Thứ Bảy, 23/11/2024
Nâng cao chất lượng quả bưởi từ sử dụng chế phẩm sinh học
Gửi bài In bài
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn người trồng bưởi sử dụng bẫy bả để phòng trừ bệnh ruồi đục quả


Cây bưởi đã trở thành một trong những loại cây chủ lực giúp người dân ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, càng ngày người tiêu dùng càng có yêu cầu khắt khe hơn về mẫu mã cũng như chất lượng quả bưởi. Trước yêu cầu đó, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu để tìm giải pháp nâng cao chất lượng quả bưởi.

Ông Lê Hồng Thiết, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, chất vi lượng và các axitamin có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bưởi quả, khi được cung cấp đầy đủ cây sẽ sinh trưởng bền, chống chịu tốt hơn với điều kiện ngoại cảnh, quả khi chín có vị đậm, độ ngọt hơn, màu sắc đẹp hơn và thuận tiện hơn trong bảo quản. Tuy nhiên, chất vi lượng và các axitamin chỉ có trong phân hữu cơ và một số chế phẩm, phân bón qua lá, đa số không có ở các phân hoá học tổng hợp thông thường. Cách tốt nhất là người trồng bưởi nên tận dụng và thu gom các nguồn hữu cơ xung quanh như rơm rạ, thân cây ngô, đậu đỗ, bèo, mùn cưa,... chất thải trong chăn nuôi và sử dụng các chế phẩm có chứa vi sinh vật để xử lý, ủ thành dinh dưỡng quan trọng cho cây bưởi. 

Nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng nói chung và dinh dưỡng vi lượng nói riêng tới chất lượng bưởi, người dân trồng bưởi ở nhiều nơi trong tỉnh đã chủ động và có những kiến thức nhất định để chăm sóc vườn bưởi nhà mình. Ông Trần Ngọc Toàn ở thôn Lã Hoàng, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng chia sẻ: “Hàng năm gia đình tôi thu gom và ủ gần 20 tấn phân hữu cơ để bón cho gần 3ha bưởi, phân hữu cơ sau khi ủ hoai mục được bón sau đợt thu hoạch. Một số phân khác được bón khi cây ra hoa, nuôi quả từ tháng 2 đến khoảng tháng 6, 7. Khi sử dụng phân hoá học tôi rất thận trọng, vì nếu bón thừa là chất lượng quả kém ngay, sâu bệnh lại phát sinh nhiều. Còn phân chuồng thì bón càng nhiều càng tốt, nếu ủ kỹ chất lượng quả càng cao, hạn chế được tối đa chi phí do phải mua phân hóa học, vừa tốt cho đất và đỡ ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra tôi còn sử dụng bón phân qua lá chủ yếu tập trung vào thời gian từ hình thành nụ cho đến tháng 4,5 để hạn chế rụng hoa, quả”.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về sử dụng phân bón và dinh dưỡng cho cây bưởi, chương trình xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu (CSA) và truyền thông về cây bưởi đang hướng dẫn bà con tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học vì đây là những vật tư có ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm và môi trường. Qua tìm hiểu thị trường cho thấy, những năm gây đây công nghệ sinh học và vi sinh đã được ứng dụng nhanh trong sản xuất. Phân bón vi sinh chế phẩm sinh học được thực hiện đa dạng hơn, nhiều nhà vườn sau đầu tư đã tăng được chất lượng quả, môi trường, sinh thái được cải thiện.

Đây là nguồn nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có, nếu người trồng bưởi không có điều kiện mua sản phẩm bán sẵn trên thị trường thì có thể tự ủ phân, khi thực hiện cần lưu ý sử dụng những men có chứa vi sinh vật để vừa phân giải chất hữu cơ thành mùn vừa có tính chất đối kháng với nấm bệnh. Với cách làm này, người trồng có thể tiết kiệm được tới 50% chi phí mua phân, giảm tới 20-30% chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc bưởi, hiện nay người trồng bưởi, đặc biệt ở các vùng chuyên canh về bưởi đã chuyển dần việc sử dụng thuốc BVTV hóa học sang sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, chế phẩm dẫn dụ để phòng trừ các loại sâu bệnh thường gặp trên cây bưởi. Bà Đỗ Thị Sơn ở khu 15, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng cho biết: Ruồi vàng hại quả là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây bưởi. Trước đây, gia đình tôi thường bị giảm tới hơn 30% sản lượng vì ruồi vàng, trong khi đó vẫn phải chi phí mua và phun thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm 2017 tới nay, tôi cùng nhiều hộ khác được cán bộ BVTV hướng dẫn đã chuyển hướng sang sử dụng chế phẩm dẫn dụ để tiêu diệt ruồi vàng, treo bẫy bả từ tháng 5 cho tới hết tháng 8, tình trạng ruồi vàng gần như không còn.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đã giúp nâng cao chất lượng quả ở vùng bưởi Đoan Hùng. Đây là giải pháp được ngành nông nghiệp khuyến khích người dân nên tăng cường sử dụng không chỉ trên cây bưởi mà đối với tất cả các loại cây trồng khác vì nó  giúp giảm chi phí, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần cải tạo đất bạc màu, hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường đất, nước và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Quân Lâm - PTO

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn