Thứ Năm, 18/4/2024
Thông báo sâu bệnh tháng 6, dự báo sâu bệnh tháng 7 năm 2016
Gửi bài In bài

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT PHÚ THỌ

CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

Số: 185/TB-BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 

Phú Thọ, ngày 30 tháng 6 năm 2016

 

 

THÔNG BÁO

Tình hình sâu bệnh tháng 6/2016

 Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 7/2016 


I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 6/2016:

1. Trên lúa xuân muộn:

- Bệnh khô vằn: Phát sinh gây hại nhẹ trên diện tích cấy muộn tại các huyện Tân Sơn, Việt Trì , Phù Ninh, Đoan Hùng, Tam Nông, Lâm Thao, Hạ Hòa, Phú Thọ, Thanh Ba. Tổng diện tích nhiễm 591 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ.

- Ngoài ra: Rầy các loại gây hại nhẹ.

2. Trên mạ mùa:

Sâu đục thân đã chuyển lứa và gây hại tại các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Việt Trì; mức độ nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 23,5 ha; trong đó nhiễm nhẹ 17,2 ha, nhiễm trung bình 6,3 ha. Diện tích phòng trừ 1,9 ha.

Ngoài ra: Sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ. Bệnh sinh lý, rầy các loại, chuột hại rải rác.

3. Trên lúa mùa:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Do vụ xuân 2016 bị ảnh hưởng của thời tiết rét đậm rét hại kỷ lục, thời gian sinh trưởng lúa kéo dài và trỗ bông muộn hơn so với TBNN từ 7 - 15 ngày; do tính thời vụ gấp nên khi triển khai vụ mùa, một số diện tích mạ, lúa mùa sớm đan xen với lúa xuân muộn đang thu hoạch, lúa chét, ruộng rạ chưa làm đất; đặc biệt, do điều kiền thời tiết đầu vụ mùa nóng, ẩm thuận lợi cho sâu hại phát triển nên nguồn sâu cuốn lá nhỏ đã chuyển lứa với mật số lớn, gây hại trên trà mùa sớm và mùa trung mới cấy tại các huyện; mức độ hại nhẹ đến trung bình; mật độ trung bình 4 - 8 con/m2, cao 16 - 20 con/m2, cục bộ 60 - 80 con/m2; phát dục chủ yếu tuổi 1, 2, 3. Tổng diện tích nhiễm 657 ha; trong đó nhiễm nhẹ 423,3 ha, nhiễm trung bình 233,7 ha. Diện tích đã phòng trừ 233,7 ha (Cẩm Khê).

- Ốc bươu vàng phát sinh và gây hại tại các huyện Lâm Thao, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa, Đoan Hùng; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tổng diện tích nhiễm 731,4 ha; trong đó nhiễm nhẹ 545,6 ha, nhiễm trung bình 115,1 ha, nhiễm nặng 70,7 ha (Lâm Thao). Diện tích phòng trừ 275,9 ha.

Ngoài ra: Bệnh sinh lý, rầy các loại, sâu đục thân,.. hại nhẹ.

4. Trên ngô xuân:

- Bệnh khô vằn: Gây hại nhẹ tại các huyện Phù Ninh, Hạ Hòa, Tân Sơn, Đoan Hùng, Cẩm Khê. Diện tích nhiễm 136,5 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ.

- Ngoài ra: Sâu đục thân, đục bắp gây hại nhẹ.

5. Trên cây chè:

- Rầy xanh: Phát sinh và gây hại tại các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Cẩm Khê; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 1.338,8 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.222,8 ha, trung bình 116 ha. Diện tích phòng trừ 218,2 ha.

- Bọ cánh tơ: Phát sinh và gây hại tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 1.997,9 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.326,6 ha, trung bình 671,3 ha. Diện tích phòng trừ 731,9 ha.

- Bọ xít muỗi: Phát sinh và gây hại tại các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 920,6 ha, trong đó nhiễm nhẹ 729 ha, trung bình 191 ha. Diện tích phòng trừ 346 ha.

- Nhện đỏ: Phát sinh và gây hại tại các huyện Đoan Hùng, Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 1.266,5 ha, trong đó nhiễm nhẹ 969,2 ha, trung bình 297,3 ha. Diện tích phòng trừ 442,6 ha.

- Ngoài ra: Bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá,.. hại nhẹ.

6. Trên cây ăn quả:

- Nhện đỏ: Phát sinh và gây hại nhẹ trên cây bưởi tại huyện Đoan Hùng. Diện tích nhiễm 95,6 ha.

- Ngoài ra: Bệnh loét, sâu vẽ bùa, rệp sáp, nhện... phát sinh và gây hại rải rác trên cây bưởi. Bọ xít nâu, nhện lông nhung, bệnh thán thư hại rải rác trên nhãn vải.

7. Trên cây lâm nghiệp: Sâu ăn lá, mối hại gốc, bệnh khô lá gây hại rải rác trên cây keo, bạch đàn.

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 7/2016:

1. Trên lúa:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành lứa 5 sẽ ra rộ từ ngày 14 - 20/7/2016 và đẻ trứng. Sâu non nở rộ và gây hại mạnh từ ngày 23/7/2016 trở đi trên trà mùa sớm giai đoạn cuối đẻ - đứng cái, làm đòng; trà mùa trung giai đoạn đẻ nhánh rộ; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 7.000 ha. Các huyện cần chú ý: Cẩm Khê, Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa, Việt Trì, Thanh Thủy,...

- Ốc bươu vàng: Gây hại trên những ruộng trũng nước; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

-  Bệnh sinh lý: Gây hại trên những ruộng dộc chua, lầy, ruộng cày bừa làm đất không kỹ, ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục, ruộng cấy sâu tay,… mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

- Ngoài ra: Bệnh khô vằn, rầy các loại gây hại nhẹ. Sâu đục thân, chuột,.. gây hại cục bộ.

2. Trên mạ mùa: Sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy các loại gây hại nhẹ đến trung bình; chuột hại cục bộ.

3. Trên ngô hè thu: Sâu xám, sâu ăn lá, chuột hại nhẹ đền trung bình.

4. Trên cây chè: Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh thối búp, bệnh đốm nâu, đốm xám gây hại nhẹ.

5. Trên cây ăn quả: Bệnh chảy gôm, bệnh loét, nhện đỏ, sâu đục quả,.. hại nhẹ trên cây bưởi. Nhện lông nhung, bọ xít nâu,.. hại nhẹ trên cây nhãn, vải.

6. Trên cây lâm nghiệp: Sâu ăn lá, mối hại gốc, bệnh khô lá gây hại rải rác trên cây keo, bạch đàn; sâu xanh gây hại trên cây bồ đề.

III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:

1. Trên lúa: Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Áp dụng kỹ thuật SRI, làm đất kỹ, bón vôi khử chua, bón lót đầy đủ cân đối phân NPK, phân chuồng hoai mục; cấy mạ non 2 - 2,5 lá, cấy 1 - 2 dảnh, cấy nông tay; chăm sóc, làm cỏ sục bùn, bón phân thúc đẻ sớm giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh vượt ngưỡng:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Áp dụng biện pháp thủ công bắt giết sâu non khi đưa mạ ra ruộng cấy hoặc kết hợp khi làm cỏ sục bùn. Hạn chế phun thuốc đầu vụ để bảo vệ thiên địch. Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 50 con/m2 (01 con/khóm) cần tiến hành phòng trừ bằng các thuốc trừ sâu cuốn lá đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Clever 300WG, Dylan 10WG, Emagold 6.5 WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, Rigell 800WG, F16 600EC,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Ngoài ra: Theo dõi chặt chẽ và phòng trừ kịp thời các đối tượng ốc bươu vàng, bệnh sinh lý, sâu đục thân,...; tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.

2. Trên ngô hè thu: Tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ cho cây ngô. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích ngô có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký trên ngô.

3. Trên chè: Chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, bón phân đầy đủ cân đối, trồng cây che bóng với mật độ hợp lý. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký trên chè. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi thu hái.

4. Trên cây ăn quả: Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thường xuyên theo dõi và chỉ phun phòng trừ những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký.

5. Trên cây lâm nghiệp: Tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây keo, bạch đàn, bồ đề./.

 

Nơi nhận:

- Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc (b/c);

- PGĐ Sở (Ô. Anh) (b/c);

- UBND các huyện, thành, thị;

- Lãnh đạo, các phòng, trạm thuộc Chi cục;

- Lưu: VT, KT.

CHI CỤC TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Phan Văn Đạo

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn