Theo kết quả điều tra, giám sát các ổ chấu chấu hại tre, mai, luồng tại 1 số xã phía Nam của huyện Đoan Hùng từ năm 2008; Hiện nay, trứng chấu chấu đã bắt đầu nở với tình hình cụ thể như sau:
1. Tình hình châu chấu hại tre, mai, luồng:
Hiện tại, trứng Chấu chấu đã nở rải rác tại các xã Chân Mộng, Minh Phú, Tiêu Sơn. Châu chấu non đang co cụm thành ổ trên các bụi cây ven đồi, mật độ trung bình vài nghìn con/ổ. Một số điểm châu chấu non đã di chuyển xuống ruộng phá hại lúa với mật độ ổ lên tới vài trăm con/m2. Diên tích phát hiện đã có chấu chấu nở là 29 ha (Chân Mộng 17 ha, Minh Phú 10 ha, Tiêu Sơn 2 ha)
Ngay sau khi phát hiện Châu chấu nở, Chi cục đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng đi kiểm tra tình hình thực tế; UBND huyện Đoan Hùng đã ra văn bản chỉ đạo các xã vùng trọng điểm trồng tre, mai, luồng có xuất hiện châu chấu trong năm 2008 tổng kiểm tra và tập trung phòng trừ các ổ dịch.
Kết quả giám định từ năm 2008 đã xác định đây là loài Châu chấu tre lưng vàng, phá hại lá chủ yếu trên các rừng trồng tre, nứa, luồng, mai, diễn; Chúng ăn trụi lá làm cho cây trơ cành, khô héo và chết. Ngoài ra, chúng còn phá hại trên các cây trồng khác như ngô, lúa, cỏ chăn nuôi,... Vòng đời chấu chấu rất dài, di chuyển xa thành từng đàn và sức phá hại rất lớn.
Dự báo, trứng Châu chấu sẽ tiếp tục nở trong thời gian tới, các ổ chấu chấu non sẽ phát tán ra diện rộng, có nguy cơ gây hại nặng trên tre, mai, luồng và cả trên lúa do chấu chấu trưởng thành có khả năng di chuyển nhanh và sức tàn phá lớn, rất khó kiểm soát.
2. Biện pháp chỉ đạo phòng trừ:
a, Công tác chỉ đạo:
Đề nghị UBND huyện, thành, thị có rừng huy động cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân kiểm tra ngay toàn bộ rừng tre, mai, luồng trên địa bàn, phát hiện và phòng trừ triệt để các ổ dịch chấu chấu theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.
Chi cục giao các Trạm BVTV cử cán bộ kỹ thuật phối hợp các xã có nhiều rừng tre, mai, luồng điều tra phát hiện các ổ chấu chấu và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.
b, Các xã vùng ổ dịch: UBND các xã Chân Mộng, Minh Phú, Tiêu Sơn, nơi đã phát hiện có Châu chấu nở:
- Tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông và bà con nông dân khoanh vùng, tổ chức phun diệt trừ Châu chấu cả trên tre, mai, luồng và trên diện tích lúa ven đồi gò đã có chấu chấu xuống gây hại.
- Tăng cường điều tra, giám sát phát hiện kịp thời các ổ Châu chấu tiếp tục nở, tổ chức diệt trừ ngay khi chúng còn co cụm thành ổ, vừa đảm bảo hiệu quả vừa giảm chi phí.
* Trước mắt các xã vùng dịch, Chi cục hỗ trợ cho mượn máy phun động cơ chuyên dụng và cấp ứng thuốc để phun dập các ổ dịch kịp thời.
3. Đề nghị:
Việc phòng trừ Châu chấu mang tính dập dịch, phải phun khi chấu chấu còn non đang co cụm chưa phát tán và phun cuốn chiếu đồng thời cả khoảnh rừng, nếu để từng hộ chủ rừng phun riêng lẻ sẽ không có hiệu quả; Chi phí phòng trừ khá lớn nên nông dân không đáp ứng được kịp thời theo yêu cầu.
Để triển khai kịp thời công tác dập dịch, ngăn chặn nguy cơ Châu chấu phát tán lây lan gây hại sang cây lúa, Chi cục BVTV đề nghị: Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Phú Thọ cấp hỗ trợ kinh phí để mua thuốc BVTV đặc hiệu hỗ trợ cho dập dịch. Bố trí thêm biên chế cho Chi cục BVTV để thực hiện điều tra phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại trên cây rừng, một chương trình trọng điểm của tỉnh xong đến nay Chi cục chưa thực hiện được do thiếu biên chế.
CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ