Thứ Sáu, 26/4/2024
Kết quả diệt chuột tập trung vụ Xuân 2022 và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện
Gửi bài In bài

Vụ Xuân năm 2022, toàn tỉnh thực hiện gieo cấy 35.549 ha lúa, trong đó lúa lai là 12.969 ha, lúa chất lượng cao là 18.977 ha. Diện tích ngô đã trồng đạt 5.774 ha; rau 4.890 ha; lạc 2.450 ha; sắn 5.021 ha... Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho diện tích lúa, ngô, rau, màu, Chi cục Trồng trọt và BVTVđã ban hành Phương án Bảo vệ thực vật ngay từ đầu vụ, đồng thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ra văn bản vể Phát động diệt chuột tập trung trong thời gian lúa đẻ nhánh đến làm đòng để ngăn chặn sự di chuyển và gây hại trên đồng ruộng. Đồng thời đã xây dựng 2 mô hình diệt chuột tập trung với quy mô toàn xã (300 ha/mô hình) tại: Chi Đám - Đoan Hùng, Vĩnh Chân - Hạ Hòa để làm điểm tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, tham quan học tập và nhân rộng ra đại trà.

Hưởng ứng đợt phát động diệt chuột tập trung, tất cả 13 huyện, thành, thị đã ra văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai diệt chuột trên địa bàn huyện tới các các xã, thị trấn. Trong đó có 09/13 huyện, thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ mua thuốc diệt chuột với tổng số tiền 807.345.000 đồng (Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng, TP.Việt Trì, Thanh Ba, Tân Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Phù Ninh). Ngoài ra, có 95 xã và 17 hợp tác xã dịch vụ trên địa bàn tỉnh bố trí kinh phí tổ chức diệt chuột với tổng số tiền là 867.199.000 đồng.

Để công tác diệt chuột được diễn ra đồng loạt, có hiệu quả, Chi cục đã giao các Trạm Trồng trọt và BVTV phối hợp cùng với các phòng, trạm chuyên môn ở huyện tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép với các hội nghị tại các xã để thống nhất phương án và kỹ thuật triển khai. Kết quả đã tổ chức 475 lớp tập huấn cho 17.464 lượt người. Tuyên truyền được 2.674 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, khu dân cư. Xây dựng và phát 6 tin, phóng sự trên Đài PTTH tỉnh về tổ chức thực hiện và kết quả diệt chuột tại một số huyện.

Kết thúc đợt diệt chuột tập trung vụ xuân 2022, Theo thống kê, toàn tỉnh đã diệt được 658.510 con chuột bằng biện pháp thủ công. Đàn mèo tiếp tục được duy trì, nhân nuôi với số lượng hiện có là 119.724 con. Lượng thuốc trừ chuột sinh học được sử dụng là 1.075 kg; lượng thuốc hóa học sử dụng là 2.356,15 kg (trong đó hỗ trợ từ ngân sách 1.134,35 kg). Qua đợt diệt chuột tập trung cho thấy, hầu hết diện tích lúa, màu được bảo vệ an toàn, tỷ lệ hại và chỉ số hoạt động của chuột sau đợt diệt chuột tập trung là thấp, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn trung bình nhiều năm (Vụ chiêm xuân năm 2020 diện tích hại là 409,8 ha; vụ xuân năm 2021 là 33,7 ha). Vụ chiêm xuân năm 2022 diện tích bị chuột hại sau đợt diệt chuột tập trung là 20,6 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ; tỷ lệ dảnh hại phổ biến 0,1 - 0,9%, cao 1,6 - 5,0%.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong đợt diệt chuột tập trung vụ xuân 2022 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Trên địa bàn một số phường không có diện tích gieo cấy lúa nên không xây dựng kế hoạch và tổ chức diệt chuột nên chuột vẫn tồn tại, phát triển và di chuyển gây hại trên đồng ruộng ở các nơi gần đó; một số huyện, xã chưa bố trí được nguồn kinh phí, một số nơi có hỗ trợ nhưng số lượng thuốc và mồi bả chưa đủ để tiêu diệt số lượng chuột đang hoạt động. Nhiều nơi chưa chưa phát động, huy động được sự tham gia của cộng đồng nên mạnh ai nấy làm, cắm vè, làm hình nộm, quây nilon, … để ngăn ngừa và xua đuổi chuột mà không sử dụng bẫy bắt nên không có tác dụng.

Qua công tác chỉ đạo và phát động diệt chuột tập trung nhiều năm, chúng ta đều thấy chuột là loài cắn phá gây hại lớn cho sản xuất, chuột phát sinh, gây hại gắn với chu kỳ sản xuất, cơ cấu lịch thời vụ của tỉnh, gây ảnh hưởng nhất là đối với các vụ lúa, ngô và một số rau màu khác. Chuột đồng thời gây hại các công trình xây dựng, công trình dân sinh, nhà cửa, cầu cống... và là nguồn gây bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, để phòng trừ chuột hiệu quả cần phải kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó biện pháp sinh học là trọng tâm, cơ bản, lâu dài, diệt chuột tập trung cả trong khu dân cư, kho tàng, nhà máy, khu công nghiệp, trang trại và ngoài đồng ruộng. Hằng năm, cần tổ chức diệt chuột tập trung từ 2 – 3 đợt theo mùa vụ gieo cấy. Trong chiến dịch diệt chuột tập trung cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể. Cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác diệt chuột bảo vệ mùa màng, theo hình thức huy động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ diệt chuột, đóng góp theo diện tích (đầu sào - đối với các hộ sản xuất nông nghiệp) hoặc theo nhân khẩu (đối với hộ phi nông nghiệp), theo đầu đơn vị đối với các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Sau các đợt diệt chuột tập trung, các huyện, thành, thị ần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục chỉ đạo diệt chuột thường xuyên đến cuối mỗi vụ sản xuất để đạt hiệu quả cao, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho sản xuất/.

 

Chi cục trưởng

Phan Văn Đạo

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn