Thứ Năm, 25/4/2024
Lúa cỏ và biện pháp phòng, chống
Gửi bài In bài

Theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật, trong nhiều năm qua, lúa cỏ đã xuất hiện và gây hại mạnh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm gần đây, lúa cỏ tiếp tục xuất hiện, lây lan tại một số tỉnh phía Bắc như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên. Năm 2021, diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ tại các tỉnh phía Bắc là 1.340 ha, trong đó nhiễm nặng là 152 ha và mất trắng 9,7 ha. Đặc biệt là vụ Xuân 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ là 1.799 ha, nặng 453 ha, mất trắng 35,2 ha. Hiện tại, lúa cỏ tiềm ẩn sự lây lan, gây hại ở các tỉnh phía Bắc.

Tại Phú Thọ, chi cục đã tiến hành điều tra, và đến nay chưa thấy sự xuất hiện của lúa cỏ trên địa bàn. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thương thóc gạo và hạt giống giữa các vùng miền với nhau nên lúa cỏ tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và gây hại trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao. Để sớm ngăn chặn sự xuất hiện, lây lan và tác hại của lúa cỏ, chúng tôi xin đề xuất giải pháp quản lý lúa cỏ như sau:

1. Nhận biết lúa cỏ:

Lúa cỏ còn có nhiều tên gọi khác như lúa ma, lúa hoang, lúa dại, … cùng là loài lúa như lúa trồng (tên khoa học là Oryza sativa) nhưng là loài phụ (nhiều tài liệu sử dụng tên khoa học là Oryza sativa f. spontanea). Lúa cỏ không có các đặc điểm về năng suất, chất lượng mà con người mong muốn. Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, chín sớm, hạt rất dễ rụng nên có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ và có thể gây thất thu năng suất, thậm chí mất trắng.

- Đặc điểm hình thái và sinh trưởng:

Giai đoạn 5-10 ngày sau nảy mầm: Cây lúa cỏ sinh trưởng nhanh, thân mảnh và đứng, phiến lá nhỏ, có màu vàng hơn lúa trồng.

Giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái: Cây lúa cỏ đẻ nhánh kém, thân mảnh, lóng vươn dài, lá thưa, phiến lá nhỏ, khóm lúa có màu vàng hơn lúa trồng.

Giai đoạn trỗ bông: Lúa cỏ trỗ sớm hơn lúa trồng từ 5-7 ngày, thời gian trỗ kéo dài, trên bông có hạt đang phơi màu, hạt ngậm sữa, hạt chắc xanh nên không có sự đồng đều về màu sắc bông lúa như lúa trồng; hạt lúa có râu dài hoặc không có râu; hạt có dạng thon dài hoặc bầu dục mầu vàng - vàng sẫm, có dạng hạt có mỏ tím, tỉ lệ lép cao.

- Một số đặc điểm sinh học, sinh thái:

 Qua nhiều vụ canh tác, lúa cỏ cũng có sự giao phấn (tỷ lệ nhỏ) với lúa trồng, việc tự để giống khiến lúa phân ly với tính trạng xấu trở nên phức tạp, khó nhận biết và khó quản lý hơn.

Thời gian sinh trưởng ngắn hơn, hạt lúa rất dễ rụng ngay cả khi có gió thoảng qua. Sau khi hạt rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi có thể nảy mầm ngay, nếu gặp điều kiện bất thuận (khô hạn, vùi sâu trong bùn, …) hạt có thể ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cao, duy trì sức nảy mầm trong vài năm. Do vậy lúa cỏ tồn tại, tích tụ lâu trong đất và tăng dần số lượng qua các vụ. Đặc tính này thể hiện sự khác nhau giữa các dòng lúa cỏ, nhưng nhìn chung sức sống của hạt lúa cỏ thường cao hơn rất nhiều so với lúa trồng. Khả năng nảy mầm của lúa cỏ bị ảnh hưởng rất lớn ở tuổi hạt, kết cấu đất, chế độ nước trên đồng ruộng và độ sâu bị chôn vùi trong bùn.

Cây lúa cỏ thường xuất hiện ở tất cả các vụ trồng lúa, xuất hiện nhiều ở vụ Mùa, vụ Hè Thu.

2. Tác hại của lúa cỏ

Lúa cỏ có khả năng lây lan rất nhanh làm thất thu năng suất lúa trồng và khó phòng, chống. Lúa cỏ sinh trưởng và phát triển rất mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng và ánh sáng với lúa trồng làm giảm năng suất của lúa. Lúa cỏ có có thể gây thất thu năng suất từ 15-20%, thậm chí mất trắng, đồng thời lây nhiễm càng trầm trọng cho những vụ sau. Ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng làm giảm phẩm chất gạo cũng như giảm giá trị tiêu dùng và xuất khẩu (chỉ tiêu độ lẫn tạp).

3. Nguyên nhân lúa cỏ lây lan:

Những nguyên nhân sau đây làm cho lúa cỏ lây lan nhanh:

- Hạt giống bị lẫn lúa cỏ, khi vận chuyển giống từ các tỉnh có lúa cỏ đến các tỉnh khác sẽ làm lây lan khi gieo trồng.

- Thường xuyên sử dụng lúa thương phẩm làm giống lúa bị phân ly, thoái hóa và tính chất di truyền có xu hướng trở lại các đặc tính của nguồn gốc lúa hoang dại ban đầu (hiện tượng lại giống) và xuất hiện lúa cỏ với nhiều kiểu hình khác nhau.

- Việc người dân tự để giống lúa, nhất là sử dụng giống trong vùng đã nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau làm gia tăng lúa cỏ trên đồng ruộng.

- Thời gian chuyển vụ ngắn nên nguồn hạt lúa cỏ lưu tồn trên đồng ruộng từ những vụ trước chưa được xử lý.

- Hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán nhờ nguồn nước, nhờ chim hoặc theo máy móc, nông cụ (máy làm đất, máy gặt, …) từ ruộng này sang ruộng khác, nơi này sang nơi khác.

4. Biện pháp quản lý lúa cỏ:

Trước hết chúng ta cần ngăn chặn sớm sự xuất hiện và lây lan của lúa cỏ vào địa bàn tỉnh Phú Thọ. Để làm tốt việc đó, đề nghị các huyện thành thị chỉ đạo thực hiện một số biện pháp sau:

Tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hạt giống lúa, phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong việc lấy mẫu hạt giống trước khi bước vào vụ sản xuất để giám định chất lượng, phát hiện các lô giống lúa có lẫn hạt lúa cỏ và xử lý theo quy định. Vào thời gian thu hoạch, chỉ đạo các xã, khuyến nông cơ sở giám sát, hướng dẫn các HTX, tổ dịch vụ, chủ máy gặt vệ sinh máy, đồ chứa đựng trước khi xuống đồng, khi di chuyển giữa các vùng khác nhau, đặc biệt là các máy gặt từ tỉnh ngoài vào (Tỉnh có lúa cỏ gây hại).

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, khu dân cư để người dân biết và chủ động trong công tác phòng, chống lúa cỏ (lúa ma). Cụ thể:

- Khi gieo trồng cần tiến hành xử lý hạt giống loại bỏ hạt lép lửng (Ngâm hạt lúa xuống nước, hạt lúa cỏ nhẹ hơn sẽ nổi lên) để loại bỏ nếu bị lẫn.

- Khi ruộng lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, kiểm tra, nhổ vùi những cây lúa cỏ (lúa cỏ đẻ nhánh kém, thân mảnh, lóng vươn dài, lá thưa, phiến lá nhỏ, khóm lúa thường có màu vàng hơn lúa trồng); Khi lúa trỗ, nhổ, cắt những cây lúa trỗ sớm bất thường trong ruộng lúa.

- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ sự xuất hiện của lúa cỏ báo ngay cho Trạm Trồng trọt và BVTV cấp huyện hoặc Phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật để có biện pháp xử lý kịp thời.

Với những thông tin đặc điểm nhận biết, tác hại của lúa cỏ, con đường truyền lan, xâm nhập và giải pháp quản lý, hy vọng sẽ giúp cho các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc, ngăn chặn sớm và triệt để lúa cỏ xuất hiện và gây hại trên đồng ruộng./.

                                                                                                                Th.s Phan Văn Đạo

                                                                                           Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV



Ảnh: Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ điều tra sự xuất hiện lúa cỏ trên đồng ruộng.



THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn