I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 6/2010:
1. Thời tiết: Đầu và giữa tháng trời nắng nóng gay gắt kéo dài, không mưa. Từ ngày 20/6 đến cuối tháng trời nắng nóng xen kẽ có mưa rào và giông rải rác. Nhiệt độ trung bình 32 - 340C, cao 38 - 400C, thấp 26 - 28oC. Cây trồng sinh trưởng phát triển bình thường.
2. Cây trồng:
- Lúa xuân muộn: Chín - thu hoạch.
- Mạ mùa: 1,5 - 4 lá.
- Lúa mùa: Cấy - hồi xanh, đẻ nhánh.
- Rau: Phát triển thân lá - thu hoạch
- Chè kinh doanh: Phát triển búp.
- Cây lâm nghiệp: Phát triển thân, tán.
3. Tình hình sâu bệnh: Trong tháng 6 các đối tượng sâu bệnh gây hại giảm, cụ thể:
- Trên lúa xuân muộn: Bệnh khô vằn hại nhẹ đến trung bình. Bọ xít dài, rầy các loại, sâu đục thân gây hại nhẹ.
- Trên mạ, lúa mùa sớm: Bệnh sinh lý hại nhẹ đến trung bình trên lúa mùa sớm. Các đối tượng: Rầy các loại, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu keo, chuột, châu chấu gây hại nhẹ.
- Trên rau: Bọ nhảy hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Các đối tượng: Sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rệp gây hại nhẹ.
- Trên cây ngô: Bệnh khô vằn, sâu đục thân, đục bắp hại nhẹ trên một số diện tích ngô trồng muộn.
- Trên cây chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ gây hại nhẹ đến trung bình. Bệnh phồng lá chè hại nhẹ rải rác.
- Trên cây ăn quả: Bệnh chảy gôm, rệp muội hại nhẹ trên cây bưởi. Sâu đục quả, bọ xít nâu hại nhẹ trên cây nhãn, vải.
- Trên cây lâm nghiệp: Mối gốc, sâu ăn lá hại nhẹ trên cây keo, bạch đàn.
II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 7/2010:
1. Trên mạ mùa muộn:
- Chuột gây hại rải rác, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng trên các ruộng ven đồi gò.
- Ngoài ra: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu keo, cào cào, châu chấu, rầy các loại gây hại rải rác.
2. Trên lúa:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Dự kiến bướm cuốn lá nhỏ lứa 5 ra rộ từ ngày 08 - 15/7 di chuyển và đẻ trứng trên các trà lúa. Sâu non tuổi 1, tuổi 2 nở rộ từ 16/7 trở đi và gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - cuối đẻ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, có thể gây trắng lá trên những ruộng xanh tốt cấy sớm.
- Ốc bươu vàng: Tiếp tục gây hại trên lúa giai đoạn cấy đến hồi xanh và trên lúa gieo thẳng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng trũng nước.
- Bệnh sinh lý: Phát triển gây hại trên các ruộng dộc chua, lầy; ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục, ruộng làm đất chưa ngấu, ruộng cấy sâu tay, mức độ hại từ trung bình đến nặng. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao cần đề phòng bệnh gia tăng gây hại mạnh.
- Sâu đục thân 2 chấm: Sâu non lứa 3 tiếp tục gây dảnh héo trên mạ mùa muộn và trên lúa mùa sớm, mùa trung mới cấy; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Dự kiến bướm sâu đục thân lứa 4 ra rộ từ 15 - 25/7, sâu non gây hại trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
- Bệnh khô vằn: Phát sinh từ đầu tháng, phát triển lây lan và gây hại nhẹ đến trung bình trên lúa mùa sớm, mùa trung giai đoạn cuối đẻ từ giữa tháng 7 trở đi.
- Ngoài ra: Chuột, rầy các loại, cào cào, châu chấu gây hại rải rác.
3. Trên chè: Các đối tượng rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ tiếp tục gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng. Đề phòng bệnh chấm xám, bệnh thối búp phát triển gây hại do điều kiện thời tiết nóng ẩm.
4. Trên cây ăn quả: Bọ xít nâu, sâu ăn lá, bệnh thán thư hại nhẹ trên cây nhãn, vải. Bệnh đốm lá, bệnh thán thư, sâu ăn lá hại nhẹ trên cây hồng.
5. Trên cây lâm nghiệp: Bệnh khô cành, sâu ăn lá, mối gốc hại nhẹ trên cây keo, bạch đàn giai đoạn 1 - 3 tuổi.
III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ :
1. Trên mạ mùa muộn: Áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý hạt giống nhằm tiêu diệt nguồn bệnh ngay từ đầu vụ, gieo thưa, bón đầy đủ phân cho cây mạ sinh trưởng khoẻ. Khi nhổ mạ đưa ra ruộng cấy cần loại bỏ những dảnh héo, ngắt bỏ ổ trứng sâu đục thân, bắt giết sâu cuốn lá làm giảm nguồn sâu hại trên đồng ruộng.
2. Trên lúa:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Theo dõi chặt chẽ phát dục và mật độ sâu lứa 5, chú ý trên các ruộng xanh tốt của trà sớm, khi mật độ sâu non trên 50 con/m2 (giai đoạn đẻ nhánh), 20 con/m2 (giai đoạn đứng cái - làm đòng) dùng các loại thuốc hoá học như Regent 800 WG, Regell 800 WG 50 SC, Finico 800 WG, Aremec 36 EC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Sâu đục thân: Trên ruộng có mật độ bướm trên 0,3 con/m2 hoặc mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 sử dụng các loại thuốc Padan 95 SP, Patox 95 SP, Gà nòi 95 SP, Regell 800 WG, 50 SC, Finico 800 WG, Oncol 25WP, Aremec 36 EC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Ốc bươu vàng: Áp dụng các biện pháp thủ công bắt ốc, thu gom ổ trứng để tiêu diệt. Đối với những diện tích nhiễm ốc bươu vàng có mật độ trên 3 con/m2 sử dụng thuốc Clodansuper 700 WP pha 10g/1 bình 12 lít phun cho 1 sào để diệt trừ. Khi phun nên giữ mức nước ở 3 - 5 cm để tăng hiệu lực của thuốc.
- Bệnh sinh lý: Bón phân thúc đẻ kịp thời, kết hợp làm cỏ sục bùn sớm giúp giải phóng các độc tố trong đất, trong điều kiện nắng nóng có thể tháo thay nước luân phiên. Ruộng bị nặng phun thuốc Antracol 70 WP và phân bón lá theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.
- Bệnh khô vằn: Khi tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 50 SC, Tilvil 500SC, Validacin 5L, Vida 3 SC, Anvil 5SC, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.
- Ngoài ra: Tích cực diệt chuột bằng mọi biện pháp, hạn chế phun thuốc hoá học đầu vụ để bảo vệ thiên địch.
3. Trên chè: Phun trừ các ổ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục sử dụng cho chè.
4. Trên cây ăn quả: Thường xuyên theo dõi sâu bệnh trên cây ăn quả, phun trừ các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn trên bao bì.
5. Cây lâm nghiệp: Theo dõi sâu bệnh hại trên rừng keo mới trồng trồng từ 1 - 3 tuổi, chú ý bệnh héo ngọn, khô cành, khi phát hiện nên cắt bỏ những cành, cây bị bệnh, phun phòng trừ diện tích keo chớm bị nhiễm bệnh bằng các thuốc đặc hiệu.