Thứ Bảy, 23/11/2024
Hướng dẫn nhận biết và phòng trừ một số bệnh hại chủ yếu trên lúa vụ xuân 2023 tại huyện Lâm Thao
Gửi bài In bài

Hiện nay, các trà lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng đến đòng, trỗ - chín sáp, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian vừa qua, thời tiết mưa phùn, âm u kéo dài, ẩm độ không khí rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng bệnh phát sinh và gây hại mạnh trên lúa ở hầu hết các xã, thị trấn của huyện Lâm Thao. Theo dự báo, trong thời gian tới, thời tiết có mưa ẩm kéo dài, làm ảnh hưởng đến quá trình trỗ bông phơi màu; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và bệnh đạo ôn lá, cổ bông tiếp tục phát triển, lây lan nhanh và gây hại trên quy mô rộng, ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa nếu không được  phòng trừ kịp thời. 

Trạm Trồng trọt và BVTV Lâm Thao hướng dẫn cách nhận biết và  phòng trừ các đối tượng cụ thể như sau:

* Cách nhận biết:

1. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh xuất hiện trên lá lúa, là những sọc nhỏ chạy dọc gân lá, màu nâu đỏ. Khi điều kiện thời tiết mưa ẩm, vi khuẩn phát triển và lây lan rất nhanh, làm khô cháy hai mép lá, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

2. Bệnh đạo ôn: Vết bệnh điển hình trên lá có hình thoi, rìa có màu nâu đỏ, giữa bạc trắng. Khi lúa trỗ, điều kiện thời tiết mưa ẩm thuận lợi, bào tử nấm sẽ tấn công gây hại cổ gié, cổ bông, làm cổ bông teo đi, khô héo, hạt lúa lép hoàn toàn.

3. Bệnh khô vằn: Bệnh khô vằn chủ yếu gây hại ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông, vết bệnh màu xám hoặc nâu bạc, gây hại đầu tiên ở bẹ lá, sau đó lan rộng tạo vết vằn vèo như da báo, thời tiết ấm, ẩm độ cao bênh phát triển lây lan nhanh gây hại cổ lá đòng.

* Biện pháp phòng trừ: Tranh thủ khi trời tạnh ráo, bà con nông dân cần phòng trừ ngay khi ruộng chớm bị bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu, cụ thể:

1. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sử dụng một trong các loại thuốc như: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Kasumin 2SL, Totan 200WP, Avalon 8WP.... Những diện tích có tỷ lệ lá hại trên 20%, cần phun kép 2 lần cách nhau 3-5 ngày.

2. Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng bị bệnh dừng ngay bón các loại phân  hoá học (nhất là đạm) và thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá. Phun phòng trừ sớm khi ruộng chớm bị bệnh (3-5% lá bị hại) Bằng các loại thuốc như: Fu-army 30WP, Bemgold 750WP, Ka-bum 650WWP, Funhat 40WP, Katana 20SC, Sieubem 777WP. Nếu ruộng bị nặng cần phun kép (2 lần ) lần 1 cách lần 2, 3-5 ngày phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá. (Lưu ý những diện tích trỗ từ nay đến cuối tháng 4 đã nhiễm đạo ôn lá cần thiết phải phun phòng trừ đạo ôn cổ bông khi lúa thấp tho trỗ và phun lại khi lúa trỗ thoát hoàn toàn bằng một số loại thuốc trên).

3. Bệnh khô vằn: Phun  phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như: Chevin 5SC, Cavil 60WP, Nativo 750WG, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Valivithaco 5SL,... Ruộng bị hại nặng cần phun kép 2 lần cách nhau từ 5-7 ngày.

Ngoài ra, bà con cần chú ý theo dõi và phòng trừ các ổ rầy gây hại trong cuối tháng 4, đầu tháng 5, chúc bà con một vụ Xuân thắng lợi./.

 

Trạm TT&BVTV Lâm Thao

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn