Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông báo tình hình sâu bệnh tháng 6 Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 7/2013
Gửi bài In bài

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 6/2013:

1. Trên mạ: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, châu chấu gây hại nhẹ. Bướm sâu đục thân 2 chấm di chuyển và đẻ trứng trên mạ; sâu non gây dảnh héo rải rác.

2. Trên lúa mùa sớm:

- Ốc bươu vàng: Gây hại tại hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình; Diện tích nhiễm 693 ha, trong đó nhẹ 526,5 ha, trung bình 166,5 ha; Diện tích đã phòng trừ 234,7 ha.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại nhẹ đến trung bình trên lúa mùa sớm; Diện tích nhiễm 438,5 ha, trong đó nhẹ 414,2 ha, trung bình 24,3 ha; Diện tích đã phòng trừ 17,7 ha.

- Các đối tượng: Châu chấu, sâu đục thân, rầy các loại, bọ trĩ, bệnh sinh lý gây hại nhẹ.

3. Trên cây chè:

- Bọ cánh tơ: Hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; diện tích nhiễm 2.306 ha, trong đó nhẹ 1.698,8 ha, trung bình 500,7 ha, nặng 106,5 ha; Diện tích phòng trừ 370,7 ha.

- Rầy xanh: Hại nhẹ đến trung bình; diện tích nhiễm 2.018,5 ha, trong đó nhẹ 1.533,4 ha, trung bình 485,1 ha; Diện tích phòng trừ 1.042 ha.

- Bọ xít muỗi: Hại nhẹ đến trung bình; diện tích nhiễm 1.535,8 ha, trong đó nhẹ 1.300,8, trung bình 235 ha; Diện tích phòng trừ 517,4 ha.

- Nhện đỏ: Hại nhẹ đến trung bình; diện tích nhiễm 799,4 ha, trong đó nhẹ 613,2 ha, trung bình 186,2 ha; Diện tích phòng trừ 77 ha.

- Bệnh đốm nâu: Hại nhẹ đến trung bình; diện tích nhiễm 560,6 ha, trong đó nhẹ 481,3 ha, trung bình 79,3 ha; Diện tích phòng trừ 79,3 ha.

- Ngoài ra: Bệnh đốm xám, bệnh thối búp gây hại nhẹ.

4. Trên cây ăn quả: Bệnh chảy gôm, bệnh loét, bệnh sẹo, nhện đỏ hại nhẹ trên cây bưởi; Nhện lông nhung hại nhẹ rải rác trên cây nhãn, vải.

5. Trên cây lâm nghiệp: Sâu xanh gây hại trên cây bồ đề tại huyện Tân Sơn; mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; Diện tích nhiễm 327,5 ha, trong đó nhẹ 77,5 ha, trung bình 240 ha, nặng 10 ha; Diện tích phòng trừ 56,5 ha. Sâu nâu ăn lá hại nhẹ trên cây keo.

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 7/2013:

1. Trên mạ:

- Chuột gây hại rải rác, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng trên các ruộng ven đồi gò.

- Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, châu chấu, rầy các loại gây hại nhẹ; Bệnh khô vằn hại cục bộ trên những ruộng mạ tốt, gieo dầy.

2. Trên lúa:

- Ốc bươu vàng: Gây hại trên lúa giai đoạn mới cấy đến bén rễ hồi xanh và trên lúa gieo thẳng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng trũng nước.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Do nguồn sâu di chuyển từ bờ cỏ, lúa chét sang gây hại trên mạ mùa và một phần trên ruộng lúa mùa sớm, nên sâu cuốn lá phân ly thành 2 đợt:

* Đợt 1: Bướm ra rộ từ ngày 01 - 07/7, sâu non gây hại mạnh trên lúa mùa sớm từ ngày 13/7 trở đi.

* Đợt 2: Bướm ra rộ từ ngày 9 - 15/7, sâu non gây hại mạnh trên lúa mùa sớm, mùa trung từ ngày 21/7 trở đi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời.

- Sâu đục thân 2 chấm: Sâu non tiếp tục gây dảnh héo trên mạ và trên lúa mùa sớm, mùa trung mới cấy; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Dự kiến bướm lứa 4 ra rộ từ ngày 19/7 - 29/7, sâu non gây dảnh héo trên lúa mùa sớm, mùa trung từ ngày 30/7 trở đi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời.

- Bệnh sinh lý: Gây hại trên những ruộng dộc chua, lầy, ruộng cày bừa làm đất không kỹ; ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục,… Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện cho bệnh gia tăng phát triển; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

- Các đối tượng: Bệnh khô vằn, rầy các loại, châu chấu gây hại nhẹ; Chuột hại cục bộ.

3. Trên cây chè: Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; Nhện đỏ, bệnh đốm xám, bệnh đốm nâu gây hại nhẹ đến trung bình.

4. Cây ăn quả: Bệnh chảy gôm, ruồi đục quả, sâu đục thân cành, sâu ăn lá, rệp sáp, sâu nhớt, nhện, bệnh loét hại cục bộ trên bưởi Đoan Hùng; Bọ xít nâu, nhện lông nhung hại nhẹ trên cây nhãn, vải.

5. Cây lâm nghiệp: Sâu xanh tiếp tục gây hại trên cây bồ đề, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời. Các đối tượng: bệnh đốm lá, sâu ăn lá, mối gốc hại nhẹ trên cây keo, bạch đàn.

III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:

1. Trên mạ: Chăm sóc, bón phân đầy đủ tạo điều kiện cho cây mạ sinh trưởng khoẻ. Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp kỹ thuật.

2. Trên lúa:

- Ốc bươu vàng: Áp dụng  biện pháp  bắt ốc, thu gom ổ trứng để tiêu diệt. Đối với những diện tích nhiễm ốc bươu vàng có mật độ trên 3 con/m2 sử dụng thuốc Clodansuper 700WP hoặc Mossade 700WP, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. Khi phun nên giữ mức nước ở 3 - 5 cm để tăng hiệu lực của thuốc.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Khi ruộng có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên ( bình quân có 1 con/khóm), sử dụng một trong các loại thuốc Finico 800 WG; Rigell 800 WG; Rambo 800 WG; Oncol 25 WP; Dylan 10WP hỗn hợp với Silsau 4.5 EC, Catex 3.6 EC, Pertox 5 EC, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.

- Sâu đục thân 2 chấm: Khi ruộng có mật độ ổ trứng 0,3 ổ/m2 trở lên sử dụng một trong các loại thuốc Finico 800 WG; Rigell 800 WG; Rambo 800 WG; Oncol 25 WP hỗn hợp với Silsau 4.5 EC, Catex 3.6 EC, Pertox 5 EC, ... pha và phun khi sâu non mới nở theo hướng dẫn trên bao bì.

- Bệnh sinh lý: Bón phân thúc đẻ kịp thời, kết hợp làm cỏ, sục bùn sớm giúp giải phóng các độc tố trong đất. Sử dụng các chế phẩm phun bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như: XO Sogan Siêu ra rễ, XO Siêu lân. Nếu ruộng bị nặng sử dung thuốc Antracol 70WP hoặc Hydrophos,... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.

- Ngoài ra: Theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy các loại; Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp kỹ thuật.

3. Trên chè: Phun trừ các ổ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm nâu, đốm xám bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục sử dụng cho chè.

4. Trên cây ăn quả: Thường xuyên theo dõi sâu bệnh trên cây ăn quả, phun trừ các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn trên bao bì.

5. Cây lâm nghiệp: Phun trừ sâu xanh bồ đề bằng máy động cơ phun dạng bột, phun bao vây xung quanh ổ dịch bằng thuốc Neretox 95 WP với lượng 1,1 kg trộn đều với 6 - 7 kg bột nhẹ phun cho 1 ha; pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.  Ngoài ra theo dõi chặt chẽ bệnh đốm lá, sâu ăn lá gây hại trên cây keo, bạch đàn.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn