Thứ Hai, 7/10/2024

Thông báo, dự báo sâu bệnh vụ chiêm xuân năm 2013 (Số 04/2013). Thanh Ba.

Tuần 12. Tháng 3/2013. Ngày 20/03/2013
Từ ngày: 18/03/2013. Đến ngày: 24/03/2013

  CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

TRẠM BVTV THANH BA

      Số: 04 /TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Thanh Ba, ngày 20 tháng 3 năm 2013

 

THÔNG BÁO, DỰ BÁO SÂU BỆNH

VỤ CHIÊM XUÂN NĂM 2013

          Hiện nay, các trà lúa chiêm xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ- cuối đẻ nhánh. Trong điều kiện thời tiết nắng ấm thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển song đây cũng là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Căn cứ vào kết quả tổng điều tra sâu bệnh trên toàn huyện ngày 18- 20/ 3/ 2013 và quy luật phát sinh, phát triển của từng đối tượng, Trạm BVTV Thanh Ba dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa vụ chiêm xuân năm 2013 như sau:

I./. TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HIỆN TẠI VÀ DỰ BÁO:

1, Trên lúa:

- Bệnh đạo ôn:

          + Hiện tại: Bệnh đạo ôn lá  xuất hiện và gây hại đặc biệt trên các giống lúa lai, lúa thuần Trung Quốc. Tỷ lệ lá hại trung bình 1- 4%. Cấp bệnh hại chính là cấp 1.

          + Dự báo: Đề phòng thời tiết ấm, ẩm độ cao bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, hại nặng trên những ruộng bón phân thiếu cân đối, bón thừa đạm. Các xã có khả năng bị hại nặng: Mạn lạn, Thanh Xá, Thái Ninh, Năng Yên, Thanh Vân, Yển Khê, Đồng Xuân,…

- Rầy các loại:

          + Hiện tại: Đã xuất hiện rải rác trên các trà. Mật độ trung bình trên các trà là 7- 10 con/m2, mật độ cao 30 con/m2, phát dục chủ yếu tuổi 2. Cần quan tâm theo dõi chặt chẽ rầy các loại, vì đây là đối tượng môi giới truyền bệnh lùn sọc đen virus trên cây lúa và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

          + Dự báo: Trong thời gian tới, rầy các loại phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa làm đòng- trỗ- chắc xanh. Mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng có thể gây cháy ổ trên các chân ruộng vàn thấp và lúa chiêm đầm cấy các giống nhiễm: Nếp, giống lúa địa phương, lúa lai, lúa thuần Trung Quốc. Có 3 lứa rầy gây hại trong vụ, song cần chú ý các lứa sau:

          * Lứa 2: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại trên lúa chiêm, xuân sớm giai đoạn làm đòng đến trỗ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng . Lứa này chỉ phòng trừ trên những diện tích có mật độ rầy trên 1.500 con/ m2 (khoảng 30 con/ khóm).

          * Lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên lúa xuân sớm giai đoạn chắc xanh- đỏ đuôi, xuân muộn giai ngậm sữa- chắc xanh. Đây là lứa chính trong vụ có khả năng gây hại nặng, mức độ hại trung bình- nặng, cục bộ rất nặng có thể gây cháy trên các giống nhiễm. Các xã có khả năng bị hại nặng: Thanh Vân, Yển Khê, Đồng Xuân, Yên Nội, Thanh Xá, Thái Ninh, Mạn Lạn, Quảng Nạp, Đông Lĩnh, Khải Xuân, Hanh Cù ...

- Sâu đục thân: Vụ xuân có 2 lứa gây hại chính, song cần chú ý lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc cho trà xuân muộn, mức độ hại từ nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng. Đây là lứa gây hại chính trong vụ.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Do điều kiện thời tiết năm nay ấm hơn trung bình nhiều năm, khả năng sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại nặng ngay từ đầu tháng 4 cần quan tâm theo dõi chặt chẽ, phát hiện và phòng trừ kịp thời.

- Bệnh khô vằn:  Phát sinh phát triển và gây hại mạnh trong tháng 4 và tháng 5; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên trà xuân muộn các ruộng cao hạn không chủ động nước, các ruộng gieo cấy dày bón phân thiếu cân đối.

- Bọ xít dài: Gây hại trên trà xuân sớm, xuân muộn giai đoạn trỗ- ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng ven đồi gò, làng. Cần phát hiện sớm, diệt ổ bọ xít non mới nở khi chưa phân tán gây hại. Các xã thường bị hại nặng: Đông Thành, Đồng Xuân, Đông Lĩnh, Mạn Lạn, Đại An, …

          Ngoài ra: Trong điều kiện thời tiết ấm cần chú ý ruồi đục nõn, bọ trĩ, chuột và bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, nhện gié gây hại cục bộ.

* Về cao điểm: Dự kiến có 2 cao điểm sâu bệnh gây hại:

          - Cao điểm 1: Từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4. Tập trung ở một số đối tượng chính: Bệnh đạo ôn lá, rầy các loại, sâu cuốn lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng diện hẹp.

          - Cao điểm 2: Trong tháng 5 đối tượng gây hại chủ yếu là rầy các loại, bọ xít dài, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Mức độ hại trung bình, cục bộ ổ nặng. Đặc biệt chú ý là rầy các loại, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.

2, Trên các cây trồng khác:

2.1. Cây ngô xuân:

Bệnh gỉ sắt, đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, bệnh khô vằn gây hại nhẹ- trung bình.

Rệp cờ: Hại chủ yếu cuối tháng 4 đầu tháng 5 giai đoạn ngô trỗ cờ, tung phấn, phun râu, đề phòng thời tiết hạn, rệp bùng phát gây hại nặng.Chuột: gây hại cây con và giai đoạn bắp non, mức độ hại trung bình, cục bộ ổ nặng.

 Ngoài ra:  Bệnh sinh lý gây hại nhẹ; Sâu đục thân, đục bắp gây hại trong tháng 5,6.

2.2. Trên chè:

- Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ: gây hại rải rác, mức độ hại nhẹ- trung bình, cục bộ hại nặng. Cần chú ý cao điểm: Từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5.

           - Ngoài ra cần chú ý bệnh phồng lá, bệnh thán thư, thối búp, đốm lá phát sinh và gây hại.

II./. CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:

1, Công tác tổ chức chỉ đạo:

- Trạm BVTV thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện dự tính dự báo chính xác thời gian phát sinh, quy mô mức độ gây hại tham mưu cho UBND huyện các chủ trương biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả- phối hợp với các ngành và cơ sở làm tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Đề nghị UBND các xã, thị trấn trên cơ sở dự báo sâu bệnh đầu vụ của trạm BVTV huyện, chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở tập huấn hướng dẫn bà con nông dân tập trung chăm sóc sớm, chủ động điều tra phát hiện tham mưu đề ra các biện pháp cụ thể phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh buôn bán thuốc trong chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, chuột hại.

          - Để làm tốt công tác bảo vệ sản xuất đề nghị các ngành: Phòng nông nghiệp, trạm Khuyến nông, hội nông dân, hội phụ nữ, đài phát thanh huyện, phối hợp chặt chẽ với trạm BVTV tích cực chỉ đạo sản xuất góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân 2013 của huyện đề ra.

2, Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:

2.1. Trên lúa:

- Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng bị bệnh không được bón các loại phân bón hóa học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Trên những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 10%, sử dụng thuốc Bemsuper 75WP, Beam 75WP, Fuji- one 40 WP, New Hinosan 30EC, Fu- army 30 WP, One- Over 40 EC, … Phun theo chỉ dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Rầy các loại: Phun phòng trừ triệt để các diện tích có mật độ rầy cám (tuổi 1,2,3 ) trên 1.500 con/ m2 (khoảng 30 con/ khóm ) bằng các thuốc đặc hiệu sau: Actara 25 WG, Sectox 10 WP, Midan 10 WP, Superista 25 WP, Penalty 40WP, … pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Chú ý khi lúa giai đoạn chắc xanh trở đi phải dùng thuốc Bassa 50 EC, Trebon 10EC, … rẽ băng rộng 0,8- 1m, phun kỹ phần gốc lúa.

 - Sâu cuốn lá nhỏ: Theo dõi chặt chẽ phát dục và mật độ sâu CLN lứa đầu tháng 4, chú ý trên các ruộng xanh tốt của trà sớm, khi mật độ sâu non trên 20 con/ m2 (giai đoạn đứng cái- làm đòng ) dùng các loại thuốc hóa học như Regent 800WG, Regell 800WG, 50SC, Finico 800WG, Aremec 36 EC, … pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Sâu đục thân 2 chấm: Trên ruộng có mật độ 0,5 ổ trứng/ m2  hoặc 10% dảnh héo sử dụng các loại thuốc Regent 800WG, Regell 800WG, 50SC, Finico 800WG, Aremec 36 EC, … pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

          - Bệnh khô vằn: Khi tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 50SC, Tilvil 500SC, Validacin 5L, Vida 3SC, Anvil 5 SC pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

           - Ngoài ra: Phun phòng trừ các ổ bệnh bạc lá- đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Tích cực diệt chuột bằng mọi biện pháp.

2.2. Trên ngô:

          Chăm sóc theo dõi sâu bệnh thường xuyên, khắc phục bệnh sinh lý ở giai đoạn cây con, phun phòng trừ các ổ sâu ăn lá, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt, rệp cờ đến ngưỡng phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục.

2.3. Trên chè:

         Thường xuyên theo dõi, phun trừ các ổ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục sử dụng cho chè.

Nơi nhận:

- T.T.H.Uỷ;

- UBND Huyện; 

- Chi cục BVTV;

- Các ban ngành;

- 27 xã,  thị trấn;

- Lưu trạm.

TRƯỞNG TRẠM

 

 

 

 

 

Nguyễn Bá Tân

 

Thông báo sâu bệnh khác

Tiêu đề Huyện Từ ngày Đến ngày
Thông báo sâu bệnh kỳ 12 - 3/2013 Thanh Ba 18/03/2013 24/03/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 11 - 3/2013 Thanh Ba 05/03/2013 17/03/2013
Thông báo sâu bệnh tháng 2, dự báo sâu bệnh tháng 3 và BPPT - 3/2013 Thanh Ba 01/03/2013 31/03/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 10 - 3/2013 Thanh Ba 26/02/2013 10/03/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 9 - 2/2013 Thanh Ba 19/02/2013 03/03/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 7+8 - 2/2013 Thanh Ba 05/02/2013 24/02/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 6 - 2/2013 Thanh Ba 29/01/2013 10/02/2013
Thông báo sâu bệnh tháng 1, dự báo sâu bệnh tháng 2 và BPPT - 2/2013 Thanh Ba 01/02/2013 28/02/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 05 - 1/2013 Thanh Ba 22/01/2013 29/01/2013
Thông báo sâu bệnh kỳ 04 - 1/2013 Thanh Ba 15/01/2013 22/01/2013