Hiện nay, các địa phương đang tích cực hoàn thành việc thu hoạch lúa và cây màu vụ mùa, tập trung triển khai sản xuất vụ đông. Tính đến ngày 15/10 diện tích các loại cây trồng vụ đông toàn tỉnh đạt trên 15.200 ha, riêng cây ngô đạt trên 10.900 ha bằng 91,4% so với 2008. Do diện tích lúa đã thu hoạch, cây rau, màu vụ đông sẽ là đối tượng gây hại chủ yếu của chuột. Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, chúng tôi giới thiệu một số đặc tính sinh học và hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột hại như sau:
Về đặc tính sinh học: Chuột là loại động vật nhanh nhẹn, rất tinh khôn, có tính đa nghi. Các bộ phận khứu giác, xúc giác, vị giác rất phát triển, đặc biệt răng cửa chuột phát triển liên tục suốt đời, do vậy chuột phải thường xuyên cắn phá, gặm nhấm liên tục để mài mòn răng. Chuột thường hoạt động lúc xẩm tối hoặc sáng sớm, ngày ẩn náu trong hang, bụi rậm. Chúng có khả năng di chuyển đi xa, từ nơi này sang nơi khác, đặc biệt là khả năng sinh sản của chuột rất lớn. Trong điều kiện hiện nay, nền nông nghiệp phát triển, thức ăn dồi dào kết hợp với việc săn bắt thiên địch của chuột, do vậy quần thể của chuột tăng nhanh. Một năm, một con chuột cái có thể đẻ được từ 4 - 5 lứa, mỗi lứa đẻ từ 8 - 12 con. Như vậy, diệt chuột ngay từ đầu vụ sẽ làm giảm số chuột tham gia sinh sản trong cả vụ, sẽ hạn chế rất lớn số lượng chuột phát sinh gây hại trong sản xuất.
Các biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột: Áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật bao gồm:
- Biện pháp canh tác: Phát quang bờ, bụi rậm, gò đống,... làm mất nơi cư trú của chuột. Ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang,... thường xuyên bị chuột gây hại nặng, quây rào ni lon xung quanh, kết hợp đo rọ bắt chuột.
- Biện pháp thủ công:
+ Đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn, soi đèn, săn đuổi, ... chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, các công trình thuỷ lợi.
+ Dùng các loại bẫy cặp (bẫy bán nguyệt), bẫy lồng sập, bẫy dính, chọn mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng.
- Biện pháp sinh học:
+ Dùng bả diệt chuột sinh học BCS hoặc Biorat đặt nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, kho tàng. Kỹ thuật sử dụng: Dùng 100 - 200 gam/sào bắc bộ (3 - 5 kg/ha), khoảng 5 - 6 m đặt 1 mô bả, mỗi mô bả khoảng 5 - 10 gam. Nơi nhiều chuột số mô bả và lượng bả tăng lên.
+ Đẩy mạnh phong trào nuôi mèo trong các hộ gia đình, bảo vệ các thiên địch như trăn, rắn, chim cú....
- Biện pháp hoá học: Chỉ sử dụng bả thuốc hoá học ở những nơi xa khu dân cư, nơi chuột đang phá hại mạnh. Sử dụng các loại thuốc: Storm, Rat K 2%D, ... để diệt chuột.
Kỹ thuật sử dụng thuốc Rat K: Dùng thóc luộc nứt vỏ chấu để trộn mồi. Trộn 1 gói thuốc Rat K 10 gam với 4 - 5 lạng mồi, mồi khi trộn phải đủ ẩm và trộn thật đều với thuốc. Sử dụng trung bình 1 lạng mồi bả đặt thành 5 - 7 mô cho 1 sào bắc bộ. Cứ 1 kg thuốc Rat K cần luộc 30 kg thóc để được gần 50 kg mồi. Tùy theo mức độ hoạt động và gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng mồi bả, đặt bả trên lối chuột thường qua lại và nơi chuột mới phá hại.
* Lưu ý: Khi đánh thuốc cần thông báo rộng rãi trong khu dân cư, tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột chôn cẩn thận đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Tuyệt đối không dùng thuốc chuột Trung Quốc là thuốc ngoài danh mục không được phép sử dụng.
Kỹ sư: Nguyễn Thị Lan Phương.
Chi cục BVTV Phú Thọ.