Thứ Sáu, 19/4/2024
THÔNG BÁO KHẨN TÌNH HÌNH SÂU CUỐN LÁ KỲ 22/7 DỰ BÁO 10 NGÀY TỚI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
Gửi bài In bài

   Hiện nay, lúa mùa sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa mùa trung giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh, lúa sinh trưởng khá tốt. Theo kết quả tổng điều tra sâu bệnh từ ngày 18 - 22/7/2011 trên địa bàn toàn tỉnh, sâu cuốn lá đang giai đoạn chuyển lứa gia tăng nhanh mật độ, cụ thể:

1. Diễn biến Sâu cuốn lá nhỏ kỳ 22/7 và dự báo:

   Do tính chất gối vụ, sâu chuyển nguồn từ vụ xuân sang đẻ trứng, gây hại trên mạ và lúa mới cấy với mật độ cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trên trà sớm. Tuy nhiên do mật độ còn dưới ngưỡng phòng trừ, khả năng đền bù cây lúa giai đoạn này rất cao và để hạn chế bộc phát rầy cuối vụ, Chi cục không chỉ đạo phun lứa sâu này.

a, Hiện tại:

- Trên trà sớm: Mật độ sâu non trung bình 10 - 20 con/m2, cao 30 - 40 con/m2, cục bộ ổ nhỏ trên 60 con/m2 (Phù Ninh, Tam Nông, Lâm Thao, Việt Trì). Phát dục chủ yếu tuổi 5, nhộng.

- Trên trà trung: Mật độ sâu non trung bình 8 - 16 con/m2, cao 24 - 40 con/m2, cục bộ trên 50 con/m2 (Thanh Ba, Phú Thọ). Phát dục chủ yếu tuổi 2, 3.

b, Dự báo:

- Đợt 1 (Ứng với trên trà sớm): Bướm ra rộ từ ngày 23 - 28/7/2011, di chuyển và đẻ trứng trên trà sớm, trà trung. Sâu non nở rộ đầu tháng 8 và gây hại trên các trà lúa.

- Đợt 2 (Ứng với trên trà trung): Bướm ra rộ từ ngày 05 - 09/8/2011 và đẻ trứng (Trùng vào thời gian phòng trừ đợt 1). Sâu non nở rộ từ ngày 11/8/2011 trở đi.

Do điều kiện thời tiết thuận lợi, lúa giai đoạn đẻ nhánh là nguồn thức ăn thích hợp nên bướm sâu cuốn lá sẽ đẻ rất nhiều trứng, tỷ lệ trứng nở sẽ rất cao, nhiều diện tích có mật độ sâu 100 - 200 con/m2, cục bộ 300 - 400 con/m2  gây trắng lá hoàn toàn nếu không được phòng trừ kịp thời. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng trên 10.000 ha. Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Việt Trì, Phù Ninh, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Thủy, Hạ Hòa, ...

c, Ngoài ra: Ốc bươu vàng, châu chấu, rầy các loại, bệnh sinh lý gây hại cục bộ ổ hẹp.  Sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá lớn hại rải rác.

 

2. Biện pháp chỉ đạo phòng trừ:

a, Biện pháp chỉ đạo:

- Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn huy động tổ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân tổng kiểm tra đồng ruộng, xác định mật độ, phân loại diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ để phòng trừ. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài PTTH huyện, xã về diễn biến sâu cuốn lá và biện pháp phòng trừ theo đúng hướng dẫn của ngành BVTV về thời gian phun và thuốc phun.

- Giao Trạm BVTV huy động tối đa lực lượng, làm việc cả thứ 7, chủ nhật tăng cường điều tra, phân loại từng đợt, từng trà nhiễm sâu cuốn lá cần phòng trừ, tham mưu cho UBND huyện và các xã, phường, thị trấn chỉ đạo phòng trừ đảm bảo hiệu quả, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và dễ gây bộc phát rầy cuối vụ.

b, Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá:

+ Ruộng có mật độ sâu non 50 con/m2 (1 con / khóm trở lên), sử dụng các loại thuốc Finico 800 WG; Rigell 800 WG; Rambo 800 WG; Oncol 25 WP hỗn hợp với Silsau 4.5 EC, Catex 3.6 EC, Pertox 5 EC, ...   pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

+ Thời gian phun thuốc: Phun tập trung từ ngày 02 - 08/8/2011, khi đó sâu non chủ yếu đang ở tuổi 1, 2, vừa đạt hiệu quả cao, vừa đỡ phun nhiều lần. Các huyện cần chú ý phun đợt sâu này gồm Thanh Thủy, Lâm Thao, Việt Trì, Phù Ninh, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa.

- Các đối tượng khác:

+ Ốc bươu vàng: Khi ruộng có mật độ trên 3 con/m2, sử dụng các loại thuốc Clodansuper 700 WP, Mossade 700WP pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

+ Bệnh sinh lý: Khi ruộng bị bệnh tiến hành sục bùn làm cỏ ngay để giải phóng, trung hòa độc tố trong đất kết hợp phun bổ sung các loại phân bón lá. Nơi chủ động tưới tiêu, có thể tháo cạn phơi ruộng 1 - 2 ngày rồi đưa nước vào ruộng.

+ Ngoài ra cần chú ý theo chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu đục thân, rầy các loại, bệnh khô vằn.

CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn