Chủ Nhật, 24/11/2024
Biện pháp phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại ngô đông
Gửi bài In bài
Lãnh đạo Chi cục BVTV kiểm tra tình hình sản xuất cây vụ đông tại huyện Thanh Ba

1. Sâu đục thân, đục bắp ngô:

       Sâu non tuổi nhỏ gặm thủng lá nõn, hay ăn vào bao cờ, cuống cờ làm cờ gãy gục, hoa khô héo không tung phấn được. Sâu tuổi lớn đục vào thân cây và gây hại ở bên trong làm cây chậm phát triển. Khi cây có bắp non, sâu đục vào bắp ăn hại trong lõi và hạt non. Mật độ 2-3 sâu non/cây (4 - 5 lỗ đục) có thể làm cho cây héo vàng, đổ gẫy, bắp và hạt xấu, năng suất giảm. Sâu xuất hiện quanh năm nhưng phá hại mạnh vào tháng 4 - 5 trên ngô đông xuân muộn và tháng 10 - 11 trên ngô thu đông.

2. Rệp cờ:

       Rệp cờ là loài đa thực, sinh sản đơn tính, mình rệp rất nhỏ bám trên bẹ lá, nõn ngô, trên bông cờ, lá bao chích hút nhựa làm cho cây còi cọc, bắp nhỏ làm giảm năng suất và chất lượng ngô, nếu bị hại lúc còn non, ngô không ra bắp được. Ngoài ra, rệp còn là môi giới truyền một số bệnh vi rút nguy hiểm cho ngô như bệnh vàng lùn, bệnh khảm lá mía. Khi quần thể rệp nhiều cây đã cằn cỗi, thức ăn không còn phù hợp thì xuất hiện rệp có cánh. Rệp phát triển mạnh trong điều kiện khô hanh, các ruộng ngô trồng dày, ruộng thiếu ánh sáng, hại từ giai đoạn ngô xoáy nõn, trỗ cờ, phun râu. Rệp thường xuất hiện trên đồng ruộng khảng tháng 10 - 11, phát triển mạnh vào tháng 1 - 2 năm sau. Ngoài ngô rệp còn hại trên cây lúa, mía, kê và các cây cỏ làm thức ăn gia súc.

3. Bệnh khô vằn:

       Bệnh hại tất cả các bộ phận của cây, song hại chủ yếu trên bẹ và lá. Trên lá ban đầu thường xuất hiện những đốm nhỏ hình bầu dục màu lục tối, ướt, sau lan rộng rất nhanh, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành những vết ngoằn ngoèo, không có hình dạng nhất định. Khi trời ẩm ướt trên mặt vết bệnh phủ lớp sợi nấm màu trắng và những hạch nấm xốp khi non có màu trắng, khi già chuyển màu nâu. Lá bị bệnh nặng khô đi, nhiều lá bị bệnh nặng làm cho cây sinh trưởng phát triển kém làm giảm năng suất ngô. Vị trí vết bệnh trên cây càng gần vị trí đóng bắp thì ảnh hưởng đến năng suất càng lớn.

        Bệnh khô vằn do nấm gây ra, bệnh hại trong suốt quá trình phát triển của cây  và hại mạnh từ giai đoạn ngô trỗ cờ, phun râu đến khi gần thu hoạch. Thực tế đồng ruộng cho thấy những ruộng trồng dầy, nhiều cỏ dại, không thông thoáng, bón phân không cân đối giữa đạm, lân và kali mà bón qúa nhiều phân đạm. Những ruộng trồng liên tục nhiều vụ, nhiều năm, hoặc trồng trên những chân đất trồng lúa vụ trước đã bị bệnh khô vằn gây hại nhiều... thường là những ruộng dễ bị bệnh khô vằn gây hại hơn các ruộng khác.

4. Bệnh đốm lá:

       Gồm hai loại bệnh đốm lá lớn và đốm lá nhỏ, bệnh hại chủ yếu ở phiến lá.

+Bệnh đốm lá nhỏ: Vết bệnh nhỏ như mũi kim, hơi vàng, về sau lớn rộng ra thành hình tròn hoặc bầu dục nhỏ màu nâu hoặc ở giữa hơi xám, có viền nâu đỏ, nhiều khi vết bệnh có quầng vàng. Bệnh hại ở lá, bẹ lá và hạt.

+Bệnh đốm lá lớn: Vết bệnh có dạng sọc hình thoi không đều đặn, màu nâu hoặc xám bạc, không có quầng vàng, nhiều vết bệnh có thể liên kết nối tiếp với nhau làm cho lá dễ khô táp, rách tươm ở đoạn chót lá. Bệnh thường xuất hiện ở lá phía dưới rồi lan dần lên các lá phía trên.

       Bệnh do nấm gây ra, bệnh đốm lá nhỏ phát sinh sớm, ngay từ khi cây được 2 - 3 lá, bệnh đốm lá lớn phát sinh muộn hơn, thường hại khi cây đã 4 - 8 lá. Bệnh phát triển mạnh nơi đất xấu, bón ít phân, khô hạn.

5. Biện pháp phòng trừ: Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp

- Biện pháp canh tác:

+ Gieo trồng đúng khung thời vụ, thời vụ gieo trồng tập trung.

+ Mật độ gieo trồng theo đúng kỹ thuật, không trồng quá dày, tỉa cây sớm để ruộng thông thoáng, chăm sóc ngô kịp thời giai đoạn ngô non.

+ Bón phân đầy đủ và cân đối.

+ Trồng xen ngô với cây đậu tương để phát huy tác dụng của thiên địch, đặc biệt là nhóm thiên địch bắt mồi ăn thịt như bọ rùa, nhện, cánh cứng 3 khoang.

+ Thu nhặt và xử lý tàn dư cây ngô sau thu hoạch để hạn chế nguồn bệnh gây hại vụ sau.

- Biện pháp thủ công: Đối với sâu đục thân dùng biện pháp ngắt ổ trứng đưa ra khỏi ruộng.

- Biện pháp hoá học:

+ Sâu đục thân: Khi tỷ lệ cây, bắp hại từ 20% trở lên, dùng thuốc Padan 50SP, Regent 800WG,... để phòng trừ  vào lúc sâu non bắt đầu nở theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

+ Rệp cờ: Khi tỷ lệ cây nhiễm rệp trên 30%, dùng thuốc Bulldock 025EC, Dibadan 18SL, Fastac 5 EC, Trebon 10 EC ... phun phòng trừ, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

+ Bệnh khô vằn: Khi tỷ lệ cây hại từ 20% trở lên (giai đoạn loa kèn – trỗ cờ), dùng thuốc Validacin 5L, Vida 3SC, ... phun phòng trừ, chú ý cần loại bỏ các bẹ và lá bị bệnh đem đi xử lý trước khi phun thuốc, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

+ Bệnh đốm lá: Khi tỷ lệ lá hại từ 30% trở lên (giai đoạn loa kèn - trỗ cờ) dùng thuốc Tilt 250ND, Anvil 5SC, ....phun phòng trừ, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

Ngoài các đối tượng sâu bệnh chính nêu trên, đề nghị bà con nông dân chú ý phòng trừ chuột hại bằng các loại bẫy, bả sinh học và thủ công để giảm tỷ lệ thiệt hại đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.

                                                                                             Kỹ sư: Nguyễn Thị Lan Phương.

                                                                                  

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn