1. Tình hình châu chấu tre lưng vàng và dự báo:
* Diễn biến tình hình châu chấu tre lưng vàng:
Hiện nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện và bắt đầu gây hại trên cây trồng ở một số xã của huyện Đoan Hùng và huyện Tam Nông, diễn biến cụ thể:
Ngày 16/4/2014, phát hiện châu chấu bắt đầu nở tại 4 xã của huyện Đoan Hùng (Muộn hơn năm 2013 là 15 ngày), với diện tích nhiễm 3,5 ha , mật độ những ngày đầu trung bình 2 – 3 con/m2, cục bộ ổ (Tại Sóc Đăng, Đoan Hùng) 200 – 300 con/m2.
Đến ngày 21/4/2014 đã có 14 xã thuộc huyện Đoan Hùng xuất hiện châu chấu, mật độ trung bình 50 - 60 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, cục bộ ổ (Tại Tiêu sơn) 8000 - 10.000 con/m2, diện tích nhiễm 36,1 ha. Tại huyện Tam Nông, qua điều tra đã phát hiện châu chấu xuất hiện ở 5 xã, mật độ trung bình 20 - 50 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, cục bộ 500 - 1.000 con/m2; diện tích nhiễm 0,3 ha.
* Dự báo: Châu chấu tre lưng vàng sẽ còn tiếp tục nở trong thời gian tới và phát tán gây hại trên tre, luồng và di chuyển gây hại trên lúa, ngô. Đây là loại châu chấu có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát; cần đặc biệt lưu ý các xã, các khu vực đã xuất hiện châu chấu từ những năm trước tại các xã của huyện Đoan Hùng và huyện Tam Nông.
2. Kết quả chỉ đạo:
Ngay khi phát hiện châu chấu nở, Chi cục BVTV đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng khẩn trương chỉ đạo phòng trừ:
- UBND huyện ra văn bản (số 313/UBND-NNPTNT ngày 17/4/2014) chỉ đạo tới tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn thông báo tình hình châu chấu cùng các biện pháp chỉ đạo phòng trừ. Thông tin tuyên truyền trên Đài PTTH huyện tuyên truyền để chủ rừng và nông dân chủ động kiểm tra, phát hiện các ổ châu chấu nở và báo cáo cho cơ quan chuyên môn biết để chỉ đạo phòng trừ.
- Huy động cán bộ, thành viên Ban chỉ đạo sản xuất của huyện xuống các xã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn tổ chức phòng trừ châu chấu.
- Các xã có châu chấu đã tổ chức các đội phun thuốc tập trung, khoanh vùng phun cuốn chiếu các ổ châu chấu trên đồi, dưới ruộng. Tính đến hết ngày 21/4/2014, đã phun phòng trừ được 13,95 ha/36,10 ha bị nhiễm; hiệu quả phòng trừ đạt trên 95%.
3. Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:
- Biện pháp thủ công: Đối với những ổ châu chấu tre lưng vàng còn co cụm ở trên mặt đất, ruộng lúa, bờ cỏ, chưa di chuyển, dùng vợt bắt châu chấu đem tiêu hủy.
- Phun thuốc hóa học: Đối với những ổ châu chấu co cụm trên cây rừng, khó áp dụng biên pháp thủ công hoặc châu cấu đã di chuyển, tổ chức các đội dịch vụ phun tập trung, dùng máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực; phun khi châu chấu non mới nở còn đang co cụm thành ổ. Sử dụng thuốc Victory 585EC ... pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.
4. Đề nghị:
- Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo phòng ban chuyên môn, UBND các xã huy động cán bộ khuyến nông cơ sở và các chủ rừng điều tra ngay các đồi rừng trồng tre, luồng, phát hiện các ổ châu chấu gây hại, thống kê và báo ngay cho Trạm BVTV huyện tổng hợp và triển khai ngay các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn. Hỗ trợ kinh phí phòng trừ kịp thời, tránh lây lan phát tán trên diện rộng khó kiểm soát.
- Chi cục giao các trạm BVTV phối hợp các phòng ban chức năng của huyện, các xã tăng cường điều tra giám sát, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ có hiệu quả, báo cáo tiến độ hàng ngày trước 16 giờ hàng ngày về Chi cục
Vậy Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ thông báo và đề nghị UBND các huyện Đoan Hùng, Tam Nông quan tâm chỉ đạo./.