Thứ Bảy, 4/1/2025
CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI LÚA CHIÊM XUÂN
Gửi bài In bài

CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI LÚA CHIÊM XUÂN

 

Vụ chiêm xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy được 36,6 ngàn ha lúa đạt 103,5% kế hoạch, các trà lúa sinh trưởng tốt, đang giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua thời tiết liên tục có các đợt rét bổ sung, trời âm u kéo dài, số giờ nắng trong ngày thấp, một số diện tích lúa sinh trưởng  kém và chưa được dặm tỉa, bón phân đủ lượng theo khuyến cáo, một số diện tích lúa bị khô hạn do không đủ nước tưới dưỡng.

Hiện nay thời tiết đang ấm dần, là điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục chăm sóc lúa chiêm xuân. Để cây lúa đẻ nhánh tập trung, tăng số dảnh hữu hiệu bà con cần kiểm tra đồng ruộng, đảm bảo duy trì mực nước trong ruộng từ 2 - 3 cm, những nơi chủ động nước nên áp dụng tháo, lấy nước xen kẽ giúp cây lúa đẻ nhánh khoẻ. Đối với lúa gieo thẳng cần tiến hành việc dặm tỉa nhằm đảm bảo mật độ. Những diện tích lúa sinh trưởng kém cần bón bổ sung 5 - 7 kg phân NPK12.5.10 hoặc 2 - 3 kg đạm Urê + 2 kg  Kali cho 1 sào. Nơi trũng, đất chua, cây lúa bị bệnh nghẹt rễ cần tháo cạn nước, bón 15 - 20 kg vôi bột, 10 - 15 kg Supe lân cho một sào kết hợp với làm cỏ sục bùn và phun phân bón lá. Khi cây lúa có rễ trắng, ra lá mới thì tiến hành chăm sóc bình thường.

Bên cạnh việc khẩn trương tiến hành chăm sóc lúa, bà con cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và chú ý phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh sau:

* Bệnh đạo ôn lá : Hiện tại nguồn bệnh đã xuất hiện rải rác trên đồng ruộng, trong điều kiện thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ không khí cao, bệnh lây lan phát triển và nguy cơ cao gây hại trên diện rộng, nhất là các giống nếp, Xi23, X21, KD18, Q5, BC15,... các ruộng lúa xanh tốt, bón nhiều đạm. Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, bà con dừng bón các loại phân bón hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ nước trong ruộng từ 2 - 3 cm. Khi tỷ lệ lá hại trên 10%, sử dụng thuốc Bemsuper 75WP; Beam 75 WP; Fuji - one 40 WP; New Hinosan 30 EC; Fu-army 30 WP; Kasai 21,2 WP, ... phun theo chỉ dẫn trên vỏ bao bì. Phòng trừ tốt bệnh đạo ôn lá sẽ hạn chế được bệnh đạo ôn cổ bông khi giai đoạn lúa trỗ.

* Bệnh khô vằn: Thường phát sinh, phát triển mạnh từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng và gây hại đến cuối vụ, bệnh thường hại nặng trên ruộng cấy dày, lá xanh tốt rậm rạp, bón phân không cân đối, bón đạm muộn. Thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho bệnh lây lan, phát triển nhanh. Khi ruộng có trên 20% dảnh bị bệnh, dùng một trong các loại thuốc Lervil 5 SC ; V - TVil 500 SC ; Jinggang meisu 3 SL, 5 WP ; Tilvil 50 SC ; Vilusa 5.5 SC, ... để phòng trừ theo hướng dẫn trên bao bì.

* Rầy các loại: Gây hại rải rác trong vụ và tích luỹ mật độ gây hại mạnh từ giữa đến cuối tháng 5 trên lúa xuân sớm giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi, lúa xuân muộn giai đoạn trỗ - chắc xanh, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy chòm trên các giống nhiễm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Khi ruộng có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 sử dụng các loại thuốc như Victory 585EC ; Penalty 40 WP ; Midan 10 WP ; Sectox 10WP ; Conphai 700 WG ; Amira 25 WG ; Actara 25 WP,... để phòng trừ theo hướng dẫn trên bao bì.

Ngoài ra, bà con cần chú ý phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân khi lúa giai đoạn làm đòng - trỗ bông bằng các loại thuốc đặc hiệu. Theo dõi, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, đặc biệt sau các trận mưa bão bệnh thường phát sinh và gây hại nặng. Thường xuyên diệt chuột bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để hạn chế nguồn chuột gây hại khi lúa giai đoạn làm đòng đến thu hoạch.

 

                                                           KS: Nguyễn Thị Lan Phương

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn