Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông báo tình hình dịch hại 7 ngày trên lúa (Kỳ 16/8/2017)
Gửi bài In bài

Ngày 14 - 15/8/2017, Chi cục BVTV tiến hành điều tra mở rộng các đối tượng dịch hại trên lúa. Chi cục thông báo tình hình dịch hại trong tuần qua, dự báo trong thời gian tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH DỊCH HẠI VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại: Sâu non đang nở rộ. Trên những diện tích chưa được phun trừ, mật độ trung bình 4 - 16 con/m2, cao 24 - 36 con/m2, cục bộ 42 - 80 con/m2 (Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Phú Thọ, Hạ Hòa), cá biệt ruộng 160 - 300 con/m2 (Xã Thụy Vân - Việt Trì) và còn tiếp tục tăng lên do trứng tiếp tục nở. Diện tích nhiễm 12.744 ha (trong đó nhiễm nhẹ 4.148 ha; nhiễm trung bình 7.291 ha; nhiễm nặng 1.332 ha); diện tích đã phòng trừ là 4.400 ha. Trên diện tích đã phun trừ có hiệu quả, mật độ sâu giảm còn 3 - 5 con/m2 , đảm bảo an toàn. Diện tích dự kiến cần tiếp tục phòng trừ trong kỳ tới khoảng trên 4.600 ha.

* Dự báo: Do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp phát triển trên khu vực bắc bộ nên trong kỳ tới, trên địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng. Trên diện tích chưa được phòng trừ hoặc phòng trừ kém hiệu quả do gặp mưa, sâu non tiếp tục gây hại mạnh trong vài ngày tới. Các huyện có diện tích dự kiến phòng trừ lớn cần chú ý: Yên Lập, Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Thanh Sơn,....

2. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh ở hầu hết các huyện, thành, thị. Tỷ lệ bệnh phổ biến 3,4 - 9,7%, cao 11,3  - 38%, cục bộ 41,5 - 58% (Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Việt Trì, ...). Diện tích nhiễm 12.820 ha (trong đó, nhiễm nhẹ 4.431 ha; nhiễm trung bình 7.972 ha; nhiễm nặng 478 ha); diện tích đã phòng trừ 5.160 ha; trên diện tích đã phòng trừ, bệnh đã dừng phát triển. Dự kiến diện tích cần phòng trừ tiếp trong kỳ tới khoảng trên 3.000 ha.

* Dự báo: Trong điều kiện thời tiết có nắng mưa xen kẽ, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại về cuối vụ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa xanh tốt, rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Các huyện cần chú ý: Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Việt Trì, ... .

3. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh đã xuất hiện và gây hại rải rác tại huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Việt Trì, Tam Nông, Đoan Hùng,Thanh Thủy. Tỷ lệ bệnh phổ biến 2,6 - 8,0%, cao 10,3  - 23,5%, cục bộ 40 - 45% (Lâm Thao). Diện tích nhiễm 941,0 ha (Nhiễm nhẹ 682,7 ha; nhiễm trung bình 231,9 ha; nặng 26,3 ha); diện tích đã phòng trừ 483 ha.

* Dự báo: Bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh và gây hại bộ lá đòng, nhất là sau các cơn mưa lớn kèm theo dông, lốc. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, đang trong giai đoạn đòng già - đến trỗ, nhất là trên diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh, cấy các giống nhiễm (Nhị ưu số 7, nhị ưu 838, Thiên ưu 8, GS9, Hương Thơm, Khang dân 18,...).  Các huyện cần lưu ý: Lâm Thao, Phù Ninh, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Việt Trì, Tam Nông, Đoan Hùng,Thanh Thủy.

4. Ngoài ra: Cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng khác như sâu đục thân, rầy các loại, bọ xít dài, bệnh sinh lý (Vàng lá), chuột hại...

II/ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO, PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo: Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh trong cao điểm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại và thời tiết, mưa bão để có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là trên hệ thống truyền thanh xã, khu dân cư về công tác chỉ đạo và hướng dẫn phòng trừ.

Chi cục yêu cầu các Trạm bảo vệ thực vật huyện, thành, thị tăng cường điều tra; ra thông báo hàng tuần, hướng dẫn phòng trừ cụ thể cho từng đối tượng; phối hợp phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) tham mưu, đề xuất với UBND cấp huyện biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Tiếp tục báo cáo tiến độ phòng trừ trong kỳ tới (từ ngày 16 - 22/8/2017) về Chi cục trước 16h30 hàng ngày.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Thăm đồng thường xuyên, kết hợp biện pháp thủ công bặt giết sau non. Khi ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 20 con/m2 (2 khóm lúa có 1con sâu) thì cần phun trừ bằng thuốc, ví dụ như: Clever 300 WG, Hd-Fortuner 150 EC, Dylan 10 WG, Rigell 800 WG, Emagold 6.5 WG, Tasieu 5 WG Alocbale 40 EC, F16 600 EC, Virtako 1.5 GR, ... Cần phun thuốc xong trước ngày 22/8/2017. Lưu ý: Cần phân loại đồng ruộng, chỉ phun thuốc trên diện tích nhiễm sâu non vượt ngưỡng, tránh phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và môi trường sinh thái.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Không bón đạm muộn; cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nhất là sau mưa dông, lốc. Khi ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học (nhất là đạm), phân bón qua lá, thuốc kích thích sinh trưởng; giữ đủ nước trong ruộng đồng thời phun các thuốc trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn để hạn chế sự phát triển của bệnh (Ví dụ: Starwiner 20 WP, Kamsu 2 SL, Xanthomix 20 WP, Sasa 25 WP, ...). 

- Bệnh khô vằn: Khi phát hiện ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh khô vằn (Ví dụ:  Chevil 5SC, Cavil 50WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL, ...).

Ngoài ra: Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp. Tiếp tục theo dõi và phòng trừ kịp thời các ổ sâu đục thân, rầy các loại, ... khi vượt ngưỡng; tích cực chăm bón, khắc phục bệnh sinh lý (vàng lá).

Lưu ý: Chỉ sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nếu ruộng lúa nhiễm cả sâu cuốn lá, đục thân và bệnh khô vằn thì có thể lựa chọn, hỗn hợp thuốc để phun trừ. Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom bao bì để đúng nơi quy định của địa phương./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn