Thứ Năm, 26/12/2024
Tăng hiệu quả doanh thu từ quản lý cây trồng tổng hợp ở Phú Thọ
Gửi bài In bài
Các đại biểu dự Hội nghị tham quan mô hình trình diễn mô hình Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên giống lúa TBR 225 gắn với dịch vụ BVTV vụ Mùa 2023 tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Ảnh: baophutho.vn

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị vừa triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên giống lúa TBR 225 gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật vụ Mùa 2023 trên 5 ha tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) với tổng số 53 hộ tham gia.

Các đại biểu dự Hội nghị tham quan mô hình trình diễn mô hình Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên giống lúa TBR 225 gắn với dịch vụ BVTV vụ Mùa 2023 tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Ảnh: baophutho.vn

Giống lúa được sử dụng là giống TBR 225 kháng bạc lá, gieo cấy theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI). Giống lúa được chọn đối ứng là giống lúa Thiên ưu 8, gieo cấy theo tập quán.

Sau một thời gian áp dụng, đến nay mô hình đã đem lại hiệu quả bước đầu cho bà con tại huyện miền núi Tân Sơn.

Tại buổi đánh giá đánh giá kết quả thực tế tại cánh đồng xã Mỹ Thuận giữa Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật với Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed mới đây cho thấy, giống lúa TBR 225 thực hiện cấy theo phương pháp SRI, ứng dụng ICM nhanh bén rễ hồi xanh sau cấy, đẻ nhánh sớm, đạt số dảnh hữu hiệu cao, thời gian sinh trưởng ngắn, trỗ bông tập trung, tỉ lệ sâu bệnh hại thấp; cứng cấy, chống đổ tốt hơn so với sử dụng biện pháp cấy tập quán... Năng suất dự kiến của giống lúa TBR 225 đạt tương đương 61,2 tạ/ha; cao hơn ruộng tập quán 12 tạ/ha.

Bên cạnh đó, mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên giống lúa TBR 225 gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật đã áp dụng đồng bộ được nhiều nội dung và biện pháp kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích cho hộ nông dân và cộng đồng.

Mô hình áp dụng ICM giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí thuốc và công phun thuốc bảo vệ thực vật (chỉ phun 1 lần trong cả vụ). Doanh thu của ruộng cấy khảo nghiệm đạt xấp xỉ 60 triệu đồng/ha; cao hơn ruộng tập quán 8 triệu đồng/ha.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trên giống lúa TBR 225 gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật là mô hình tích hợp nhiều nội dung, kỹ thuật với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng của sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo kế hoạch của Tỉnh Phú Thọ về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025, mô hình này sẽ được triển khai với khoảng trên 80% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, sẽ đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh nhân rộng mô hình ICM gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường; đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ phát triển Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật để giảm thiểu mối nguy hại khi nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed tiếp tục giới thiệu một số giống lúa có năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày phù hợp với sản xuất vụ Mùa.

Toàn Đức: Báo ảnh – Dân tộc và miền núi

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn