Hôm qua (Ngày 29/10/2009), Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ sức khỏe cây trồng và vật nuôi (thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) đã tổ chức hội thảo giới thiệu về nguyên nhân gây bệnh Lùn sọc đen (LSĐ) hại lúa tại miền Bắc
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Hà Viết Cường (bộ môn Bệnh cây, Trung tâm nghiên cứu bệnh cây nhiệt đới) đã tiết lộ thêm một số thông tin mới về việc virus LSĐ lây sang ngô tại Nghệ An mà NNVN phản ánh gần đây.
Báo cáo của TS Cường về tác nhân gây bệnh tiếp tục đồng nhất với quan điểm của Viện BVTV mà NNVN đã đưa tin. Cụ thể, Trung tâm bệnh cây nhiệt đới đã tiến hành lấy mẫu tại Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng và Sơn La. Sau đó tiến hành bằng các phương pháp như phân tích triệu chứng; phân tích trình tự và xây dựng cây phả hệ; chụp hiển vi điện tử... Kết quả, nhiều bằng chứng cho thấy bệnh lùn lụi trên lúa tại miền Bắc không phải là bệnh VL-LXL mà là do virus LSĐ (SRBSDV: Southem rice black-streaked dwarf virus) gây ra.
Về vector lây bệnh, TS. Cường cho biết virus LSĐ không truyền bệnh qua hạt giống mà chỉ truyền bệnh qua rầy. Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế cho biết chỉ có rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ là có khả năng truyền virus LSĐ từ lúa sang lúa với khả năng truyền bệnh rất cao (100% cây nhiễm bệnh LSĐ có từ 3 đến 4 con rầy). Tuy nhiên, chỉ có rầy lưng trắng mới có khả năng truyền virus LSĐ từ lúa sang ngô. Các nghiên cứu cũng cho biết rầy nâu không truyền bệnh LSĐ. Như vậy với kết luận mới này, rầy lưng trắng hiện nay đang trở thành mối đe dọa hết sức nguy hiểm.
Báo cáo của TS. Cường cho biết những năm gần đây, quần thể rầy trên lúa tại miền Bắc đang có sự thay đổi lớn. Cụ thể: tỉ lệ rầy nâu chiếm 70% vào năm 1981 đã giảm xuống còn 30% vào năm 2007. Ngược lại, rầy lưng trắng tăng từ 35% lên 70%. Đặc biệt nguy hiểm, rầy nâu nhỏ đã tái xuất hiện ở miền Bắc từ giữa năm 2008 và đang có xu hướng phát triển mạnh. Như vậy, cả 2 loại rầy có khả năng truyền virus LSĐ rất cao đang “đổ bộ” ra miền Bắc khiến nguy cơ bùng phát bệnh LSĐ trong thời gian tới là hết sức nguy hiểm.
Xung quanh việc “truy tìm” nguồn bệnh LSĐ bùng phát tại miền Bắc hình thành từ đâu, TS. Cường cho biết các nghiên cứu về khả năng di cư của rầy cho thấy rầy nâu truyền bệnh VL-LXL ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông không di cư ra miền Bắc. Trong một số giả thiết có thể chỉ ra tới miền Trung mà thôi. Việc xác định nguồn bệnh là do có sẵn tại các tỉnh miền Bắc hay là do di chuyển từ miền Nam Trung Quốc xuống tới thời điểm này là chưa thể xác định. Tuy nhiên, một nghiên cứu của TS. Cường về nguồn bệnh vàng lùn (bệnh lúa cỏ) ở miền Nam cho thấy bệnh hình thành do virus có sẵn tại địa phương.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam