Thứ Tư, 24/4/2024
“Chìa khóa” đưa nông sản ra thị trường thế giới
Gửi bài In bài

baophutho.vn Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), người dân triển khai thực hiện cấp MSVT, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng tại các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu. Việc cấp MSVT cho vùng sản xuất là điều kiện tiên quyết, quan trọng để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch, “chìa khóa” đưa nông sản Đất Tổ vươn ra thị trường thế giới.

Kỳ I: “Hộ chiếu” xuất ngoại nông sản




Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra mô hình bưởi đã được cấp mã số vùng trồng tại xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng.

Phú Thọ có điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới; nguồn tài nguyên đất đai phong phú, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đặc sản, đặc trưng. Đến nay, việc khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký MSVT có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Sản xuất chuyên nghiệp

Hiện nay, nông sản của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang một số nước có những yêu cầu rất khắt khe. Theo đó, việc thiết lập và cấp MSVT, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản. Đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường, thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Để thuận lợi cho địa phương, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa nông sản, ngành Nông nghiệp ban hành văn bản hướng dẫn thiết lập vùng trồng và trình tự thủ tục đăng ký cấp MSVT, cơ sở đóng gói. Trong đó, vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại, đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đặc biệt, mỗi hộ trong vùng trồng được đăng ký cấp mã số phải có sổ sách để ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác (nhật ký đồng ruộng), quy trình, tiêu chuẩn cần tuân theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP, Hữu cơ...), thực hiện theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và các yêu cầu khác của nước nhập khẩu.

Thực hiện chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch; ghi nhật ký, nhật trình... tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là những yêu cầu quy trình thiết lập vùng trồng được thực hiện tại Tổ hợp tác (THT) sản xuất chuối xã Vĩnh Lại - một trong những vùng sản xuất chuối quy mô lớn của huyện Lâm Thao đã được cấp MSVT. Hiện THT có 14ha diện tích đất trồng chuối, trong đó khoảng 8ha chuối tây, 6ha chuối tiêu hồng.

Ông Nguyễn Bá Viên - Tổ trưởng THT cho biết: “Tổ hợp tác có 16 thành viên, trước đây khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm chuối của THT chủ yếu tiêu dùng nội địa, hầu như không xuất khẩu. Các thị trường lớn của nước ngoài dù đã “mở cửa” nhưng không có MSVT thì dù đạt các tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng cũng không xuất khẩu được. Sau khi được ngành Nông nghiệp hỗ trợ cấp MSVT, sản phẩm chuối của địa phương đã có mã QR, mã vạch… và có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Với năng suất trung bình đạt trên 40 tấn/ha, bình quân mỗi năm, THT có tổng thu nhập trên sáu tỉ đồng. Đầu ra sản phẩm thuận lợi, thu nhập tăng khiến mỗi gia đình thành viên THT rất phấn khởi, tích cực sản xuất để có khoản thu nhập đáng kể”.

Cùng với sản phẩm của THT sản xuất chuối xã Vĩnh Lại, sản phẩm bưởi của HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, huyện Đoan Hùng là một minh chứng rõ nét cho “hành trình” cấp chứng nhận MSVT, tạo nên những sản phẩm bưởi chất lượng, cung cấp cho thị trường. Anh Đào Mạnh Đạt - Giám đốc HTX phấn khởi chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, HTX đã chỉ đạo xã viên áp dụng sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP, ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc, đào tạo tập huấn; các thành viên, hộ dân liên kết đang mở rộng diện tích, sản xuất theo quy trình thống nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm. Đầu năm 2022, HTX đã liên kết với Công ty CP công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu mua 36.000 quả bưởi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga. Đến nay, HTX tiếp tục thực hiện chặt chẽ các quy định của nước nhập khẩu, đồng thời phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Chúng tôi tiếp tục tuân thủ chặt chẽ các quy định trong thực hiện MSVT để sản phẩm ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trong nước và quốc tế”.

Việc thiết lập các MSVT cũng đã góp phần thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo hướng tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.



Sản phẩm chuối của tổ hợp tác sản xuất chuối xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao được cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện để sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nâng cao uy tín nông sản trên thị trường quốc tế

Phú Thọ có địa hình đa dạng với nhiều tiểu vùng khí hậu và sinh thái khác nhau, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với các chủng loại cây trồng, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú, mang tính đặc trưng, đặc sản, tiêu biểu. Toàn tỉnh có khoảng 15.000ha chè, sản lượng trung bình đạt 12,2 tấn/ha; tổng sản lượng chè búp tươi bình quân đạt trên 185.000 tấn/năm, chè búp khô đạt gần 55.000 tấn/năm, trong đó tỉ lệ chế biến thành chè đen xuất khẩu đạt trên 70%. Cùng với cây chè, hiện có gần 4.000ha chuối, năng suất trung bình đạt trên 250 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 91.000 tấn. Đối với cây bưởi, hiện tổng diện tích trên 5.500ha, diện tích cho sản phẩm gần 4.000ha, năng suất gần 130 tạ/ha, sản lượng đạt trên 52.000 tấn. Bưởi là một trong những loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu cao do được trồng tập trung, hình thành các vùng sản xuất lớn.

Xác định được tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm nhằm mục tiêu giá trị gia tăng cao, hiệu quả bền vững, phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, với xu thế hội nhập hiện nay, ngành Nông nghiệp đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, các tổ chức sản xuất nông nghiệp xây dựng MSVT; xây dựng liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, chế biến, xuất khẩu. Mặt khác, tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm ngăn chặn các vi phạm liên quan đến việc sử dụng mã số, đặc biệt là việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng vào chuỗi sản phẩm xuất khẩu. Việc đáp ứng được các yêu cầu về MSVT, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh sẽ có nhiều cơ hội, tiềm năng xuất khẩu chính ngạch, mang lại thu nhập cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp MSVT cho các loại cây trồng chủ lực. Đối với cây bưởi, đã được thiết lập 18 mã vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Liên bang Nga, Hoa Kỳ với tổng diện tích trên 360ha, sáu MSVT phục vụ tiêu thụ trong nước với diện tích trên 410ha. Đối với cây chuối, trên địa bàn tỉnh đã có 13 vùng trồng được cấp mã số, trong đó có chín MSVT phục vụ xuất khẩu sang EU, Trung Quốc với diện tích gần 300ha tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, bốn vùng trồng được cấp MSVT phục vụ nội tiêu trên địa bàn huyện Lâm Thao và một cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Đối với cây chè cấp hai MSVT phục vụ tiêu thụ nội địa với diện tích gần 140ha tại huyện Thanh Ba, thị xã Phú Thọ.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định: “Việc triển khai cấp MSVT với những loại cây trồng chủ lực của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản mà còn khẳng định giá trị, chất lượng của nông sản Phú Thọ. Tín hiệu đáng mừng là nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới (chè, chuối…). Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã xây dựng MSVT gắn với truy xuất nguồn gốc cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Việc cấp mã số chứng minh sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của sản phẩm để nông sản của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế”.

Kỳ II: Những “rào cản” cần tháo gỡ

Nhóm PV Kinh tế - BaoPhutho.VN

 


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn