Thứ Sáu, 27/12/2024
Thông báo Kết quả tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ và dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2016
Gửi bài In bài

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT PHÚ THỌ

CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

Số: 187/TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Phú Thọ, ngày 06  tháng  7 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Kết quả tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ

và dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2016 


Từ ngày 04 - 05/7/2016, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã tổ chức tổng điều tra sâu bệnh hại lúa trên toàn tỉnh nhằm đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ và dự báo tình hình sâu bệnh trong vụ, kết quả cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH SÂU BỆNH ĐẦU VỤ VÀ DỰ BÁO:

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại: Sâu non lứa 4 đang gây hại trên trà lúa mùa sớm, mùa trung, mật độ phổ biến 6 - 17 con/m2, cao 32 - 56 con/m2, cục bộ 72 con/m2 (Tam Nông); Phát dục chủ yếu tuổi 2, 3, 4. Diện tích nhiễm 1.653,8 ha, nhiễm nhẹ 1.387,3 ha, trung bình 266,4 ha. Quy mô và mức độ hại thấp hơn cùng kỳ vụ mùa năm trước, song vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (Cùng kỳ năm 2015, diện tích nhiễm 5.307,2 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình).

* Dự báo: Do tính thời vụ gấp nên khi triển khai vụ mùa, một số diện tích mạ, lúa mùa sớm đan xen với lúa xuân muộn đang thu hoạch, lúa chét, ruộng rạ chưa làm đất; thời gian gieo cấy không tập trung; đặc biệt, do điều kiện thời tiết đầu vụ nóng, ẩm thuận lợi cho sâu hại phát triển nên nguồn sâu cuốn lá nhỏ đã chuyển lứa với mật số lớn, gây hại trên trà mùa sớm và mùa trung mới cấy ngay từ đầu vụ. Vì vậy, sâu cuốn lá nhỏ có 2 lứa gây hại chính trong vụ mùa cần quan tâm để chỉ đạo phòng trừ:

- Lứa 5: Bướm cuốn lá sẽ ra rộ từ ngày 14 - 20/7/2016, sâu non nở rộ và gây hại mạnh từ ngày 23/7/2016 trở đi; sớm hơn vụ mùa 2015 khoảng 7 ngày. Sâu non gây hại chủ yếu trên trà mùa sớm giai đoạn cuối đẻ - làm đòng và một phần trà mùa trung giai đoạn đẻ nhánh rộ; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 12.000 ha (Trà sớm 7.600 ha, trà trung 4.400 ha). Các huyện cần chú ý: Tam Nông, Cẩm Khê, Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa, Việt Trì, Thanh Thủy,... Phòng trừ tốt đợt sâu cuốn lá này sẽ giảm đáng kể sâu non gây hại cho lứa sau.

- Lứa 6: Bướm sẽ ra rộ khoảng giữa tháng 8, sâu non gây hại từ giữa đến cuối tháng 8 trên trà lúa mùa trung giai đoạn đứng cái  - làm đòng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 5.500 ha. Các huyện có diện tích cấy muộn cần chú ý: Thanh Ba, Tam Nông, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa,...

2. Sâu đục thân:

* Hiện tại: Bướm sâu đục thân 2 chấm tiếp tục di chuyển và đẻ trứng trên trà mùa sớm, mùa trung. Mật độ trứng phổ biến 0,005 - 0,08 ổ/m2, cao 0,1 - 0,5 ổ/m2 (Phù Ninh, Việt Trì). Sâu non lứa 3 gây hại nhẹ trên các trà lúa; tỷ lệ hại phổ biến 0,4 - 1%, cao 4,0 - 7,7%, cục bộ 18% (Việt Trì); phát dục chủ yếu tuổi 1, 2. Diện tích nhiễm 131,4 ha, nhiễm nhẹ 103,8 ha, trung bình 27,5 ha. Quy mô và mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2015, diện tích nhiễm 8,8 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ).

* Dự báo: Sâu đục thân 2 chấm có 2 lứa gây hại chính trong vụ:

- Lứa 4: Dự kiến bướm ra rộ từ ngày 26/7 - 03/8/2016, sâu non gây bông bạc trên diện tích lúa trỗ cực sớm, gây dảnh héo trên các trà lúa mùa sớm, mùa trung từ ngày 03/8/2016 trở đi; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Thời gian gây hại của sâu đục thân muộn hơn so với sâu cuốn lá lứa 5 khoảng 10 ngày; vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu đục thân. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 1.500 ha (Trà sớm 1.200 ha, trà trung 300 ha). Các huyện cần chú ý: Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông,...

- Lứa 5: Bướm ra rộ khoảng trung tuần tháng 9, sâu non gây bông bạc trên trà lúa cấy muộn giai đoạn đòng - trỗ từ giữa đến cuối tháng 9.

3. Ốc bươu vàng:

* Hiện tại: Ốc bươu vàng gây hại trên trà mùa trung tại hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ đến trung bình; Tỷ lệ hại phổ biến 0,5 - 1%, cao 3 - 4%, cục bộ 15% (Thanh Sơn). Diện tích nhiễm 891,3 ha; trong đó, nhiễm nhẹ 588,3 ha, trung bình 223,9 ha, nặng 79,2 ha. Quy mô và mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2015, diện tích nhiễm 272,3 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình).

* Dự báo: Ốc bươu vàng tiếp tục phát triển, song khả năng gây hại giảm do lúa giai đoạn đẻ nhánh không là mồi ăn phù hợp; Lưu ý trên các ruộng cấy muộn, gieo thẳng, ruộng trũng nước.

4. Các đối tượng khác: Bệnh sinh lý, rầy các loại, bệnh khô vằn,.. hại nhẹ.

II. ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Thời gian tháng 7, tháng 8 là thời kỳ cao điểm sâu bệnh gây hại lúa vụ mùa, đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn, các xã, phường, thị trấn huy động bà con nông dân tăng cường kiểm tra phát hiện và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, không để sâu bệnh lây lan, gây hại nặng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chi cục giao các Trạm bảo vệ thực vật huyện, thành, thị tăng cường điều tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng; ra thông báo 10 ngày/kỳ và tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, phường, thị trấn tập huấn, hướng dẫn cách điều tra phát hiện và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân; viết bài tuyên truyền đọc trên hệ thống truyền thanh xã.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo Văn bản số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh. Tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho lúa. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh vượt ngưỡng; tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Áp dụng biện pháp thủ công bắt giết sâu non khi đưa mạ ra ruộng cấy hoặc kết hợp khi làm cỏ sục bùn; dùng vợt bắt và tiêu diệt trưởng thành vào thời điểm bướm ra rộ trên ruộng lúa chưa làm đòng. Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 50 con/m2 (01 con/khóm) cần tiến hành phòng trừ bằng các thuốc trừ sâu cuốn lá đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Clever 300WG, Dylan 10WG, Rigell 800 WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, F16 600EC, Virtako 1.5GR,...), pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.

Thời gian phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trên trà mùa sớm tốt nhất từ ngày 21 - 27/7/2016, trà trung có thể muộn hơn 3 - 5 ngày.

- Sâu đục thân: Hiện tại, tiếp tục theo dõi, không nên phun thuốc trong đợt này vì lúa giai đoạn đẻ nhánh, khả năng đền bù cao. Chủ động phòng trừ sâu lứa 4 khi ruộng có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên. Phòng trừ bằng các thuốc trừ sâu đục thân đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Victory 585EC, Nicata 95SP, Rigell 800 WG, Wavotox 585EC, F16 600EC,...) pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.  

- Ốc bươu vàng: Áp dụng  biện pháp bắt ốc, thu gom ổ trứng để tiêu diệt. Đối với những diện tích có mật độ ốc trên 3 con/m2; hoặc ruộng lúa có trên 10% dảnh bị hại, sử dụng các thuốc trừ ốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Pazol 700WP, StarPumper 800WP, Clodansuper 700 WP, VT-Dax 700WP, Baycide 70WP,…) phun hoặc rắc theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Các đối tượng khác: Cần chú ý theo dõi và thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của Chi cục BVTV./.

 

Nơi nhận:

- Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc (b/c);

- GĐ, PGĐ Sở: Ô. Anh (b/c);

- UBND các huyện, thành, thị;

- Lãnh đạo, các phòng, trạm Chi cục (s/i);

- Lưu: VT, KT.

 

CHI CỤC TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

 

Phan Văn Đạo

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn