Thứ Bảy, 23/11/2024
Kết quả phòng trừ sâu bệnh hại lúa trong cao điểm tháng 8 năm 2017
Gửi bài In bài
Nông dân xã Sơn Dương, Lâm Thao phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh

Đối với sản xuất lúa mùa, công tác bảo vệ thực vật có ý nghĩa rất quan trọng. Việc phòng trừ sâu bệnh trong cao điểm là một trong những yếu tố quyết định tới năng suất và sản lượng lúa cả vụ. Vụ mùa năm nay, cao điểm phòng trừ sâu bệnh được xác định trong tháng 8, với các đối tượng dịch hại chính như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Tính đến thời điểm này (25/8/2017) cơ bản các địa phương và bà con nông dân đã thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh được kiểm soát ở ngưỡng an toàn.

Qua điều tra tình hình dịch hại trong tháng 8 cho thấy, đã có trên 28.000 lượt ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, cụ thể:

Sâu cuốn lá nhỏ: Phát sinh trên diện rộng, tổng diện tích nhiễm 14.789 ha; mật độ phổ biến 8,0 - 20 con/m2, cao 30 - 40 con/m2, cục bộ 60 - 80 con/m2, cá biệt 300 con/m2 (Việt Trì, Lâm Thao); diện tích dự kiến cần phòng trừ trên 9 nghìn ha. Như vậy, về quy mô diện tích nhiễm tương đương năm 2016 và TBNN nhưng mức độ hại (Mật độ sâu) thấp hơn TBNN.

Bệnh khô vằn: Do mưa nhiều, bệnh phát sinh trên tất cả các trà lúa, diện tích nhiễm 13.910 ha, cao hơn so với cùng kỳ 2016 và TBNN; tỷ lệ bệnh phổ biến trước khi phòng trừ 8,0 - 15%, cao 20 - 35%, cục bộ 40 - 50%, cá biệt 60 - 64% (Thanh Ba); diện tích dự kiến cần phòng trừ trên 8,8 nghìn ha.

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Phát sinh rải rác ở hầu hết các huyện. Diện tích nhiễm 941,0 ha; tỷ lệ bệnh phổ biến 2,6 - 8,0%, cao 10,3 - 23,5%, cục bộ 40 - 45% (Lâm Thao). Quy mô và mức độ hại thấp hơn cùng kỳ 2016 và TBNN.

Trước tình hình sâu bệnh và những diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo, nhận định cao điểm, chỉ đạo công chức, viên chức làm việc cả thứ 7 và chủ nhật trong cao điểm, kiểm tra, đôn đốc phòng trừ hàng ngày, ban hành 07 Thông báo tình hình dịch hại và biện pháp phòng trừ. Đồng thời, báo cáo tình hình, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 02 văn bản chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh. Phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình tỉnh xây dựng 02 chuyên mục, 02 phóng sự; đăng tải 10 tin, bài hướng dẫn kỹ thuật trên Báo Phú Thọ, Website Sở, Website Chi cục.

Đối với cấp huyện, có 12/13 huyện, thành, thị ban hành văn bản chỉ đạo sản xuất và phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa; 04/13 huyện, thành, thị ra quyết định thành lập đoàn công tác đôn đốc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trong cao điểm. Hầu hết các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo sản xuất, chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa, thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh, đọc thông báo hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hàng ngày để các hộ nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh.

Kết quả: Đến 25/8/2017, hầu hết diện tích sâu bệnh hại đến ngưỡng đã được phòng trừ kịp thời, đảm bảo an toàn sản xuất; toàn tỉnh đã tổ chức phòng trừ được 9.986 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; 8.938 ha nhiễm bệnh khô vằn; 483 ha nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Mật độ sâu cuốn lá nhỏ sau phòng trừ phổ biến 2 - 4 con/m2, không có diện tích bị hại trắng lá do sâu cuốn lá nhỏ gây ra; trên các diện tích phòng trừ bệnh khô vằn và bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn cơ bản vết bệnh cũ đã dừng. Nhìn chung, trên cây lúa vụ mùa năm 2017, tình hình sâu bệnh đã được kiểm soát tốt, phòng trừ kịp thời và hiệu quả cao.

Từ nay đến cuối vụ, thời tiết tiếp tục có mưa dông và diễn biến phức tạp, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn vẫn còn khả năng tục phát sinh gây hại, ngay cả đối với các diện tích đã được phòng trừ; rầy các loại đang phát triển và sẽ gây hại mạnh từ đầu tháng 9 trở đi; sâu đục thân gây hại đối với lúa trỗ muộn,... Do đó các địa phương và nông dân không nên chủ quan, lơ là, nhất là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 (3 ngày nghỉ), cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, thời tiết để phun phòng trừ kịp thời đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra./.

 

Phan Văn Đạo

Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn