Chủ Nhật, 24/11/2024
PHÒNG TRỪ BỆNH BẠC LÁ HẠI LÚA
Gửi bài In bài
Kiểm tra sâu bệnh vụ Chiêm xuân tại huyện Cẩm Khê

Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, nhiều đối tượng sâu bệnh đã xuất hiện và gây hại, trong đó  bệnh bạc lá phát sinh gây hại tại nhiều nơi như Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Thủy. Diện tích nhiễm lên tới 664 ha; tỷ lệ bệnh trung bình 7 - 9%, cục bộ ổ nhỏ tỷ lệ nhiễm 21 - 27%, cá biệt tại huyện Thanh Thủy có ruộng nhiễm tới 42 - 51%.

Trong điều kiện từ nay đến cuối vụ, thời tiết nắng nóng thường có mưa dông, bão, kết hợp với giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với bệnh là điều kiện thuận lợi để bệnh bạc lá phát sinh phát triển và dễ gây hại trên diện rộng. Bệnh bạc lá lúa là do vi khuẩn Xanthomonas Oryzae gây hại, chúng theo gió, nước xâm nhiễm vào lá lúa theo thuỷ khổng, khí khổng và qua vết thương cơ giới trên lá lúa. Vì vậy, bệnh thường lây lan gây hại mạnh sau các trận mưa bão. Nguồn bệnh của vi khuẩn bạc lá thường là tồn tại trong đất, nước, hạt giống lúa và cỏ dại thuộc họ hoà thảo.  Vết bệnh ban đầu có màu xanh đậm, lúc đầu xuất hiện ở đầu lá hoặc 2 bên mép lá sau đó lan dần vào phiến lá. Khi nắng lên vết bệnh héo đi, phiến lá bị khô trắng từng vệt từ đầu lá kéo dài dọc theo mép lá, rìa vết bệnh có hình lượn sóng. Khi bệnh nặng phiến lá bị khô trắng tới 60 - 70% diện tích hoặc toàn bộ. Vào buổi sáng sớm hoặc trong điều kiện thời tiết ẩm ở trên vết bệnh thường xuất hiện các giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục, khi khô đi có màu vàng hoặc nâu hình cầu li ti. Nếu bệnh bùng phát thành dịch, nhất là trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông thì cây lúa bị nghẹn đòng, bông bạc, hạt lép nhiều và làm giảm năng suất tới 55 - 70%. Với điều kiện nhiệt độ 25 - 300C và ẩm độ cao bệnh thường phát triển mạnh và có nguy cơ lây lan thành dịch. Ở những chân ruộng hẩu, ruộng trũng, bón nhiều đạm, mất cân đối hoặc bón đạm muộn, bón lai rai,... cũng làm cho bệnh bạc lá gây hại nặng.

Biện pháp phòng trừ là thường xuyên thăm đồng, phát hiện bệnh sớm; chăm sóc hợp lý để cây lúa sinh trưởng khỏe, bón phân cân đối, điều tiết nước phù hợp. Không bón quá nhiều đạm, bón đạm muộn và kéo dài; chú ý kết hợp giữa bón đạm với phân chuồng, lân, kali. Khi phát hiện thấy triệu chứng bệnh cần giữ mực nước vừa phải từ 3 - 5 cm, dừng bón các loại phân hóa học, phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Sử dụng các loại thuốc hoá học để phun phòng trừ như: PN - Balacide 32 WP; Starner 20 WP; Kasumin 2 SL; TP – Zep 18 EC; Xanthomix 20 WP; Sasa 25 WP;  Sansai 20 WP... pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn