Ngày 17
- 18 tháng 7 năm 2017, Chi cục BVTV tiến hành điều tra mở rộng các đối tượng
dịch hại trên lúa. Chi cục thông báo tình hình dịch hại trong tuần qua, dự báo
trong thời gian tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:
I/ TÌNH HÌNH DỊCH HẠI VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:
1. Bệnh sinh
lý:
* Hiện tại: Do mưa lớn kéo dài nhiều
ngày (đặc biệt là ảnh hường của hoàn lưu cơn bão số 2), nhiều diện tích lúa bị
ngập úng cục bộ, cây lúa phát triển chậm, đẻ nhánh kém, bệnh vàng lá sinh lý
phát sinh trên các trà lúa tại hầu hết các huyện, thành thị; tỷ lệ bệnh trung bình 2,1 - 8,0%; cao
10 - 20%; cục bộ 22 - 30% (Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, ...).
Diện tích nhiễm 1.760,5 ha
(nhiễm nhẹ 1.455,5 ha; nhiễm trung bình 305 ha); diện tích đã phòng trừ 298,3
ha.
* Dự báo: Trong thời gian tới, trời có nắng
nóng, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại trên những ruộng cày bừa làm đất không kỹ,
ruộng dộc chua, lầy, ruộng cấy sâu tay, ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục, phân
xanh không ủ hoặc ruộng trũng hẩu, yếm khí,… mức độ hại nhẹ đến trung bình,
cục bộ hại nặng. Các huyện cần chú ý: Lâm
Thao, Việt Trì, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Phù Ninh, Đoan Hùng,
Tân Sơn,... .
2. Sâu cuốn lá nhỏ:
* Hiện tại:
- Trên
trà sớm: Sâu non nở rộ tại Việt Trì, Phù Ninh, Tam Nông,
Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba, Lâm Thao. Diện tích nhiễm sâu non là 1.678,2 ha
(Trong đó, nhiễm nhẹ 804,9 ha; nhiễm trung bình 873,3 ha). Diện tích đã phòng
trừ 733,2 ha. Trên diện tích đã phòng trừ, mật độ sâu trung bình 5 - 10 con/m2 . Trên diện tích chưa phòng trừ
hoặc phòng trừ kém hiệu quả do gặp mưa, mật độ trung bình 7,0 - 17,0 con/m2, cao 24 - 48 con/m2, cục bộ 50 - 60 con/m2 (Việt Trì, Phù Ninh, Hạ
Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông). Phát dục chủ yếu tuổi 2,3.
- Trên trà trung: Sâu non tiếp
tục gây hại nhẹ tại các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Phù Ninh; mật độ trung bình 5,6 - 9,2 con/m2, cao 20 - 30 con/m2. Phát dục chủ yếu tuổi 2,3,4. Diện tích nhiễm 220,9
ha (chủ yếu nhiễm nhẹ).
* Dự báo: Trên diện tích trà sớm chưa được
phòng trừ hoặc phòng trừ kém hiệu quả, sâu non tiếp tục gây hại mạnh trong kỳ
tới, cần tiếp tục kiểm tra, phòng
trừ tốt lứa sâu này để làm giảm mật độ cho lứa sau. Diện tích dự kiến cần phòng tiếp
là 546,8 ha (có biểu chi tiết kèm theo).
Các huyện cần chú ý: Hạ Hòa, Tam Nông, TP. Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao, Cẩm
Khê, ...
3. Chuột:
* Hiện tại: Chuột phát sinh và gây hại nhẹ
trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái; tỷ lệ hại trung bình 0,5 -
2,5%, cao 4,0 - 6,0%. Diện tích bị hại 157,1 ha (chủ yếu hại nhẹ) tại huyện Yên
Lập, Lâm Thao.
* Dự báo:
Chuột sẽ tiếp tục gây hại trong giai đoạn lúa đẻ nhánh - đứng cái - làm
đòng. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng ven nghĩa
trang, đồi gò, kênh mương, đường lớn, khu chăn nuôi thủy cầm, ...
4. Các đối
tượng khác: Sâu đục thân, rầy các loại, bệnh
khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại rải rác.
II/ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO, PHÒNG
TRỪ:
1. Biện pháp chỉ đạo:
-
Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn, các xã,
phường, thị trấn huy động bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát
hiện, phân loại đồng ruộng để phòng trừ kịp thời, triệt để các ổ sâu bệnh,
không để sâu bệnh lây lan, gây hại nặng.
-
Chi cục yêu cầu các Trạm bảo vệ thực vật huyện, thành, thị tăng cường điều tra,
theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ
và vùng gây hại với từng đối tượng (Đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ); ra thông
báo hàng tuần; phối hợp phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) tham mưu, đề
xuất với UBND cấp huyện biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Tăng cường hướng
dẫn kỹ thuật tới các xã, thị trấn tập huấn, bà con nông dân nhận biết và phòng
trừ sâu bệnh kịp thời; viết bài hướng dẫn kỹ thuật để đọc trên hệ thống truyền
thanh xã, khu dân cư. Báo cáo tiến độ phòng trừ về Chi cục trước
16h30 hàng ngày, kết thúc ngày 22/7/2017 (theo mẫu gửi kèm).
2. Kỹ thuật
phòng trừ:
- Bệnh sinh lý: Khi ruộng lúa bị
bệnh không bón phân đạm, tăng cường làm cỏ sục bùn. Khắc phục bằng cách bón
10-15 kg vôi bột + 10-15 kg supe lân kết hợp với làm cỏ sục bùn, hoặc sử dụng phân
bón qua lá, chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa, ví dụ như: XO
Sogan siêu ra rễ; XO siêu lân, ... Nếu ruộng bị nặng có thể dùng thuốc Antracol
70WP, Anphacol 70WP.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Tăng cường
kiểm tra đồng ruộng, khi làm cỏ sục bùn kết hợp với việc ngắt bỏ bao cuốn, tổ
cũ, giết sâu bằng biện pháp thủ công. Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ sâu cao
trên 20 con/m2 (2 khóm lúa có 1con với lúa vào giai đoạn đứng
cái) và 50 con/m2 (1con/ khóm lúa đang đẻ nhánh rộ) thì cần
tiến hành phòng trừ bằng các thuốc trừ sâu có trong danh mục được phép sử dụng
ở Việt Nam, ví dụ như: (Clever 300WG, Hd-Fortuner 150EC, Dylan 10WG, Rigell 800
WG, Emagold 6.5 WG, Tasieu 5WG Alocbale 40EC, F16 600EC, Virtako 1.5GR,...). Lưu
ý: Cần phân loại đồng ruộng, chỉ phun thuốc trên diện tích nhiễm sâu
non vượt ngưỡng, tránh phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và môi trường
sinh thái.
- Chuột: Tiếp tục diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp; có thể sử dụng các loại thuốc có trong danh mục để trộn
mồi bả đánh chuột, ví dụ Ranpart 2%DS, Rat-kill 2% DP, Cat 0.25WP, Rat K 2% DP
hoặc sử dụng bả trộn sẵn như Broma 0.005AB theo đúng hướng dẫn ghi trên vỏ bao
bì.
- Các đối
tượng khác: Cần chú ý theo dõi sâu đục thân, rầy các loại,bệnh khô vằn, bệnh bạc
lá, đốm sọc vi khuẩn, ...
Lưu ý: Chỉ sử dụng
các thuốc có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và
phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, chú ý khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì thuốc
BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định của địa phương./.