Chủ Nhật, 24/11/2024
Cảnh giác với rệp sáp bột hồng hại sắn
Gửi bài In bài

Ở nước ta, năm 2012 đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại sắn ở một số tỉnh phía Nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum... và gần đây tại tỉnh Sơn La đã phát hiện trên hom giống sắn do một số doanh nghiệp mua về từ tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm rệp sáp bột hồng trên sắn tại tỉnh ta là rất cao.

    Rệp sáp bột hồng là sinh vật ngoại lai có khả năng lây lan nhanh qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, dụng cụ và phương tiện vận chuyển nên khó phòng ngừa; mặt khác chúng lại có lớp bột sáp bảo vệ nên khó phòng trừ. Khi cây sắn bị nhiễm rệp, chúng tấn công điểm sinh trưởng của sắn gây hiện tượng chùn ngọn, làm cho cây sắn lùn và sinh trưởng chậm. Nếu mật độ rệp cao làm sắn rụng lá, giảm năng suất trung bình 20 – 30% và hàm lượng tinh bột trong củ giảm rõ rệt.

* Nhận dạng: Trứng rệp thuôn hình chữ nhật, màu hồng vàng, trong các túi trứng bao phủ kín bằng lông mịn và nằm ở điểm cuối phía sau của trưởng thành cái. Rệp non tuổi 1 râu đầu có 6 đốt, các tuổi tiếp theo có 9 đốt. Rệp trưởng thành, con cái có dạng hình trứng, màu hồng, được bao phủ một lớp sáp bột màu trắng; nhìn kỹ thấy mắt hơi lồi, chân rất phát triển và kích thước như nhau. Phân chia các phần cơ thể rất rõ ràng, các đốt của cơ thể mang các sợi tơ sáp trắng rất ngắn ở phần bên và đuôi ở dạng phồng lên, làm cho cơ thể rệp nhìn như có gai bên.

    Tỉnh ta có thời kỳ được coi là “ thủ đô” của cây sắn, trước những năm 2000 có năm diện tích sắn cả tỉnh lên đến vài chục ngàn ha, sau đó giảm dần ở mức trung bình 7- 8 ngàn ha/năm, sản lượng từ 100 – 120 ngàn tấn/năm. Từ  khi Nhà máy sản xuất nhiên liệu Ethanol Tam Nông  được khởi công xây dựng (tháng 6/2009), với công suất 100.000 m3 / năm, khi hoàn thành tiêu thụ tới 600.000 tấn sắn tươi/năm thì phong trào trồng sắn có xu hướng mở rộng diện tích từ 7.600 ha năm 2010 lên 8.100 ha năm 2011 và năm 2012 diện tích sắn lên tới 9.198 ha.

Tuy nhiên, do giá sắn tươi hai năm vừa qua ở mức thấp dưới 1000 đồng/kg nên diện tích trồng sắn lại giảm, tại thời điểm này toàn tỉnh có 7.058 ha sắn được trồng chủ yếu trên đất màu đồi ở cả 13 huyện, thành, thị. Các huyện trồng nhiều là Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập mỗi huyện trên 1000 ha. Ngoài các giống sắn truyền thống như sắn dù địa phương, sắn xanh Vĩnh Phú năng suất thấp 9 – 10 tấn/ha, những năm gần đây một số sắn cao sản như: KM94, PT11, Rayong 09-2... có nguồn gốc của Thái Lan được nhập nội trồng tại tỉnh ta; nhất là giống sắn KM94 được trồng rộng rãi chiếm 40% diện tích, với với ưu điểm thân xanh, hơi cong, ngọn tím, không phân nhánh, năng suất tới 33 tấn/ha, tỷ lệ chất khô 35,1-39%, hàm lượng tinh bột chiếm 28,7%. Những giống sắn cao sản có năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng sắn, song cần hết sức cảnh giác với rệp sáp bột hồng. Khi phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn, các địa phương cần thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp khoanh vùng và tiêu hủy tránh lây lan ra diện rộng rất khó kiểm soát.

Bài và ảnh: PHẠM VĂN HIỂN

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn