Trong tháng 8, các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ an toàn lúa mùa sớm, mùa trung và đang thu hoạch, gieo trồng cây vụ đông. Tuy nhiên, hiện nay các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, TP Việt Trì còn một số diện tích lúa mùa muộn đang giai đoạn đẻ nhánh - cuối đẻ và sắp trỗ. Để bảo đảm an toàn sâu bệnh cho lúa mùa muộn, Chi cục BVTV đề nghị UBND huyện, thành phố trên chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn và bà con nông dân tiếp tục tập trung phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh:
1. Sâu đục thân 2 chấm:
* Hiện tại: Bướm lứa 5 đã ra rộ, di chuyển và đẻ trứng trên lúa mùa muộn mật độ bướm trung bình 2 - 4 con/m2, cao 20 con/m2; mật độ ổ trứng trung bình 0,1 - 3 ổ/m2, cao 21 ổ /m2 (Việt Trì). Diện tích nhiễm 29,4 ha, trong đó nhiễm nhẹ 19,4 ha, nhiễm nặng 10 ha. Diện tích đã phòng trừ 10 ha.
* Dự báo: Bướm tiếp tục ra và đẻ trứng trên trà lúa mùa muộn, sâu non gây dảnh héo và bông bạc trên trà lúa muộn, mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ hại rất nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ 850 ha. Các huyện cần chú ý: TP Việt Trì, Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng.
* Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ trên những ruộng có mật độ bướm trên 0,3 con/m2 hoặc ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 sử dụng các loại thuốc Padan 95 SP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Regell 800WG, 50SC, Finico 800WG, Oncol 25WP, Aremec 36EC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Thời gian phun thuốc tốt nhất từ ngày 18 - 22/9 (Riêng địa bàn Thành phố Việt Trì đã phòng trừ lần 1 cần kiểm tra lại và chỉ đạo phun lần 2). Trên những diện tích lúa sắp trỗ cần phun trước trỗ 3 - 5 ngày.
2. Rầy các loại:
* Hiện tại: Rầy gây hại trên các trà mức độ hại nhẹ đến trung bình. Mật độ trung bình 200 - 600 con/m2, cao 1000 - 1600 con/m2. Phát dục chủ yếu tuổi 5, trưởng thành. Diện tích nhiễm 694,7 ha, trong đó nhiễm nhẹ 613 ha, nhiễm trung bình 81,7 ha. Diện tích đã phòng trừ 360 ha.
* Dự báo: Rầy cám lứa 7 nở rộ từ 20/9 trở đi gây hại trên lúa mùa trung giai đoạn chắc xanh - chín và lúa mùa muộn. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy chòm, ổ. Dự kiến diện tích cần phòng trừ 600 ha. Các huyện cần chú ý: Tân Sơn, Thanh Sơn.
* Biện pháp phòng trừ: Ruộng có mật độ rầy cám (tuổi 1, 2) trên 1.500 con/m2 (30 con/khóm), sử dụng các loại thuốc Actara 25WG, Sectox 10WP, Midan 10WP, Oncol 25WP, Penalty 40WP,... hỗn hợp với thuốc Bassa 50EC, Superista 25EC, Trebon 10EC,... phun kỹ vào gốc lúa.
3. Bọ xít dài:
* Hiện tại: Bọ xít dài gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên trà lúa mùa trung giai đoạn ngậm sữa. Mật độ trung bình 1 - 3 con/m2, cao 8 - 10 con/m2, cục bộ 15 con/m2 (Đoan Hùng). Diện tích nhiễm 1.807,1 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.047 ha, nhiễm trung bình 440,1 ha, nhiễm nặng 320 ha. Diện tích đã phòng trừ 1.451,9 ha.
* Dự báo: Bọ xít di chuyển tập trung gây hại trên lúa mùa muộn giai đoạn phơi màu đến chín sữa mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ hại rất nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ 850 ha.
* Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ bọ xít trên 6 con/m2, tiến hành phòng trừ bằng các thuốc Fastac, Bestox, Địch bách trùng, Trebon theo chỉ dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, chú ý phun vào sáng sớm hoặc chiều tối.
* Ngoài ra: Chú ý phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, đề phòng sâu cắn gié gây hại sau ngập lũ. Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp để hạn chế chuột gây hại cây vụ đông.