Bệnh khô vằn:

 * Hiện tại: Bệnh gây hại trên các trà lúa ở tất cả các xã, phường. Tỷ lệ bệnh phổ 1,8 - 2,1%, cao 15,6 - 16,6%. Diện tích nhiễm 31,1 ha chủ yếu nhiễm nhẹ.

* Dự báo: Trong những ngày tới, thời tiết tiếp tục có nắng mưa xen kẽ, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan và gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối, các phường, xã cần lưu ý chỉ đạo phòng trừ.

3. Bạc lá, Đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Tỷ lệ trung bình 2,1 - 2,2%; cao 5,5 - 8,3%, cục bộ 20,1 - 22,5% (Thụy Vân, Sông Lô); Diện tích nhiễm 46,9 ha  trong đó nhiễm nhẹ 26,2 ha, nhiễm trung bình 20,7ha. Diện tích đã phòng trừ 20,7 ha.

 * Dự báo: Đề phòng sau mưa rào kèm theo dông, lốc bệnh sẽ phát sinh, lây lan và gây hại. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, đặc biệt là trên diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh, trên những giống mẫn cảm (Nhị ưu số 7, nhị ưu 838, Thiên ưu 8, Hương Thơm, TBR 225,...). Tất cả các xã, phường cần lưu ý.

4. Ngoài ra: Bướm sâu đục thân 2 chấm, bệnh sinh lý xuất hiện rải rác; Sâu đục thân, rầy các loại, … hại nhẹ rải rác; Chuột hại cục bộ.

II. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

 Đề nghị UBND các phường, xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, kiểm tra, phân loại đồng ruộng, phát hiện và chỉ đạo phòng trừ triệt để những diện tích nhiễm sinh vật gây hại đến ngưỡng đảm bảo hiệu quả, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh ở xã, khu dân cư để nông dân biết, chủ động kiểm tra thăm đồng và phòng trừ có hiệu quả.

Đẩy mạnh chăm sóc lúa theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) giúp cây khoẻ, hạn chế tác hại của sâu bệnh gây ra.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nhất là bán thuốc không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, thuốc cấm sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng và lợi dụng cao điểm sâu bệnh để nâng giá thuốc BVTV, cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh buôn bán, bán hàng rong tại các chợ, bán hàng không đúng địa điểm đăng ký kinh doanh, ....

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Sử dụng các biện pháp thủ công, vợt bắt, giết trưởng thành, nhộng và sâu non. Nếu mật độ sâu trên 20 con/m2 sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu cuốn lá có trong danh mục để phòng trừ (ví dụ thuốc: Dylan 10 WG, 2 EC, Satrungdan 95 BTN, Clever 300 WG, Comda gold 5WG, SecSaigon 25EC, Netoxin 90 WP, Vayego 200 SC, Emagold 6.5 WG, Tasieu 5 WG, Alocbale 40 EC, .... ).

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Chevin 5SC, Saizole 5EC, Avilando 5SC, Thanonil 75WP, Nativo 750WG, Clearner 75WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Valivithaco 5SL, Damycine 5SL/5WP, Nativo 750WG, ... .

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu (ví dụ như Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, Kasumin 2SL, Totan 200WP , Avalon 8WP,ViSen 20SC, ...) để phun phòng trừ sớm ngay khi mới phát hiện, tuyệt đối không phun kèm phân bón qua lá và thuốc kích thích sinh trưởng, dừng bón các loại phân hóa học, nhất là phân đạm khi ruộng lúa bị bệnh.

- Chuột hại: Tiếp tục theo dõi đánh chuột bằng các biện pháp như; thủ công, sử dụng bả sinh học, thuốc hóa học, ... Sử dụng thuốc sinh học hay hóa học phải có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Sử dụng thuốc Ranpart 2%DS, Rat-kill 2% DP, Cat 0.25WP, Rat K 2% DP, ...; trộn thành bả; mồi nhử là thóc luộc nứt vỏ chấu, gạo, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép, ... hoặc bả trộn sẵn như FORWARAT 0.005% WAX BLOCK, Broma 0.005AB, GIMLET 2.0GB…).

- Các đối tượng khác: Cần tiếp tục theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả..

* Lưu ý: Sau khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom bao bì để đúng nơi quy định của địa phương.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Việt Trì thông báo và đề nghị UBND các phường, xã quan tâm chỉ đạo./.

 

Nơi nhận:

- Chi cục TT&BVTV tỉnh (B/c);

- UBND TP (B/c);  

- Phòng Kinh tế, ĐTT;

- UBND phường, xã;

 - Lưu Trạm.

 

 

 

 TRẠM TRƯỞNG

(Đã ký)

 

 

 

Nguyễn Thị Lan Phương