Thứ Hai, 28/10/2024

Tình hình sinh vật gây hại (SVGH) 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ (Từ ngày 24/4 đến 01/5/2024 và dự báo trong 7 ngày tới) (Số 11/2024). Hạ Hòa.

Tuần 19. Tháng 5/2024. Ngày 02/05/2024
Từ ngày: 24/04/2024. Đến ngày: 01/05/2024

CHI CỤC TT& BVTV PHÚ THỌ

TRẠM TT&BVTV HẠ HÒA



Số: 11/TB-TT&BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hạ Hòa, ngày 02 tháng 5 năm 2024

                                   

THÔNG BÁO

Tình hình sinh vật gây hại (SVGH) 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ

 (Từ ngày 24/4 đến 01/5/2024 và dự báo trong 7 ngày tới)



Hiện nay, các trà lúa xuân chủ yếu đang trong giai đoạn trỗ bông, phơi màu đến chín sáp. Qua kết quả điều tra SVGH Tuần 18 (29/4 đến 01/5/2024), Trạm Trồng trọt và BVTV thông báo kết quả tình hình SVGH, dự báo 7 ngày tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I. TÌNH HÌNH SVGH VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI

1. Rầy các loại:

 * Hiện tại: Rầy đang tiếp tục tích lũy mật độ gây hại trung bình đến nặng, cục bộ hại rất nặng gây cháy chòm, cháy ổ ruộng tại một số xã. Mật độ rầy trung bình 109-301 con/m2, cao 1600-3200 con/m2, cục bộ trên 4000 con/m2 (100 con/ khóm), phát dục chủ yếu tuổi 1, 2, 3. Mật độ trứng rầy trung bình 9- 17 ổ/m2, cao 80- 104 ổ/m2. Diện tích nhiễm 425,6 ha (cao hơn cùng kỳ năm trước 380,9 ha), trong đó nhiễm trung bình đến nặng 148,1 ha. Diện tích đã phòng trừ 155,2 ha, trong đó phòng trừ lại lần hai là 7,1 ha.

* Dự báo: Trong thời gian tới, thời tiết nóng ẩm, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rầy tiếp tục nở, tích lũy mật độ và gây hại mạnh trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng đến rất nặng gây cháy chòm, cháy ổ ruộng nếu không được phòng trừ kịp thời đặc biệt trên chân đất lầy thụt, trên ruộng cấy dày, tại những khu vực có ổ rầy từ các vụ, các năm trước, .... Các xã cần chú ý: Lang Sơn, Ấm Hạ, Hương Xạ, Gia Điền, Đại Phạm, Hà Lương, Yên Kỳ, Hiền Lương, Đan Thượng, Tứ Hiệp, Yên Luật, Vĩnh Chân, Xuân Áng....

2. Bệnh bạc lá vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại nhẹ, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ ruộng tại các xã Bằng Giã, Xuân Áng, Vĩnh Chân, Minh Hạc, Lang Sơn. Tỷ lệ lá hại trung bình 0,9- 1,3%, cao 18- 42%, cục bộ trên 50%. Diện tích nhiễm 102,6 ha (cao hơn so với cùng kỳ năm trước 102,6 ha), trong đó nhiễm nặng 7,1 ha. Diện tích phòng trừ 7,1 ha.

* Dự báo: Bệnh tiếp tục phát triển và lây lan nhanh đặc biệt sau trận mưa rào kèm giông bão đêm 30/4. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng đến rất nặng gây cháy chòm, cháy ổ trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, nhất là trên diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất nếu không được phòng trừ kịp thời. Các xã cần chú ý: Minh Hạc, Xuân Áng, Vĩnh Chân, Văn Lang, Bằng Giã, Tứ Hiệp, Lang Sơn, Đan Thượng, Hương Xạ, Ấm Hạ, Hiền Lương, ...

3. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh tiếp tục gây hại trung bình đến nặng ở hầu hết các xã, thị trấn. Tỷ lệ bệnh trung bình 4- 4,2%, cao 48- 50%; Cấp bệnh phổ biến là cấp 3,5. Diện tích nhiễm 443,2 ha (cao hơn so với cùng kỳ năm trước 168,7 ha), trong đó nhiễm trung bình đến nặng 212,8 ha. Diện tích phòng trừ 212,8 ha.

* Dự báo: Trong điền kiện có nắng mưa xen kẽ, bệnh tiếp tục phát triển, lây lan và gây hại mạnh; Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng đến rất nặng gây cháy chòm, cháy ổ đặc biệt trên những ruộng lúa rậm rạp, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, ruộng đổ sau mưa bão nếu không được bó dựng phòng trừ kịp thời. Tất cả các xã, thị trấn cần đặc biệt lưu ý.

4. Ngoài ra: Hiện tại, bọ xít, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn lá, bệnh đen lép hạt, sâu cuốn lá, châu chấu, ... gây hại nhẹ, rải rác; Chuột hại cục bộ. Trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ châu chấu tre lưng vàng, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu đục thân và các đối tượng sâu bệnh khác để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

II. ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO, PHÒNG TRỪ

1. Biện pháp chỉ đạo:

Để tiếp tục chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả các đối tượng sinh vật gây hại bảo an toàn cho sản xuất, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các xã, thị trấn:

 + Tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị số 02/CT-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Hạ Hòa, ngày 27/3/2024, về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt; Văn bản số 531/ UBND-NN, ngày 29/3/2024, về việc chỉ đạo khắc phục sản xuất sau thiên tai và tiếp tục chăm sóc cây trồng vụ xuân năm 2024; Văn bản số 706/ UBND-NN, ngày 25/4/2024, về việc tiếp tục chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại lúa vụ xuân năm 2024.  

+ Chỉ đạo, đôn đốc ban chỉ đạo sản xuất, cán bộ KNCS, cộng tác viên KN và nông dân cần bám sát đồng ruộng, kiểm tra, phân loại ruộng và khoanh vùng các khu, cánh đồng, trà lúa tranh thủ thời tiết tạnh ráo để phòng trừ hiệu quả, triệt để các đối tượng sâu bệnh đến và vượt ngưỡng đặc biệt lưu ý rầy các loại, bệnh bạc lá vi khuẩn, bệnh khô vằn; Bó, dựng các diện tích lúa bị đổ sau mưa bão hạn chế thấp nhất thiệt hại đến năng suất.

+ Tăng cường tác tuyên truyền, tăng thời lượng phát, tần suất phát thanh trên Hệ thống truyền thanh ở xã, khu dân cư để bà con nông dân nắm bắt được tình hình thời tiết, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

+ Kiên cố hóa kênh mương nội đồng, kịp thời lấy và cung cấp đủ nước dưỡng cho lúa đang thiếu nước để đảm bảo năng suất cuối vụ.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Rầy các loại: Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ rầy trên 1.000 con/m2 (trên 25 con/khóm) thì phun phòng trừ bằng một số loại thuốc trừ rầy trên lúa.

+ Đối với ruộng lúa chưa chín sáp có thể dùng một trong số các loại thuốc như: Auschet 80WP, Comda gold 5WG, Chersieu 50 WG, Midan 10 WP, Hichespro 500WP, Chess 50WG, …

+ Đối với ruộng lúa đang chín sáp (chắc xanh đến đỏ đuôi) thì chỉ dùng thuốc tiếp xúc, ví dụ: Auschet 80WP, Boxing 405EC, Babsax 300WP, ... khi phun cần rẽ băng từ 0,8 - 1m, phun kỹ vào gốc lúa.

- Bệnh bạc lá- đốm sọc vi khuẩn: Thăm đồng thường xuyên, nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học (Nhất là đạm), thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá; Phun phòng trừ ngay bằng các thuốc đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (ví dụ: CAPTIVAN 400WP, Antisuper 80WP, Kamsu 2SL, Kasumin 2SL,...). pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì, bệnh nặng cần phun kép 2 lần cách nhau 5- 7 ngày.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Saipora Super 350SC, Saizole 5EC, Chevin 5SC, Cavil 60WP, Nativo 750WG,Valicare 8SL, Lervil 100SC, Senly 2.1SL, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,...

- Bệnh đạo ôn cổ bông: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học (Nhất là đạm), thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá. Do thời tiết liên tục có mưa xen kẽ, cần tranh thủ thời tiết tạnh ráo trong ngày, phun phòng trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ như Lazole TSC 750WP, Tricom 75WP, Bankan 600WP, Goldbem 777WP, ... Nếu ruộng bị nặng cần phải phun kép (2 lần), lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên thân, lá, cổ bông, cổ gié.

- Ngoài ra: Cần tích cực diệt chuột thường xuyên bằng các biện pháp tổng hợp; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ châu chấu chấu tre lưng vàng, sâu đục thân, bọ xít và các đối tượng khác trên cây lúa để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Lưu ý: Trên những ruộng bị sâu bệnh hại nặng, ruộng phun xong gặp mưa cần kiểm tra lại sau 5 ngày, nếu mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao cần phun kép lại lần 2. Chỉ sử dụng các thuốc có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly. Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì đúng nơi quy định của địa phương.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hạ Hòa thông báo và đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo./.

Nơi nhận:

- TT huyện ủy, UBND huyện (b/c);

- Chi cục TT&BVTV Phú thọ (b/c);

- Ban chỉ đạo SX NN (các thành viên);

- VP huyện ủy, VP UBND huyện;

- Phòng NN & PTNT;

- Trung tâm Văn hoá, TTDL&TT;

- Trạm: KN, CN& TY;

- Hội ND, Hội PN, Hội CCB, Đoàn TN;

- 20 xã, Thị trấn;

- L­ưu: Trạm.

TRẠM TRƯỞNG

            

       

Đỗ Thị Thùy Dương