Cán bộ Chi cục BVTV điều tra sâu bệnh trên rau tại thành phố Việt Trì
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 4.516,7 ha rau xanh các loại,...
Theo kết quả điều tra kỳ mới nhất của Chi cục bảo vệ thực vật, trên rau cải, bắp
cải, su hào đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ đến trung bình
như bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, bệnh đốm lá, bệnh thối nhũn… Các đối tượng sâu bệnh
này thường gây hại làm giảm năng suất, chất lượng, mẫu mã của rau. Nhằm giúp bà
con nông dân chủ động trong công tác phòng trừ, chúng tôi xin giới thiệu đặc điểm
gây hại và biện pháp phòng trừ đối với
các đối tượng sâu bệnh trên.
+ Bọ nhảy sọc cong: Trưởng thành
có 2 vân sọc hình củ lạc màu trắng, có thói quen nhảy khi bị khua động, thường
hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát. Trưởng thành ăn lá tạo thành lỗ nhỏ
li ti, mật độ cao có thể ăn hết gân lá làm lá rau sơ xác. Sâu non hình ống
tròn, màu vàng nhạt, thường sống trong đất ăn hại rễ và củ làm cây bị chết héo.
Để phòng trừ bọ nhảy, bà con cần áp dụng biện pháp tổng hợp IPM, thực hiện luân
canh với cây trồng, vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại,… Khi mật độ trên 20
con/m2 sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phun theo hướng dẫn
trên vỏ bao bì, ví dụ: DuPontTM Prevathon® 35WG, Shertin 1.8EC,... Lưu ý đảm bảo
thời gian cách ly khi phun thuốc.
+ Sâu tơ: Sâu non có màu xanh nhạt,
mỗi đốt đều có lông nhỏ. Sâu non mới nở đục lỗ ăn biểu bì dưới và thịt lá, chừa
lại biểu bì trên; từ cuối tuổi 2 gặm thủng lá, bị hại nặng chỉ còn trơ gân lá.
Sâu thường tập hợp ở mặt dưới lá, đẫy sức nhả tơ kết kén ngay trên lá để hóa nhộng.
Để phòng trừ hiệu quả sâu tơ, bà con cần áp dụng biện pháp tổng hợp IPM, vệ
sinh đồng ruộng, chăm sóc cây con khỏe mạnh, trồng xen với cây khác họ… Khi mật
độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) hoặc trên 30 con/m2
(cây lớn), sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu pha và phun theo
hướng dẫn trên vỏ bao bì, ví dụ như: Dylan 2EC, Aremec 18EC, V.K 16WP,…
+ Sâu xanh bướm trắng: Sâu non mầu
xanh lục, các đốt bụng có vân ngang, trên thân có nhiều chấm đen, trên lưng có
ba tuyến màu vàng chạy dọc cơ thể. Sâu non nở ra ăn khuyết lá chỉ chừa lại gân,
sâu thường ẩn nấp mặt dưới lá. Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM để
phòng trừ sâu xanh bướm trắng, luân canh cây trồng, bón cân đối NPK, dùng vợt bắt
trưởng thành,… Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng một số thuốc
bảo vệ thực vật ví dụ như: Dylan 2EC, Catex 3.6 EC, Kuraba 1.8EC... pha và phun
theo hướng dẫn trên vỏ bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly.
+
Bệnh đốm lá: Bệnh do nấm gây ra, vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau đó chuyển
thành màu nâu, có viền màu vàng hoặc nâu đen, vết bệnh già có màu đen. Bên
trong vết bệnh lớn đôi khi có các vòng đồng tâm hơi lõm xuống. Cần áp dụng biện
pháp phòng trừ tổng hợp IPM để phòng trừ bệnh đốm lá, vệ sinh đồng ruộng bằng
vôi bột, bón cân đối NPK. Khi phát hiện bệnh sử dụng các loại thuốc trong danh
mục để phun phòng trừ, ví dụ như: Antracol 70WP, V-T Vil 500SC, Diboxylin 2SL,…
+ Bệnh thối nhũn: Bệnh do vi khuẩn
gây ra, vết bệnh ban đầu là vết nhũn nhỏ có màu nâu hoặc đen, sau đó vi khuẩn
xâm nhập vào mạch nhựa đi vào thân cây làm thối mềm phần trong của cây, bệnh nặng
làm cả cây bị thối nhũn. Để phòng trừ hiệu quả, bà con cần áp dụng biện pháp
phòng trừ tổng hợp IPM, thu dọn tàn dư cây trồng, vệ sinh đồng ruộng bằng vôi bột,
bón cân đối NPK, thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh. Khi bệnh chớm xuất
hiện, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun nhằm hạn chế bệnh lây lan gây hại,
ví dụ như PN - balacide 32WP, Staner 20WP,...
Nguyễn
Quang Hưng
(Chi
cục Bảo vệ thực vật)