Thứ Bảy, 23/11/2024
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2021 - 2025 lĩnh vực Trồng trọt tại Phú Thọ
Gửi bài In bài
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, lãnh đạo Công ty cổ phẩn tập đoàn Masan cùng Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ thăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phân Giống - VTNN công nghệ cao Việt Nam

Những năm gần đây, kinh tế trang trại của Phú Thọ phát triển nhanh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, các trang trại còn gặp nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất, năng lực quản lý, điều hành của chủ trang trại, sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển ổn định và bền vững, rất cần những cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả và sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành ở địa phương.

1. Khái quát về phát triển kinh tế trang trại ở Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020:

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hết năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 471 trang trại hoạt động (đạt 90,4% so với KH 2020; KH 2020 là 521 trang trại), gồm 5 loại hình trang trại: 139 trang trại tổng hợp, 217 trang trại chăn nuôi, 91 trang trại thủy sản, 5 trang trại lâm nghiệp, 19 trang trại trồng trọt. So với năm 2016, tăng 229 trang trại, trong đó có 335 trang trại được cấp Giấy chứng nhận. Số trang trại trồng trọt đạt 19/43 (đạt 44%) so với KH 2020, như vậy có thể thấy số trang trại trồng trọt tăng chậm so với các loại hình trang trại khác.

Về đất đai trang trại sử dụng: Tổng diện tích đất trang trại sử dụng là 2.637,6 ha, tăng 1.134,3 ha so với năm 2016 (tăng do số lượng trang trại tăng). Bình quân mỗi trang trại sử dụng 5,6 ha đất các loại. Như vậy, quy mô sử dụng diện tích đất của trang trại là khá lớn.

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại: Tổng giá trị sản sản lượng hàng hóa đạt 815.489,4 triệu đồng, đạt 67,9% KH; giá trị sản lượng hàng hóa bình quân 01 trang trại đạt 1.731,4 triệu đồng, tăng gần 263 triệu đồng so với năm 2016. Theo thông tư 02/2020-TT/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về tiêu chí kinh tế trang trại: trang trại trồng trọt quy mô 1 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/năm; trang trại thủy sản quy mô 1 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt trên 2 tỷ đồng/năm; trang trại tổng hợp quy mô 1 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt trên 2 tỷ đồng/năm; trang trại lâm nghiệp từ 10 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Đối chiếu với các tiêu trí trên cho thấy trang trại tại tỉnh Phú Thọ đã đáp ứng, tuy nhiên, với mức doanh thu mà chia cho bình quân diện tích thì tổng giá trị còn đạt thấp (310 triệu đồng/ha).

Về ứng dụng khoa học công nghệ: Hầu hết các trang trại đều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trang trại trồng bưởi đều có hệ thống tưới tiết kiệm, tự động, tăng lượng sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc BVTV sinh học. Đối với trang trại sản xuất rau, quả tươi một số đã được chứng nhận VietGAP và sản xuất trong nhà lưới hiện đại có hệ thống cắt nắng, lưu thông khí, tưới tự động và sản xuất những sản phẩm có giá trị cao như dưa lưới, dưa vàng, cà chua, dưa chuột,... đối với trang trại chè chủ yếu là sản xuất chè xanh chất lượng cao, đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM. Nhìn chung, theo mục tiêu tại KH số 4177/KH-UBND về Phát triển kinh tế trại trại tỉnh Phú Thọ đến giai đoạn 2016-2020 về chỉ tiêu ứng dụng khoa học công nghệ đối với trang trại trồng trọt là đạt yêu cầu.

Về chính sách hỗ trợ phát triển trang trại: Thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh (NQ này đã hết hiệu lực từ 01/8/2019 và được thay thế bằng NQ số 05). Đối với trang trại trồng trọt, trong thời gian thực hiện nghị quyết 01 có 2 trang trại được hỗ trợ đầu tư vườn sản xuất giống bưởi Diễn; 13 trang trại trồng mới cây bưởi diễn với diện tích 41 ha, kinh phí 318,8 triệu đồng; 01 trang trại phát triển cây ăn quả với diện tích 03 ha, kinh phí 28 triệu đồng; hỗ trợ trang trại bình tuyển cây đầu dòng (110) cây kinh phí 210 triệu đồng. Thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 05, hiện các huyện, thành, thị đang tiến hành nghiệm thu, tổng hợp đề nghị tỉnh cấp hỗ trợ đối với các trang trại tham gia trồng bưởi, chè, rừng sản xuất; trang trại tham gia phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của 55/2015/NĐ-CP. Trong giai đoạn 2016-2019 toàn tỉnh có hơn 60 trang trại được vay vốn từ các tổ chức tín dụng với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng. Trước đây, trang trại khi vay vốn tại tổ chức tín dụng, ngoài các điều kiện theo quy định thì Giấy chứng nhận trang trại (theo thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại) cũng là một trong những giấy tờ cần có. Tuy nhiên, theo thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí kinh tế trang trại thì UBND cấp xã sẽ tổng hợp và lập sổ theo dõi trên cơ sở kê khai của chủ trang trại và báo cáo UBND cấp huyện. Như vậy, các trang trại công nhận theo thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT không có Giấy chứng nhận như theo thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, một mặt giảm được thủ tục hành chính, nhưng sẽ khó khăn khi trang trại thực hiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng?

Cũng theo các báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, sở Công thương các tiến bộ khoa học kỹ thuật được hỗ trợ trong các đề tài, dự án cũng như nội dung xúc tiến thương mại chủ yếu đối tượng được hưởng là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã. Các trang trại chưa được tham gia nhiều trong công tác giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, sản phẩm của trang trại hầu như chưa xây dựng được nhãn hiệu riêng.

2. Đánh giá chung:

2.1. Điểm mạnh:

- Số lượng trang trại đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là khi UBND ban hành Kế hoạch số 4177/KH-UBND ngày 21/9/2016 về Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020. Sự phát triển của trang trại đã góp phần tăng trưởng kinh tế đối với ngành nông nghiệp, chuyển dần từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Khoa học kỹ thuật được chú trọng và ứng dụng tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ATTP và người tiêu dùng. Trong đó đã quan tâm đến sản xuất an toàn, sản xuất bền vững như chống xói mòn, rửa trôi khi canh tác trên đất dốc, xử lý nguồn hữu cơ tại chỗ thành phân bón, sử dụng chế phẩm vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học,... thực hiện theo quy trình GAP, IPM, ICM.

- Có sự hỗ trợ đáng kể từ chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong phát triển trang trại. Các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại về thủ tục vay vốn sản xuất.

2.2. Đểm yếu:

- Thực tế có rất nhiều hộ gia đình có quy mô trồng trọt đáp ứng tiêu chí kinh tế trang trại, nhất là những năm gần đây diện tích cây ăn quả như bưởi, chuối tăng nhanh. Tuy nhiên, việc chứng nhận hoặc công nhận các hộ đủ tiêu chí trang trại còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trang trại của địa phương.

- Sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Liên kết sản xuất và thương mại còn hạn chế, có 38/471 trang trại tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (Chiếm 8%), trong đó trang trại trồng trọt có 3/15 tham gia liên kết (Chiếm 20%). Số lượng trang trại tiếp cận được với nguồn vốn vay theo chính sách về tín dụng còn thấp. Mức hỗ trợ cho thuê đất theo Nhị quyết số 01/2016/NQ-HĐND còn thấp (3 triệu đồng/ha đối với cây hàng năm; 2 triệu đồng/ha đối với đất đồi); tiến độ thực hiện hỗ trợ theo Nhị quyết số 05/2019/NQ-HĐND tỉnh còn chậm.

- Một số trang trại còn thiếu về năng lực quản lý, chuyên môn, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

- Chất lượng sản phẩm sản xuất ra từ các trang trại vẫn chưa được kiểm soát nghiêm ngặt, chưa có thương hiệu trên thị trường.

2.3. Cơ hội:

  Kinh tế trang trại của tỉnh Phú Thọ đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, đó là:

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu: Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu với các nước trong khu vực và Thế giới, các hiệp định thương mại tự do, hàng loạt các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ;

Cơ hội tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển: Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra các dòng dịch chuyển tự do các nguồn lực cho phát triển sản xuất như: lao động, vốn, khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị, trình độ quản lý... Khi thu hút được các nguồn lực sẽ mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh hàng hóa nông sản ở tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cho trang trại.

Cơ hội liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế: Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hợp tác với trang trại để cùng thực hiện các hoạt động sản xuất nông sản chất lượng cao. Chúng ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động, còn các nhà đầu tư  nước ngoài sẽ mang đến các nguồn lực cần thiết khác như vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý… Chúng ta sẽ có đủ nguồn lực để phát triển sản xuất còn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy quá trình bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quá trình phát triển dựa trên sự hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

Cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nhu cầu thiết yếu cho mọi lĩnh vực, là nền tảng cho sự phát triển. Quá trình liên kết sản xuất, người nông dân và chủ trang trại sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức, tay nghề, góp phần thúc đẩy năng suất lao động, tăng thu nhập, thu hút lao động vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Một cơ hội lớn nữa là, năm 2019 - 2020, các nước trong khu vực và thế giới có nền sản xuất nông nghiệp hùng mạnh với sản lượng nông sản lớn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang rơi vào khủng hoảng, bế tắc bởi ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch bệnh Covid 19 và tình trạng thiên tai, lũ lụt đang làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nông sản thực phẩm. Hơn lúc nào hết, các trang trại cần đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản đề bù đắp phần thiếu hụt đó, đồng thời thu hút đầu tư về phía mình.

2.4. Thách thức:

Yêu cầu về sản lượng nông sản hàng hóa nhiều, ổn định: Hướng sản phẩm đến thị trường xuất khẩu, cần ký kết được các hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp xuất khẩu với khối lượng lớn và ổn định, trong khi sản xuất trang trại của tỉnh Phú Thọ còn nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng thấp, liên kết còn lỏng lẻo, có lúc có khối lượng lớn nhưng có lúc lại không có hàng nên khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

Yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm: Yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng trong tỉnh và trong nước rất khác nhau giữa khu vực đô thị và nông thôn. Với quốc tế, khi các hàng rào thuế quan gỡ bỏ, cũng là lúc các hàng rào phi thuế quan đặt ra nghiêm ngặt hơn. Các tiêu chuẩn về chất lượng nông sản xuất khẩu, thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểu dáng mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu là những rào cản lớn.

Cạnh tranh gay gắt: Sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng cao là xu hướng chung của Thế giới và Việt Nam, như vậy, sản xuất nông sản của tỉnh Phú Thọ phải chịu sự tác động, canh tranh gay gắt của thị trường trong nước và quốc tế. Đối với trong nước, sản xuất nông sản từ trang trại được sản xuất từ nhiều tỉnh, nhiều vùng có lợi thế, nông sản có chất lượng cao, giá thành rẻ, giá bán cạnh tranh. Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn xuất hiện các loại bưởi, cam của các tỉnh phía Nam (Bưởi Năm roi, Da Xanh…) và phía Bắc (Cam Hà Giang, Hòa Bình…) với giá cạnh tranh với bưởi và cam của Phú Thọ. Một số loại nông sản khác cũng tương tự như vậy.

Người nông dân và chủ trang trại bị đẩy vào thế yếu trong chuỗi liên kết: Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân và chủ trang trại có đất nhưng ít vốn, trình độ khoa học kỹ thuật và kiến thức về thị trường hạn chế nên phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp. Khi kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp chia sẻ lợi ích sẽ thu hút nông dân, chủ trang trại tham gia chuỗi. Khi khó khăn, doanh nghiệp thu mua nông sản giá thấp, người nông dân không bán hoặc sẽ không đầu tư dẫn đến năng suất, chất lượng thấp.

3. Giải pháp phát triển trang trại trong thời gian tới:

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, tranh thủ các thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lưu ý một số điểm cụ thể:

  Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2015 phải phù hợp với thực tiễn sản xuất; tiếp tục chỉ đạo công tác hướng dẫn UBND các xã triển khai phổ biến Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 tới các chủ hộ có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn; rà soát, kê khai tiêu chí trang trại theo quy định; khuyến khích hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của Hội đồng nhân nhân tỉnh Phú Thọ về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào hỗ trợ các trang trại tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tạo vùng hàng hóa quy mô lớn.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ; đồng thời có cơ chế thông tin cập nhật tình hình kinh tế trang trại của các cấp để các chủ trang trại có thể vay vốn khi không có Giấy chứng nhận trang trại như trước đây.

Nâng cao vai trò của người nông dân, chủ trang trại trong chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản, trước hết phải đào tạo, tập huấn cho chủ trang trại và nông dân có kiến thức về kinh tế thị trường, hiểu biết về hội nhập quốc tế, có thái độ ứng xử phù hợp với văn hóa sản xuất kinh doanh và luật pháp quốc tế, có trình độ quản lý kinh tế, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, có trình độ khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất, có lương tâm và trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, có đủ năng lực để làm chủ trên chính mảnh đất của mình. Chính quyền địa phương có những định hướng, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thị trường, đối tác đầu tư kinh doanh, chính sách pháp luật Việt Nam và quốc tế có liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác quảng bá, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho trang trại. Đưa bổ sung các trang trại đạt tiêu chí sản xuất an toàn và sản phẩm OCOP khi đã được xếp hạng vào trang nongsan.phutho.gov.vn./.

CHI CỤC TRƯỞNG

Phan Văn Đạo

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn