Thứ Tư, 9/10/2024
Công bố " Nghi can" mới gây bệnh VL- LXL hại lúa tại miền Bắc
Gửi bài In bài

Báo cáo kết quả nghiên cứu với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện BVTV cho biết thời gian qua, Viện này đã tiến hành lấy nhiều mẫu bệnh tại hầu hết các tỉnh ở miền Bắc và tiến hành xét nghiệm cẩn trọng, thậm chí bằng cả các thiết bị hiển vi điện tử (phương pháp phát hiện virut tiên tiến nhất hiện nay) ở cả 3 cơ sở xét nghiệm uy tín tại Pháp, Trung Quốc và Việt Nam. Song tất cả kết quả xét nghiệm đều không phát hiện ra virut VL-LXL tồn tại trên mẫu bệnh phẩm.

Song song với việc xét nghiệm tìm virut VL-LXL, Viện BVTV cũng đã tiến hành tái tạo lại quá trình lây bệnh VL-LXL nhân tạo khép kín với véctơ môi giới lây bệnh là rầy nâu nhưng đều không có kết quả phản ứng. Trong khi đó, hầu hết các mẫu thử đều cho phản ứng với véctơ môi giới của bệnh lùn sọc đen đó là rầy lưng trắng.

Đồng nhất quan điểm với ông Viễn, ông Nguyễn Văn Bộ - GĐ Viện KHNN Việt Nam khẳng định các phương pháp tiến hành xét nghiệm và lây bệnh nhân tạo đã được triển khai hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng, có sự tham chiếu và cập nhật thông tin công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trong quá trình này, Viện KHNN Việt Nam cùng Viện BVTV đã đặc biệt quan tâm đến tình hình dịch bệnh trên lúa tại vùng biên giới phía nam Trung Quốc vì các đặc điểm của bệnh tại các vùng này tương đồng với bệnh VL-LXL tại miền Bắc nước ta.

Về phương diện chẩn đoán bên ngoài, cả ông Ngô Vĩnh Viễn cùng bà Phạm Thị Vượng (Phó Viện trưởng Viện BVTV) cùng thống nhất cho biết, không chỉ có kết quả xét nghiệm và lây bệnh nhân tạo khép kín đều không phát hiện ra virut VL-LXL mà các kết quả chẩn đoán bên ngoài của bệnh cũng có thể khẳng định 100% bệnh là do virut lùn sọc đen phương nam – một loại bệnh cũng đang xuất hiện tại Trung Quốc gây nên. Kết luận này dựa trên các đặc điểm so sánh trên thân cây lúa bị bệnh VL-LXL được Viện BVTV chụp ảnh và lấy mẫu tại tỉnh Long An hồi cuối tháng 9 vừa qua và cây lúa bị bệnh tại miền Bắc có sự khác biệt nhau.

Cây lúa bị VL-LXL tại miền Nam tuy bị lùn lụi và xoắn lá nhưng thân cây vẫn cứng và trơn. Trong khi đó trên thân lúa bị bệnh tại miền Bắc xuất hiện các nốt sáp sần sùi cùng các sọc đen điển hình. Các cán bộ của Viện BVTV sau một thời gian phối hợp nghiên cứu bệnh lùn sọc đen trên lúa tại Trung Quốc đã cho biết các đặc điểm này của cây bệnh ở miền Bắc là tương đồng với bệnh lùn sọc đen. Theo ông Viễn, cơ quan BVTV của Trung Quốc hiện cũng đã có cảnh báo bệnh lùn sọc đen trên lúa là cực kỳ nguy hiểm và có khả năng lây lan ra toàn bộ các quốc gia trồng lúa tại Đông Nam Á nếu không có biện pháp phòng trừ.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết nếu Viện BVTV đã đủ các cơ sở khoa học kết luận về nguyên nhân gây bệnh là do virut lùn sọc đen thì có thể lập Hội đồng khoa học để bảo vệ kết luận này. Thứ trưởng cũng đã đồng tình với đề xuất của lãnh đạo các Viện KHNN, Viện BVTV và Cục BVTV cho lập một tổ Hợp tác nghiên cứu quốc tế gồm các chuyên gia của Việt Nam, IRRI, Trung Quốc và Pháp cùng phối hợp nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng trước khi trình kết luận chính thức với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào cuối năm nay.

“Bộ NN-PTNT sẽ cung cấp đủ tiền cho các đồng chí sang Trung Quốc và IRRI phối hợp tiếp tục nghiên cứu hoặc cho mời các chuyên gia của IRRI sang Việt Nam. Viện BVTV cử 3 chuyên gia, Cục BVTV cử 2 chuyên gia do Viện trưởng Ngô Vĩnh Viên làm tổ trưởng tổ nghiên cứu này” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng kết luận.

Bà Phạm Thị Vượng lo ngại, việc phát hiện mới về bệnh VL – LXL tại miền Bắc không phải do virut VL-LXL gây ra đồng nghĩa với việc môi giới truyền bệnh sẽ không phải là rầy nâu mà là rầy lưng trắng. Đây là loại rầy tồn tại rất dai dẳng trên đất và khả năng lây bệnh cho lúa ở vụ chiêm xuân năm 2010 là hết sức nguy hiểm. Việc Bộ NN-PTNT hỗ trợ các địa phương thuốc chống rầy nâu vì vậy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Ở một phương diện khác, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, mặc dù Viện BVTV khẳng định bệnh là do virut lùn sọc đen gây ra và không phát hiện ra virut VL – LXL nhưng những kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Elisa của Viện Lúa quốc tế (IRRI) đã từng được xác định trên lúa bị bệnh tại miền Bắc cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Bởi IRRI là Viện nghiên cứu về lúa có bề dày trên 30 năm nhưng tại sao kết quả xét nghiệm Elisa của họ lại hoàn toàn trái ngược với Viện BVTV?

Về vấn đề này, ông Ngô Vĩnh Viễn cùng các cán bộ của Viện BVTV cho rằng phương pháp Elisa đã tồn tại từ năm 1985 đến nay và việc xác định virut bằng phương pháp này hiện nay đã quá cũ và chậm. Hơn nữa đến thời điểm này có thể nói kết quả của IRRI là không đủ căn cứ xác định về tác nhân gây bệnh khi họ chưa tiến hành quá trình lây bệnh nhân tạo. Lãnh đạo Viện KHNN, Viện BVTV kiến nghị với Thứ trưởng Bùi Bá Bổng tổ chức một hội thảo cho mời các chuyên gia của IRRI, Pháp và Trung Quốc sang để thảo luận, đánh giá và đưa ra kết luận chính thức về chủng virut mới gây bệnh lùn sọc đen trên lúa tại miền Bắc.                    

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam  

 

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn