Vụ Chiêm xuân năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thường, rét đậm rét hại kéo dài, nhiều ngày trời âm u, ẩm độ không khí cao đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại. Nhằm đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ và dự báo tình hình sâu bệnh trong vụ Chiêm xuân để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ đảm bảo an toàn cho sản xuất. Vừa qua, từ ngày 24 - 26/3/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ tổ chức Tổng điều tra sâu bệnh hại lúa trên toàn tỉnh và nhận định như sau:
1. Bệnh đạo ôn lá: Nguồn bệnh đã xuất hiện trên các trà lúa tại các huyện Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Ba, Việt Trì, Phú Thọ, Đoan Hùng, Phù Ninh; Tỷ lệ lá hại phổ biến 0,4 - 0,6%, cao 4,4 - 6,8%, cục bộ ổ nhỏ 14% (Cẩm Khê). Diện tích nhiễm 109,2 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, thời gian phát sinh bệnh đạo ôn muộn hơn, quy mô gây hại thấp hơn (Cùng kỳ năm 2013 diện tích nhiễm 285,6 ha), do ảnh hưởng thời tiết rét đậm rét hại kéo dài. Trong điều kiện thời tiết ấm, cường độ chiếu sáng thấp, ẩm độ không khí cao, bệnh tiếp tục lây lan và gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, ổ nếu không phòng trừ kịp thời. Cần lưu ý trên các giống nhiễm như nếp, BC15, Xi23, X21, KD18,... Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, đạo ôn cổ bông có thể gây hại trong tháng 5 giai đoạn lúa trỗ bông trên các khu đồng đã xuất hiện đạo ôn lá.
2. Bệnh khô vằn: Bệnh đã xuất hiện và gây hại nhẹ tại các huyện Hạ Hoà, Thanh Ba, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê, Phú Thọ, Phù Ninh; Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 2 - 4%, cao 9 - 16,6%. Diện tích nhiễm 150 ha, chủ yếu là nhiễm nhẹ. So với 2013, thời gian phát sinh tương đương, quy mô gây hại cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 diện tích nhiễm 61,2 ha). Bệnh tiếp tục lây lan và gây hại mạnh từ cuối tháng 4 trở đi, trên các trà lúa giai đoạn đứng cái, làm đòng - chắc xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng cấy dày, lá rậm rạp, bón nhiều phân đạm, ruộng thường xuyên bị hạn, ...
3. Chuột: Gây hại trên các trà lúa tại hầu hết các huyện; Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 1,0 - 4,0%, cao 5 - 10%, cục bộ ổ nhỏ 15 - 18% (Tam Nông). Diện tích nhiễm 1.205,4 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.047,3 ha, nhiễm trung bình 158,1 ha. So với cùng kỳ, quy mô gây hại thấp hơn (Cùng kỳ năm 2013 diện tích nhiễm là 1.475,7 ha). Chuột tiếp tục tích lũy và gia tăng gây hại trên các trà lúa ở tất cả các huyện; Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa thơm, ruộng ven làng, ven đồi gò, kênh mương, đường lớn.
4. Sâu đục thân: Sâu đục thân cú mèo và sâu đục thân 5 vạch gây hại trên diện hẹp tại các huyện Thanh Thuỷ, Lâm Thao, Tam Nông, Việt Trì, Cẩm Khê; Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 1,4 - 3,1%, cao 5,5 – 7,6 %, cá biệt ổ nhỏ 11,5% (Việt Trì), phát dục chủ yếu tuổi 2, 3, 4. So với cùng kỳ, thời gian phát sinh tương đương, quy mô gây hại thấp hơn (Cùng kỳ năm 2013, diện tích nhiễm 171,5 ha). Sâu đục thân cú mèo và sâu đục thân 5 vạch tiếp tục gây hại trong thời gian tới. Sâu đục thân 2 chấm lứa 1 gây hại rải rác trên các trà lúa từ đầu đến trung tuần tháng 4. Sâu lứa 2 gây bông bạc trong tháng 5, đây là lứa hại chính trong vụ các địa phương cần quan tâm phòng trừ.
5. Ruồi đục nõn: Gây hại chủ yếu trên trà trung, trà muộn tại hầu hết các huyện ; Tỷ lệ hại phổ biến 2 - 6%, cao 10 - 16%. Diện tích nhiễm 529,2 ha, trong đó nhẹ 468,8 ha, nhiễm trung bình 60,4 ha. So với năm 2013, thời gian phát sinh tương đương, quy mô gây hại cao hơn cùng kỳ (Cùng kỳ năm 2013 diện tích nhiễm 138,9 ha). Ruồi sẽ giảm gây hại trong thời gian tới, lúa giai đoạn đẻ nhánh có khả năng đền bù cao, không cần phòng trừ đối tượng này.
6. Bọ trĩ: Gây hại chủ yếu trên trà trung, trà muộn; tỷ lệ dảnh hại phổ biến 1,5 - 6,0%, cao 10 - 17,5%. Diện tích nhiễm 287 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ. So với năm 2013, quy mô gây hại cao hơn cùng kỳ (Cùng kỳ năm 2013 không có diện tích nhiễm). Bọ trĩ sẽ giảm gây hại trong thời gian tới, lúa giai đoạn đẻ nhánh có khả năng đền bù cao, không cần phòng trừ đối tượng này.
7. Các đối tượng khác: Bọ xít đen gây hại nhẹ. Bệnh sinh lý gây hại cục bộ. Rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện rải rác chưa đến ngưỡng phòng trừ; nguồn sâu đầu vụ tương đương và thấp hơn năm 2013 và đang được tiếp tục theo dõi chặt chẽ.
Phạm Hiển
Chi cục BVTV