I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 9/2014:
1. Trên lúa:
- Bệnh khô vằn: Gây hại trên diện rộng trên các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 7.543,4 ha, trong đó nhiễm nhẹ 4.645,1 ha, trung bình 2.371,3 ha, nặng 527,0 ha. Diện tích phòng trừ 3.064,7 ha, trong đó phun 1 lần 2.856,5 ha, phun 2 lần 208,2 ha.
- Rầy các loại: Gây hại diện hẹp trên trà mùa sớm, mùa trung; Mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 5.530,7 ha, trong đó nhiễm nhẹ 3.814,4 ha, trung bình 1.488,7 ha, nặng 227,6 ha. Diện tích phòng trừ 2.998,4 ha, trong đó phun 1 lần 2.961,7 ha, phun 2 lần 36,7 ha.
- Sâu đục thân: Gây hại trên trà mùa trung trỗ muộn đầu tháng 9 và trà mùa muộn; Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên giống J02 và Bao thai. Diện tích nhiễm 936,9 ha, trong đó nhiễm nhẹ 871,4 ha, trung bình 64,5 ha, nặng 1,0 ha. Diện tích phòng trừ 15,0 ha, trong đó phun 1 lần 7,5 ha, phun 2 lần 7,5 ha.
- Bệnh bạc lá: Gây hại trên trà mùa sớm, mùa trung; Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 511,5 ha, trong đó nhẹ 380,6 ha, trung bình 90,9 ha, nặng 40,0 ha. Diện tích phòng trừ 132 ha.
- Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 261,1 ha, trong đó nhẹ 159,5 ha; Trung bình 66,5 ha; Nặng 35,1 ha. Diện tích phòng trừ 137,7 ha, trong đó phun 1 lần 102,6 ha, phun 2 lần 35,1 ha.
- Ngoài ra: Chuột, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié gây hại nhẹ đến trung bình; Bọ xít dài, bệnh sinh lý gây hại nhẹ.
2. Trên ngô: Bệnh khô vằn gây hại nhẹ đến trung bình. Diện tích nhiễm 83,7 ha, trong đó nhẹ 48,0 ha; Trung bình 35,7 ha. Chuột gây hại nhẹ.
3. Trên chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi hại nhẹ đến trung bình; Bọ cánh tơ, bệnh thối búp, bệnh thán thư, bệnh đốm nâu gây hại nhẹ.
- Diện tích nhiễm rầy xanh 2.272,2 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.995,4 ha, trung bình 276,8 ha. Diện tích phòng trừ 474,1 ha.
- Diện tích nhiễm bọ xít muỗi 2.297,7 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.858,1 ha, trung bình 439,6 ha. Diện tích phòng trừ 1.044,7 ha.
4. Trên cây ăn quả: Bệnh sẹo gây hại nhẹ; Bệnh loét, ruồi đục quả, sâu vẽ bùa phát sinh gây rải rác trên cây bưởi. Nhện lông nhung gây hại nhẹ trên cây nhãn vải.
5. Trên cây lâm nghiệp:
- Sâu nâu hại nhẹ trên cây keo tại huyện Hạ hòa.
- Sâu xanh gây hại nhẹ đến trung bình trên cây bồ đề tại huyện Tân Sơn. Diện tích nhiễm 10 ha, trong đó nhẹ 6 ha; Trung bình 4 ha.
II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 10/2014:
1. Trên lúa mùa muộn:
- Bướm sâu đục thân 2 chấm tiếp tục di chuyển và đẻ trứng trên trà mùa muộn, sâu non gây bông bạc từ ngày 10/10 trở đi; Mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng. Các huyện có diện tích trà mùa muộn, cấy giống Bao thai cần chú ý: Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Tân Sơn, ...
- Ngoài ra: Bệnh khô vằn, rầy các loại, bọ xít dài, ... gây hại nhẹ.
2. Trên ngô đông:
- Sâu xám: Gây hại trên ngô giai đoạn gieo - 4 lá, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng.
- Bệnh sinh lý: Xuất hiện trên ngô mới trồng, trên chân ruộng vàn thấp, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
- Ngoài ra: Châu chấu, sâu đục thân, sâu ăn lá, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá gây hại nhẹ. Chuột gây hại cục bộ.
3. Trên rau: Sâu xanh, sâu tơ, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh thối nhũn gây hại nhẹ đến trung bình trên rau cải. Ngoài ra rệp muội phát sinh và gây hại trong điều kiện thời tiết khô hanh.
4. Trên chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Các đối tượng bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm nâu, bệnh đốm xám, bệnh thối búp, bệnh thán thư gây hại nhẹ đến trung bình.
5. Cây ăn quả: Bệnh sẹo gây hại nhẹ; Bệnh loét, ruồi đục quả, sâu vẽ bùa phát sinh gây rải rác trên cây bưởi. Nhện lông nhung gây hại nhẹ trên cây nhãn vải.
6. Cây lâm nghiệp: Sâu xanh gây hại nhẹ đến trung bình trên cây bồ đề tại huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, sâu nâu gây hại nhẹ trên cây keo tại huyện Hạ Hòa.
III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ :
1. Trên lúa:
- Sâu đục thân 2 chấm: Phòng trừ bằng biện pháp ngắt ổ trứng kết hợp với sử dụng các loại thuốc đặc hiệu: Vitory 585EC, Wavotox 585EC, Nicata 95SP,... phun kép 2 lần (Trước và sau khi lúa trỗ 4 - 5 ngày), pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
- Ngoài ra: Chú ý theo dõi và phòng trừ kịp thời bệnh khô vằn, rầy các loại, bọ xít dài, ... bằng các loại thuốc đặc hiệu.
2. Trên ngô đông:
- Sâu xám: Áp dụng biện pháp thủ công bắt sâu vào buổi sáng sớm khi sâu chưa chui xuống đất. Khi ruộng có tỷ lệ trên 10% cây bị hại, sử dụng các loại thuốc Vibasu 10BR, ... rắc đều trên ruộng vào buổi chiều tối theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Bệnh sinh lý: Khi ruộng có trên 20% cây bị bệnh, sử dụng phân bón qua lá (Komix, Antonik, Đầu trâu, ...), phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì; hoặc sử dụng phân Supe lân (5 kg/sào) hòa nước tưới, để bổ sung dinh dưỡng, giúp cây nhanh hồi phục.
3. Trên rau: Phun phòng trừ những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các thuốc đặc hiệu có trong danh mục quy định cho rau, chú ý đảm bảo thời gian cách ly.
4. Trên cây chè: Phun phòng trừ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh thối búp bằng các thuốc đặc hiệu có trong danh mục quy định cho chè.
5. Cây ăn quả: Thường xuyên theo dõi sâu bệnh trên các loại cây ăn quả, phun trừ các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn trên bao bì.
6. Cây lâm nghiệp: Tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây keo và bồ đề, phòng trừ kịp thời bằng các thuốc đặc hiệu./.