Thứ Bảy, 4/1/2025
Đánh giá kết quả diệt chuột tập trung vụ chiêm xuân 2016 - 2017
Gửi bài In bài
Cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn phối trộn mồi bả diệt chuột tại Phù Ninh

Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đã dự báo, vụ chiêm xuân 2016 - 2017 sẽ diễn ra trong điệu kiện thời tiết ấm; nền nhiệt độ trung bình toàn mùa cao hơn trung bình nhiều năm từ 2 – 30C. Đây là điểm khác biệt có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Cùng với việc nhiều diện tích lúa sẽ được nông dân gieo cấy trước khung lịch thì các đối tượng dịch hại cũng được nhận định sẽ phát sinh sớm, phát triển và gây hại mạnh trên đồng ruộng, đặc biệt là chuột hại. Trên cơ sở đó, ngày 04/10/2016, Cục Bảo vệ thực vật có Công văn số 2194/BVTV-TV về việc tăng cường phòng, chống, diệt chuột bảo vệ mùa màng. Theo đó, Cục BVTV đề nghị các tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị số 485/CT-BNN-BVTV ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng.

Căn cứ tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phát động diệt chuột tập trung trong vụ chiêm xuân vào 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 12/01/2017 đến ngày 05/02/2017; Đợt 2 từ ngày 25/02/2017 đến ngày 25/3/2017. Đợt diệt chuột tập trung đã được các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân trên toàn tỉnh hưởng ứng và triển khai quết liệt. Kết quả thực hiện đã có 274/277 xã, phường, thị trấn triển khai phát động chiến dịch diệt chuột tới các ban, ngành, đoàn thể, các khu, đội sản xuất, các hộ gia đình. Có 10/13 huyện, thành, thị trích ngân sách mua thuốc diệt chuột hỗ trợ cho chiến dịch với tổng số tiền 946.290.000 đồng; 145 xã và 5 HTX dịch vụ hỗ trợ kinh phí tổ chức diệt chuột, mua bả chuột sinh học, thuốc diệt chuột hóa học, thóc mồi với tổng số tiền là 481.042.600 đồng. Cùng với đó, công tác tập huấn, tuyên truyền được tăng cường và quan tâm, toàn tỉnh đã tổ chức được 940 lớp tập huấn cho 63.834 lượt người; truyên truyền 3.616 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, khu dân cư; xây dựng 1 chuyên mục, 8 tin, phóng sự tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật diệt chuột trên đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; các tin bài đăng Website Sở, Chi cục, tạp chí ngành. Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đã triển khai 3 mô hình diệt chuột tập trung với quy mô 20 ha/mô hình (Tử Đà – Phù Ninh; Thanh Xá – Thanh Ba; Điêu Lương – Cẩm Khê).

Theo thống kê, toàn tỉnh đã diệt được 976.114 con chuột bằng biện pháp thủ công; số lượng bẫy được sử dụng là 141.402 chiếc, trong đó số bẫy được hỗ trợ là 1.739 chiếc; đàn mèo tiếp tục được duy trì, nhân nuôi với số lượng hiện có là 135.366 con; lượng thuốc trừ chuột sinh học được sử dụng là 1.000 kg (trong đó hỗ trợ tư ngân sách 9,5 kg); lượng thuốc hóa học sử dụng là 19.700,2 kg (trong đó hỗ trợ từ ngân sách 17.765,4 kg); tổng số tiền chi hỗ trợ diệt chuột là 1.597.785.000 đồng (Trong đó cấp tỉnh 90 triệu đồng, cấp huyện 946,29 triệu đồng, cấp xã 481,042 triệu đồng, nông dân tự đóng góp 97,953 triệu đồng). Qua 02 đợt diệt chuột tập trung cho thấy hầu hết diện tích lúa, màu được bảo vệ an toàn, tỷ lệ hại và chỉ số hoạt động của chuột trên đồng ruộng là rất thấp (Diện tích nhiễm chuột hại sau chiến dịch là 365,5 ha chủ yếu nhiễm nhẹ; tỷ lệ dảnh hại phổ biến 0,2 - 2,3%, cao 3 - 5%), góp phần giảm thiểu tác hại của chuột gây ra trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số xã không xây dựng kế hoạch và tổ chức diệt chuột; chưa bố trí được nguồn kinh phí diệt chuột nên việc diệt chuột chưa được tiến hành tập trung, đồng loạt. Công tác diệt chuột ở một số huyện triển khai chậm. Một số cơ sở chưa huy động được cộng đồng tham gia đánh chuột nên kết quả diệt chuột chưa cao. Trong thời gian diệt chuột Đợt 2, do ảnh hưởng của 2 đợt không khí lạnh kèm theo mưa nhỏ làm chậm tiến độ, thời gian đặt bả kéo dài, không tập trung, lượng mồi bả còn ít nên ở một số nơi hiệu quả diệt chuột chưa cao. Ở một số địa phương trong tỉnh, nông dân tiến hành cắm vè, làm hình nộm, quây nilon…để ngăn ngừa và xua đuổi chuột mà không sử dụng bẫy bắt hoặc mồi bả diệt chuột; một số nơi tiến hành diệt chuột ngoài đồng nhưng không diệt chuột trong khu dân cư, kho tàng, cụm công nghiệp, trang trại nên sau đợt diệt chuột tập trung, chuột vẫn tiếp tục di chuyển gây hại rải rác.

Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng gia tăng số lượng rất nhanh, gây hại trong các hộ gia đình, kho tàng, ngoài đồng. Do đó, hàng năm cần phải có kế hoạch diệt chuột và tổ chức được từ 2 - 3 đợt diệt chuột tập trung để khống chế về số lượng, không để chúng bùng phát thành dịch; diệt chuột cần tiến hành thường xuyên, kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó biện pháp sinh học là trọng tâm, cơ bản, lâu dài, diệt chuột tập trung cả trong khu dân cư, kho tàng, nhà máy, khu công nghiệp, trang trại và ngoài đồng ruộng. Khi triển khai diệt chuột cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể; có chính sách hỗ trợ thuốc, mồi bả diệt chuột; đẩy mạnh xã hội hóa công tác diệt chuột theo hình thức huy động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ diệt chuột, đóng góp theo diện tích (đầu sào - đối với các hộ xản xuất nông nghiệp) hoặc theo nhân khẩu (đối với hộ phi nông nghiệp), theo đầu đơn vị đối với các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Có như vậy mới đảm bảo khống chế được chuột hại, bảo vệ mùa màng./.

Phan Văn Đạo - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn