Thứ Bảy, 20/4/2024
Thông báo tình hình dịch hại 07 ngày trên lúa, ngày 07/8/2018
Gửi bài In bài

Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn làm đòng; trà lúa mùa trung đa số đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng, một số diện tích đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh (Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng).  Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã tiến hành điều tra sâu bệnh ngày 06 - 07/8/2018, thông báo kết quả và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH VÀ DỰ BÁO:

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại:

- Trên trà sớm: Mật độ sâu non trước khi phun phổ biến 4,0 - 16,0 con/m2, cao 24,0 - 40,0 con/m2, cục bộ 80 - 160 con/m2 (Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê); Thời gian phòng trừ từ ngày 30/7 đến 05 tháng 8 năm 2018. Diện tích cần phòng trừ là 4,1 nghìn ha, diện tích đã phòng trừ 4.119,5 ha. bản các diện tích phòng trừ đã đạt hiệu quả cao, tỷ lệ gây hại thấp. Một số diện tích phun xong gặp mưa chưa được phun lại, mật độ phổ biến 10 - 16 con/m2, cao 20 - 24 con/m2, phát dục chủ yếu tuổi 3, 4. Diện tích phun lại lần 2 là 65,1 ha (Cẩm Khê, Lâm Thao).

- Trên trà trung: Sâu non tuổi 1, 2, mật độ phổ biến 16 - 28 con/m2, cao 32 - 63 con/m2, cục bộ 80 - 100 con/m2 (Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Tam Nông, Phù Ninh, ... ). Diện tích đã phòng trừ 3.203,5/7.569 ha dự kiến.

* Dự báo: Sâu non tiếp tục nở và gây hại. Các diện tích chưa được phòng trừ và phòng trừ kém hiệu quả do mưa sẽ tiếp tục gây hại mạnh nếu không phòng trừ kịp thời. Diện tích dự kiến cần phòng trừ tiếp là 4.365,5 ha (Có biểu chi tiết kèm theo). Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, TP. Việt Trì, Phù Ninh, Phú Thọ, Tân Sơn, ...

2. Bệnh sinh lý:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại nhẹ tại Việt Trì, Phù Ninh, Thanh Sơn, Lâm Thao; tỷ lệ bệnh trung bình 0,7 - 4,5%; cao 6,0 - 10%; cục bộ 30% (Việt Trì); diện tích nhiễm 192,7 ha (Chủ yếu nhiễm nhẹ), giảm so với CKNT 1.040,8 ha).

* Dự báo: Trong thời gian tới, trời tiếp tục có mưa, cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái - làm đòng rất mẫn cảm, bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng trũng ứ đọng nước, ruộng hẩu, ruộng dộc chua, ruộng ven đồi rừng, ….

3. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Tỷ lệ bệnh phổ biến 5,8 - 17,7%, cao 21,4  - 36,0%, cục bộ 40 - 45% (Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba). Diện tích nhiễm 3.744,2 ha (Nhiễm nhẹ 2.684,5 ha, nhiễm trung bình 1.032,2 ha, nhiễm nặng 27,5 ha tại Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba), giảm 2.512,2 ha so với CKNT. Diện tích đã phòng trừ 984,1 ha.

* Dự báo: Trong thời gian tới, thời tiết có nắng mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Các huyện cần lưu ý: Thanh Ba, Lâm Thao, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Thủy, Việt Trì.

4. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh rải rác tại huyện Lâm Thao, Tam Nông; tỷ lệ bệnh phổ biến 1,0 - 4,0%, cao 15 - 20%. Diện tích nhiễm 29,1 ha (Chủ yếu nhiễm nhẹ); giảm so với CKNT 343,5 ha; diện tích đã phòng trừ 29,1 ha.

* Dự báo: Bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh và gây hại bộ lá đòng, nhất là sau các cơn mưa lớn kèm theo dông, lốc. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, đang trong giai đoạn đòng đến trỗ, nhất là trên diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh, cấy các giống nhiễm (Nhị ưu số 7, nhị ưu 838, Thiên ưu 8, GS9, Hương Thơm, TBR 225,...).  Các huyện cần lưu ý: Lâm Thao, Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Ba, Việt Trì, Tam Nông, Thanh Thủy.

5. Ngoài ra: Sâu đục thân cần lưu ý trên trà lúa mùa sớm trỗ ngoài mùng 10 tháng 8, rầy các loại hại rải rác. Chuột gây hại nhẹ rải rác trên đồng ruộng, nhất là những diện tích ven gò, ven kênh mương, đường lớn, gần trang trại chăn nuôi.

II/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Đề nghị UBND các huyện, thành, thị:

+ Tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 796 /CV-SNN ngày 26 tháng 6 năm 2018,  về việc tiếp tục chỉ đạo phòng trừ bệnh Lùn sọc đen và Vàng lụi hại lúa vụ mùa năm 2018; Văn bản số 946/SNN-QHKH ngày 30 tháng 7 năm 2018, về việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn huy động cán bộ khuyến nông cơ sở, bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng trong thời gian cao điểm, phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh theo hướng dẫn của Chi cục; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Giao trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành, thị: Tăng cường công tác điều tra, DTDB, ra thông báo hàng tuần, tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả; tổng hợp kết quả phòng trừ và báo cáo về Chi cục (Phòng BVTV) vào 15h30 hàng ngày (trong thời gian chỉ đạo phòng trừ).

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Cần phân loại đồng ruộng, chỉ phun thuốc trên diện tích nhiễm sâu non vượt ngưỡng, tránh phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và môi trường sinh thái. Khi ruộng lúa có mật độ sâu non cao trên 20 con/m2 thì cần phun trừ bằng các loại thuốc trừ sâu có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, (Ví dụ như: Clever 300 WG, Hd-Fortuner 150 EC, Rigell 800 WG, Emagold 6.5 WG, Tasieu 5 WG, Alocbale 40 EC, Virtako 1.5 GR, Bemab 52 WG, Finico 800 WG, Dylan 2 EC, ...).

Thời gian phun thuốc phòng trừ tốt nhất đối với trà trung từ 06 - 10/8/2018.

- Bệnh sinh lý: Tiến hành làm cỏ sục bùn để cung cấp oxi cho bộ rễ lúa hoạt động, bón bổ sung lân và vôi bột để lúa nhanh hồi phục hoặc sử dụng các chế phẩm có trên thị trường ví dụ như: Lục diệp tố 1 SL, XO Siêu lân, hoặc một số loại phân bón qua lá, để phun bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa. Nếu ruộng bị nặng sử dụng thuốc Antracol 70WP hoặc Anphacol 70 WP… pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các thuốc, ví dụ:  Cavil 50WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL, Chevil 5SC...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.          

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nhất là sau mưa dông, lốc. Khi ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ...).

- Các đối tượng khác:  Cần chú ý theo dõi chặt chẽ và thực hiện phòng trừ theo thông báo, hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV.

Lưu ý: Sau khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom bao bì để đúng nơi quy định của địa phương./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn