I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 4/2014:
1. Trên lúa:
- Chuột: Gây hại trên diện rộng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 3.552,9 ha (Nhẹ 3.066,4 ha; trung bình 310,5 ha; nặng 176 ha), diện tích phòng trừ 171,2 ha.
- Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại tại hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 3.917,5 ha (Nhẹ 2.786 ha; trung bình 1.064,1ha; nặng 67,4 ha), diện tích phòng trừ 1.283,8 ha.
- Bệnh đạo ôn: Phát sinh gây hại tại hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng. Diện tích nhiễm 593,3 ha (Nhẹ 592,5ha; trung bình 0,3 ha; nặng 0,5 ha), diện tích phòng trừ 242,9 ha.
- Sâu đục thân: Gây hại nhẹ tại hầu hết các huyện, diện tích nhiễm 523,5 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ.
- Ruồi đục nõn: Gây hại nhẹ trên một số diện tích lúa cấy muộn của trà muộn, diện tích nhiễm 245,2 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ; diện tích phòng trừ 100 ha.
- Ngoài ra: Rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, châu chấu, bệnh thối thân hại cục bộ; Bọ xít dài, bọ xít đen xuất hiện rải rác. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện và gây hại rải rác tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hoà, Phù Ninh, Phú Thọ, Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thuỷ, Việt Trì.
2. Trên ngô xuân: Bệnh khô vằn, bệnh đốm lá nhỏ, rệp cờ, sâu đục thân đục bắp, sâu ăn lá gây hại nhẹ.
3. Trên chè:
- Rầy xanh: Hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hoà. Diện tích nhiễm 2.180 ha (Nhẹ 1.633,9 ha; trung bình 546,1ha); Diện tích phòng trừ 416,7 ha.
- Bọ cánh tơ: Hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hoà, Thanh Sơn. Diện tích nhiễm 1.288,6 ha (Nhẹ 849,6 ha; trung bình 439 ha); Diện tích phòng trừ 237,3 ha.
- Bọ xít muỗi: Hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Cẩm Khê, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hoà, Thanh Sơn. Diện tích nhiễm 792,9 ha (Nhẹ 735,7ha; trung bình 57,2 ha); Diện tích phòng trừ 63,5 ha.
- Nhện đỏ: Hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Sơn Thanh, Hạ Hoà. Diện tích nhiễm 1.243,1 ha (Nhẹ 1.034,7 ha; trung bình 208,4 ha); Diện tích phòng trừ 705,8 ha.
- Bệnh phồng lá chè: Hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hoà. Diện tích nhiễm 860 ha (Nhẹ 857,1 ha; trung bình 2,9 ha); Diện tích phòng trừ 41,2 ha.
- Bệnh thối búp: Gây hại nhẹ tại Thanh Sơn; Diện tích nhiễm 231,2 ha nhiễm nhẹ.
5. Trên cây ăn quả: Bệnh loét, bệnh chảy gôm, nhện đỏ, sâu vẽ bùa gây hại nhẹ trên cây bưởi; Bọ xít nâu, nhện lông nhung hại nhẹ trên cây nhãn, vải.
6. Trên cây lâm nghiệp: Bệnh khô lá, bệnh đốm lá, bệnh thối ngọn khô cành, bệnh phấn trắng, sâu cuốn lá, sâu ăn lá, bệnh lở cổ rễ phát sinh gây hại nhẹ trên cây keo, bạch đàn. Châu chấu tre lưng vàng bắt đầu nở từ ngày 16/4 tại huyện Đoan Hùng, ngày 21/4 tại huyện Tam Nông. Đến ngày 29/4/2014 châu chấu phát sinh tại 16 xã của huyện Đoan Hùng, tổng diện tích nhiễm 88,97 ha (trên đồi rừng, bờ cỏ là 65,72 ha; trên lúa là 21,75 ha; trên ngô là 1,5 ha), diện tích đã phòng trừ 88,27 ha; phát sinh tại 08 xã của huyện Tam Nông, tổng diện tích nhiễm 1,6 ha (chủ yếu trên lúa), đã phòng trừ 1,6 ha.
II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 5/2014:
1. Trên lúa:
- Bệnh khô vằn: Bệnh tiếp tục lây lan và gây hại trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng rậm rạp, xanh tốt, bón nhiều đạm, ruộng khô hạn.... Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Việt Trì, Thanh Sơn, Hạ Hoà, Phù Ninh, Cẩm Khê, Yên Lập,...
- Bệnh đạo ôn: Điều kiện thời tiết mát, trời âm u, có mưa nhỏ, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại. Đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện và gây hại trà lúa trỗ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 trên ruộng đã nhiễm đạo ôn lá, nhất là các giống Nếp, Xi23, X21, KD18, HT, NƯ838,... Các huyện cần chú ý: Cẩm Khê, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Ba, Hạ Hoà, Lâm Thao,...
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Trong điều kiện thời tiết có mưa bão, bệnh phát sinh, lây lan nhanh và gây hại mạnh trên các trà, mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy bộ lá đòng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Các huyện đã có nguồn bệnh cần chú ý trên các giống lúa lai, trên ruộng xanh tốt, lá rậm rạp.
- Sâu đục thân: Bướm sâu đục thân 2 chấm tiếp tục ra rải rác; đục thân cú mèo, 5 vạch ra rộ từ ngày 27/4 - 03/5/2014 di chuyển và đẻ trứng trên các trà lúa, sâu non nở rộ từ ngày 05/5 trở đi và gây bông bạc trên diện tích lúa trỗ từ 05 - 15/5/2014, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời. Các huyện cần chú ý: Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao, Cẩm Khê, Tam Nông, Tân Sơn, Yên Lập,...
- Rầy các loại: Tiếp tục tích luỹ và gia tăng mật độ, gây hại mạnh từ giữa đến cuối tháng 5 trên các trà lúa giai đoạn trỗ - ngậm sữa. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng (Có thể gây cháy ổ từ khoảng 15/5 trở đi). Các huyện cần chú ý: Tam Nông, Lâm Thao, Yên Lập, Phù Ninh, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Thanh Ba,…
- Bọ xít dài: Gây hại trên các trà lúa giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng trỗ sớm hoặc trỗ muộn hơn so với đại trà, những ruộng lúa nếp, lúa thơm,...
- Chuột: Chuột tiếp tục tích lũy và gia tăng gây hại trên các trà lúa ở tất cả các huyện; Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa thơm, ruộng ven làng, ven đồi gò, kênh mương, đường lớn.
2. Trên ngô xuân: Bệnh đốm lá, bệnh khô vằn, sâu đục thân, đục bắp, rệp, sâu ăn lá, châu chấu gây hại nhẹ đến trung bình. Chuột hại cục bộ.
3. Trên cây chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh thối búp, bệnh đốm xám, đốm nâu gây hại nhẹ.
4. Cây ăn quả: Bệnh chảy gôm, sâu đục thân cành, sâu ăn lá, rệp sáp, sâu nhớt, bệnh loét hại cục bộ trên cây bưởi. Bọ xít nâu, bệnh thán thư, bệnh sương mai, nhện lông nhung hại nhẹ trên cây nhãn, vải.
5. Cây lâm nghiệp: Mối, dế hại cây con trên rừng mới trồng; bệnh đốm lá, bệnh thối ngọn khô cành, sâu nâu ăn lá,.. gây hại nhẹ đến trung bình. Châu chấu tre lưng vàng tiếp tục nở, di chuyển gây hại trên rừng tre, luồng và trên lúa, ngô tại huyện Đoan Hùng, Tam Nông,...
III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:
1. Trên lúa: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, chú ý các đối tượng sau:
- Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ bệnh hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như Cavil 50WP, Lervil 5SC, Jinggangmeisu 10WP,... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
- Bệnh đạo ôn lá: Khi ruộng chớm bị bệnh, không được bón bổ sung các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5% phòng trừ ngay bằng các thuốc Katana 20SC, Bemsuper 75WP, Fuji - one 40WP, Fu-army 30WP,... phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Trên khu ruộng đã có đạo ôn lá, phải phun phòng đạo ôn cổ bông trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu trên.
- Sâu đục thân: Khi ruộng có mật độ bướm cao trên 0,3 con/m2 hoặc mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Victory 585EC, Finico 800WG, Patox 95SP,... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì. Thời gian phun tốt nhất là sau khi bướm rộ 5 - 7 ngày hoặc khi lúa bắt đầu trỗ thấp thoi.
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Khi ruộng chớm bị bệnh, cần phun phòng trừ ngay bằng một trong các loại thuốc: Xanthomix 20WP, Sansai 200WP, Sasa 25WP, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì.
- Rầy các loại: Khi ruộng có mật độ trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm), sử dụng một trong các loại thuốc như: Victory 585EC, Midan 10WP, Sectox 10WP,... (phun không cần rẽ băng); hoặc sử dụng thuốc Bassa 50EC, Nibas 50ND,... (rẽ băng rộng 0,8 - 1,2 m, phun kỹ vào gốc lúa), pha theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì.
- Bọ xít dài: Khi ruộng có mật độ trên 6 con/m2, sử dụng một trong các loại thuốc như: Ofatox 400EC, Midan 10 WP, Cymerin 25EC, Bestox 5EC,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Ngoài ra: Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.
2. Trên cây ngô: Tập trung chăm sóc và chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh sau:
- Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ cây hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như Cavil 50WP, Lervil 5SC, Anvil 5SC, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Bệnh đốm lá: Khi ruộng có tỷ lệ lá hại trên 30%, sử dụng một trong các loại thuốc như Ridomil Gold 68WG, Antracol 70WP, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Sâu đục thân: Khi ruộng có tỷ lệ cây hại trên 20% sử dụng thuốc Finico 800 WG, Rigell 3GR, Reagt 800WG,... phun hoặc rắc theo hướng dẫn trên bao bì.
- Rệp cờ: Khi ruộng có tỷ lệ cây hại trên 30% sử dụng thuốc Ofatox 400EC, Virtako 40 WG, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
3. Trên cây chè:
- Rầy xanh: Khi tỷ lệ búp hại trên 10% sử dụng một trong các loại thuốc Midan 10WP, Ofatox 400WP, Dylan 2 EC, Tasieu 1.0EC, Shepatin 36EC,... phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Bọ xít muỗi: Khi tỷ lệ búp hại trên 10% sử dụng một trong các loại thuốc Trebon 10EC, Dylan 2 EC, Midan 10WP, ... phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Bọ cánh tơ: Khi tỷ lệ búp hại trên 10% sử dụng một trong các loại thuốc Midan10WP, Catex 3.6EC, Sutin 5EC, Dylan 2 EC, Bestox 5EC, …để phòng trừ, phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly.
- Nhện đỏ: Khi mật độ nhện 3 - 4con/lá, sử dụng một trong các loại thuốc Ortus 5 SC, Dylan 2EC, Catex 3.6EC, Shepatin 36EC, Reasgant 3,6EC,... phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Ngoài ra: Chú ý phun trừ các đối tượng đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu.
4. Trên cây ăn quả: Thường xuyên theo dõi và phun trừ các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn trên bao bì.
5. Trên cây lâm nghiệp: Tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây keo, bạch đàn, chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh cho cây con trong vườn ươm. Giám sát chặt chẽ và phòng trừ ngay các ổ châu chấu tre lưng vàng mới nở, còn co cụm trên rừng tre, luồng, bờ cỏ, ruộng lúa, ngô bằng thuốc Victory 585EC,...