Lãnh đạo Trung tâm BVTV phía Bắc kiểm tra sâu bệnh tại Phú Thọ
1. Sâu cuốn lá nhỏ:
Kết quả tổng điều tra, đánh giá sau đợt chỉ đạo phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ như sau: Tổng diện tích nhiễm là 16.842,1 ha, trong đó nhiễm nhẹ 6.311 ha, nhiễm trung bình 6.522,7 ha, nhiễm nặng 4.008,4 ha. Diện tích đã phòng trừ là 16.741,1ha, trong đó diện tích phòng trừ 1 lần là 14.336,6 ha, diện tích phòng trừ 2 lần là 2.404,5 ha; Như vậy, cơ bản đã đảm bảo an toàn cho đợt phòng trừ sâu cuốn lá này.
* Hiện tại: Sâu non gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng gây trắng lá trên những diện tích không phòng trừ hoặc không phun kép lần 2, phun xong gặp trời mưa. Mật độ trung bình 3 - 5 con/m2, cao 20 - 30 con/m2, cục bộ ổ nhỏ 40 - 70 con/m2 (Cẩm Khê, Thanh Thuỷ, Lâm Thao, Phù Ninh, Việt Trì, Thanh Sơn, Phú Thọ). Phát dục chủ yếu tuổi 3, 4, 5.
Các huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hoà bướm lứa 6 đã ra rải rác và bắt đầu đẻ trứng, mật độ bướm trung bình 0,3 - 0,5 con/m2, cao 4 - 5 con/m2, cục bộ 10 - 15 con/m2 (Đoan Hùng).
* Dự báo: Bướm lứa 6 ra rộ từ ngày 28/8 - 2/9 di chuyển và đẻ trứng trên trà lúa mùa trung và mùa muộn, sâu non nở rộ từ ngày 4/9 trở đi. Dự kiến diện tích cần phòng trừ đợt này khoảng 6.000 ha. Các huyện cần chú ý: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Yên Lập, Cẩm Khê, Phù Ninh,…
* Biện pháp phòng trừ:
- Chỉ phòng trừ trên những diện tích lúa chưa trỗ khi mật độ sâu non trên 20 con/m2 (2 khóm có 1 con trở lên). Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Regent 800WG; Rigell 800 WG; Finico 800 WG; Oncol 25 WP; Tasodant 600 EC; Silsau 5.0 EC,... hỗn hợp với thuốc Pertox 5 EC, Fastac 5EC,…pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì.
- Thời gian phun thuốc từ 05 - 10/9/2010. Riêng các huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hoà căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo phòng trừ sớm hơn.
2. Bệnh khô vằn:
* Hiện tại: Bệnh lây lan và gây hại trên các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tỷ lệ dảnh hại trung bình 5 - 10%, cao 20 - 30%, cục bộ ổ 50 - 60% (Hạ Hoà, Cẩm Khê).
* Dự báo: Bệnh phát triển lây lan nhanh trên tất cả các trà, mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, bón nhiều đạm, ruộng bị hạn,... Các huyện cần chú ý: Hạ Hoà, Thanh Ba, Phú Thọ, Yên Lập,….
* Biện pháp phòng trừ: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 5SC, Validacin 5SL, Anvil 5 SC, Tilt Super 300 ND, ... phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.
3. Bọ xít dài:
* Hiện tại: Bọ xít tập trung gây hại trên trà lúa đã trỗ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Mật độ trung bình 0,5 - 1 con/m2, cao 5 - 7 con/m2, cục bộ ổ 30 - 40 con/m2 (Yên Lập).
* Dự báo: Bọ xít tiếp tục gây hại trên những diện tích lúa trong giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa nếp, lúa thơm, ruộng trỗ muộn, ruộng ven đồi, rừng. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Hạ Hoà, Thanh Ba, Phú Thọ, Tân Sơn, Thanh Sơn.
* Biện pháp phòng trừ: Trên ruộng có mật độ bọ xít từ 6 con/m2 trở lên, dùng thuốc Fastac 5 EC, Địch Bách Trùng 90 SP, Bestox 5 EC, ... phun phòng trừ vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; Chú ý phun đủ lượng nước theo hướng dẫn.
4. Ngoài ra: Cần đề phòng thời tiết có mưa, bão, bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn sẽ phát triển gây hại; Các huyện cần lưu ý: Phù Ninh, Phú Thọ, Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Thủy,...
Tiếp tục chỉ đạo phòng trừ các ổ rầy, sâu đục thân 2 chấm, bằng các loại thuốc đặc hiệu.