Chủ Nhật, 8/12/2024
Thực trạng kinh doanh, sử dụng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và giải pháp quản lý trong thời gian tới
Gửi bài In bài

Thực trạng kinh doanh, sử dụng thuốc trừ cỏ

trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và giải pháp quản lý trong thời gian tới

 

Phan Văn Đạo

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV

                                               

Theo thống kê giai đoạn 2015 - 2018, hàng năm tỉnh Phú Thọ có diện tích trồng lúa khoảng 68 nghìn ha, ngô khoảng 18 nghìn ha, rau trên 13 nghìn ha, chè trên 16 nghìn ha, cây ăn quả khoảng 11,1 nghìn ha trong đó: Cây có múi (bưởi, cam) 3,9 nghìn ha, cây nhãn vải 1,7 nghìn ha; diện tích rừng trồng trên 120 nghìn ha.... Cùng với việc tham mưu chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phòng trừ sâu bệnh hại, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã thực hiện thống kê, đánh giá thực trạng, tình hình kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng trên địa bàn tỉnh. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một số vấn đề về thực trạng và giải pháp quản lý thuốc trừ cỏ trong thời gian tới.

Về thực trạng buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ:

 Theo thống kê, tổng sản lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) buôn bán, sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ từ năm 2016 đến hết tháng 6 năm 2018 là 240,09 tấn (Năm 2016 là 102,99 tấn; năm 2017 là 96,87 tấn; 6 tháng đầu năm 2018 là 40,23 tấn). Bình quân hàng năm 96,04 tấn thuốc BVTV, trong đó thuốc trừ cỏ 40,99 tấn, chiếm 42,68% (Trên toàn quốc, ước tính lượng thuốc BVTV nhập khẩu và lưu thông bình quân 100 - 120 nghìn tấn/năm, trong đó thuốc trừ cỏ khoảng 45 - 54 nghìn tấn chiếm khoảng 45%). Như vậy, lượng thuốc BVTV, trong đó có thuốc trừ cỏ được buôn bán và sử dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang ở mức thấp hơn mức bình quân chung của các tỉnh, thành phố của cả nước.

Tổng các loại thuốc BVTV đang được lưu thông, buôn bán và sử dụng trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ 2016 – 2018 gồm 380 loại, trong đó thuốc trừ sâu 205 loại; thuốc trừ bệnh 94 loại; thuốc trừ cỏ 51 loại; thuốc trừ ốc 10 loại; thuốc trừ chuột 10 loại; thuốc KTST 10 loại. Các loại thuốc BVTV trên đều có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Như vậy, số lượng các loại thuốc thương phẩm buôn bán và sử dụng trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ thấp, bằng 9,3% số lượng thuốc BVTV thương phẩm quy định trong danh mục (4.079 tên thương phẩm), riêng thuốc trừ cỏ bằng 7,6% số lượng các loại thuốc trừ cỏ thương phẩm quy định trong danh mục (713 tên thương phẩm).

Các hoạt chất thuốc trừ cỏ đang được buôn bán, sử dụng trên địa bàn tỉnh gồm 14 hoạt chất với 51 thương phẩm (Trong danh mục quy định 234 hoạt chất với 713 thương phẩm), gồm: Hoạt chất Paraquat 9 tên thương phẩm, hiện đang được nông dân sử dụng trừ cỏ trên đất không trồng trọt, cỏ bờ ruộng, cỏ trong vườn cây lâu năm. Tổng lượng hàng năm khoảng 6,16 tấn, chiếm 6,42% tổng lượng thuốc BVTV và chiếm 15,04% lượng thuốc trừ cỏ buôn bán, sử dụng trên địa bàn. Hoạt chất Glyphosate gồm 10 tên thương phẩm hiện được nông dân sử dụng chủ yếu trên đất không trồng trọt, trừ cỏ trên đất trước khi trồng cây ăn quả (nhãn, vải, cây có múi), cây công nghiệp (Sơn, bạch đàn,...), cỏ bờ lô, trừ cỏ trên chân đất một vụ khi không canh tác. Tổng lượng sử dụng bình quân hàng năm khoảng 3,62 tấn, chiếm khoảng 3,77% tổng lượng thuốc BVTV và 8,83% tổng lượng thuốc trừ cỏ buôn bán, sử dụng trên địa bàn. 12 hoạt chất còn lại với 32 tên thương phẩm, gồm các hoạt chất: Acetochlor; Bensulfuron Methyl; Butachlor; Atrazine; Sulcotrione; Bispyribac-sodium; Propisochlor; Quinclorac; Pretilachlorl; Clethodim; Cyhalofop-butyl; Ethoxysulfuron. Loại thuốc trừ cỏ này được nông dân sử dụng trên các đối tượng cây trồng hàng năm như lúa, ngô, cây màu. Tổng lượng buôn bán và sử dụng bình quân hàng năm khoảng 31,21 tấn, chiếm khoảng 32,49% tổng lượng thuốc BVTV và 76,13% tổng lượng thuốc trừ cỏ buôn bán và sử dụng trên địa bàn. Theo Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV ngày 08/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam thì đến ngày 08/02/2019, toàn bộ các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat sẽ bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam.

Theo kết quả thanh tra, kiểm tra sử dụng thuốc trên địa bàn những năm vừa qua, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung trên đồng ruộng, vườn đồi của người nông dân và các doanh nghiệp cơ bản đã được thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ nói riêng cũng đã đảm bảo theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản phẩm (rau, quả, chè) trên địa bàn những năm qua không phát hiện thấy có dư lượng thuốc trừ cỏ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong đó có thuốc trừ cỏ đảm bảo an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng đồng thời tăng cường hướng dẫn công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng đối với sức khỏe con người và môi trường. Trong điều kiện hiện nay, do chuyển dịch cơ cấu lao động làm cho lao động nông nghiệp đang bị thiếu hụt, việc sử dụng thuốc trừ cỏ có tác dụng tích cực là tiêu diệt các loại cỏ dại để đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, dễ sử dụng, giảm công lao động đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ sai kỹ thuật, phun thuốc trừ cỏ trên công trình giao thông công cộng, trong khu đô thị, khu đông dân cư…không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, gần nguồn nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, đến môi trường đất, nước, không khí, đến các loài sinh vật khác, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe con người. Nguyên nhân: Do sản xuất còn manh mún, số lượng người sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ cỏ nhiều; hiểu biết kỹ thuật, nhận thức về trách nhiệm của người buôn bán, sử dụng thuốc còn hạn chế; do thói quen của người dân dựa vào thuốc hóa học, thiếu quan tâm đến các biện pháp thân thiện môi trường; số lượng cửa hàng buôn bán thuốc còn nhiều, điều kiện kinh doanh lỏng lẻo; lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp huyện còn mỏng và ở một số nơi làm chưa hết trách nhiệm; vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ, thu gom bao gói sau sử dụng chưa được phát huy và quan tâm đúng mức; chế tài xử phạt vi phạm đối với người sử dụng thuốc chưa đủ sức răn đe và khó được thực thi…

Về giải pháp quản lý đối với việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ trong thời gian tới:

- Cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo cho cộng đồng, người buôn bán, sử dụng nâng cao nhận thức về thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, nhất là trong sử dụng thuốc trừ cỏ, thu gom và tiêu hủy triệt để bao gói thuốc sau sử dụng.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý; tiếp tục đánh giá, phát hiện và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT loại bỏ một số thuốc kém chất lượng, hiệu quả thấp hoặc có nguy cơ gây độc hại cho môi trường và con người.

- Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ thân thiện với môi trường như làm đất tối thiểu, che phủ nilon mặt ruộng, điều tiết nước, điều chỉnh mật độ cây trồng, sử dụng thuốc trừ cỏ sinh học…để giảm thiểu sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học.

- Phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể các cấp và chính quyền cấp cơ sở trong việc tuyên truyền, khuyến cáo, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý chặt chẽ thuốc trừ cỏ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm./.

Ảnh: Lãnh đạo và cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra đồng ruộng

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn