Thứ Bảy, 23/11/2024
Đánh giá kết quả công tác phòng trừ sâu bệnh vụ xuân 2007
Gửi bài In bài

1. Kết quả công tác điều tra phát hiện sâu bệnh hại: Vụ đông xuân năm nay, sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại với qui mô và mức độ cao hơn cùng kỳ năm trước, riêng có bọ xít gây hại ở cuối vụ, mức độ hại giảm so với cùng kỳ, cụ thể:

a, Trên cây lúa:

- Bệnh sinh lý: Bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng, qui mô và mức độ hại cao hơn so với năm 2006. Diện tích nhiễm 1.170 ha, trong đó nhiễm nặng 80 ha (vụ đông xuân năm 2006 diện tích nhiễm 536,9 ha, không có diện tích nhiễm nặng). Nguyên  nhân do thời tiết đầu vụ đông xuân năm nay trời ấm, cây lúa sinh trưởng và phát triển nhanh, sang giữa kỳ gặp điều kiện gió mùa đông bắc tăng cường, nhiệt độ xuống thấp đột ngột kèm theo mưa rào, dẫn đến một số diện tích lúa vùng trũng ven thành phố, thị xã, thị  trấn bị bệnh sinh lý và hiện tượng thối bẹ, thối thân.

- Chuột: Gây hại trên tất cả các trà, diện tích nhiễm chuột và mức độ hại cao hơn so với cùng kỳ năm 2006 (diện tích nhiễm 899,6 ha, trong đó nhiễm nặng 111 ha; vụ xuân năm 2006 diện tích nhiễm là 253,2 ha, trong đó nhiễm nặng là 32,5 ha). Nguyên nhân do công tác tổ chức diệt chuột chưa được thực hiện thường xuyên liên tục.

- Bệnh đạo ôn lá: Nguồn bệnh phát sinh trên diện rộng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích nhiễm 2.258,6 ha (vụ xuân năm 2006 diện tích nhiễm là 649,1 ha). So với năm 2006, bệnh phát sinh sớm hơn; quy mô và mức độ hại cao hơn cùng kỳ do giữa vụ có gió mùa đông bắc tăng cường, mưa ẩm, trời âm u nhiều ngày.

- Rầy các loại: Gây hại trên các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ cháy ổ trên các giống Nếp, DT, Xi23, X21, KD 18, Q5 tại Phù Ninh, Hạ Hoà, qui mô và mức độ hại cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2006. Diện tích nhiễm 4.758,8 ha, trong đó nhiễm nặng 326,7 ha (vụ xuân năm 2006 diện tích nhiễm 2.716,1 ha, trong đó nhiễm nặng 256,7 ha). Nguyên nhân do giai đoạn lúa trỗ, chín sữa - chắc xanh trùng vào thời điểm rầy cám lứa 3 ra rộ đồng thời gặp điều kiện thời tiết thuận lợi có nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa tạo điều kiện cho rầy phát triển và gây hại mạnh.

- Bệnh khô vằn: Nguồn bệnh phát sinh trên diện rộng, gây hại trên tất cả các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Nguyên nhân do điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn tạo điều kiện cho bệnh phát triển và gây hại. So với năm 2006, qui mô và mức độ gây hại  thấp hơn cùng kỳ. Diện tích nhiễm 10.731,9 ha, trong đó nhiễm nặng 648,7 ha (vụ xuân năm 2006 diện tích nhiễm 12.550,9 ha, trong đó nhiễm nặng 2.121,3 ha).

- Sâu cuốn lá nhỏ: Phát sinh sớm và gây hại trên các trà, qui mô mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng chủ yếu ở thành phố Việt Trì. Diện tích nhiễm 1.035,4 ha, trong đó nhiễm nặng 72 ha (vụ xuân năm 2006 không có diện tích nhiễm). So với năm 2006 và TBNN thì đây là sự khác biệt lớn. Nguyên nhân sâu cuốn lá có mật độ cao và gây hại nặng ở vụ đông xuân này là do đầu vụ trời ấm, sâu cuốn lá nhỏ di trú, phát triển liên tục trên cỏ dại và các cây ký chủ phụ khác, sau đó chuyển lên mạ chiêm xuân, tích luỹ và gia tăng mật độ gây hại trên lúa.

- Sâu đục thân: Gây hại nhẹ đến trung bình, diện tích nhiễm rải rác ở các huyện, chủ yếu là sâu đục thân 5 vạch, cú mèo, mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm 2006. Diện tích nhiễm 541,3 ha (vụ xuân năm 2006 nhiễm 34 ha).

- Bọ xít: Gây hại trên trà lúa xuân sớm, xuân muộn, qui mô và mức độ gây hại thấp hơn cùng kỳ năm 2006. Diện tích nhiễm 965,3 ha, trong đó nhiễm nặng 45,8 ha (vụ xuân năm 2006 nhiễm 2.486,5 ha, trong đó nhiễm nặng 804,3 ha). Nguyên nhân do cuối vụ chiêm xuân năm nay, thời tiết thuận lợi, cây lúa trỗ tập trung, đồng thời, do chỉ đạo phòng trừ rầy nên đã hạn chế bọ xít phát triển và gây hại.

Ngoài ra còn có ốc bươu vàng, bệnh đen lép hạt, bệnh bạc lá gây hại trên diện hẹp.

b, Trên cây chè:

- Rầy xanh: phát sinh sớm, phát triển và gây hại trên diện rộng, mức độ hại trung bình đến nặng, gây cháy cục bộ trên những diện tích khô hạn, ít trồng cây che bóng. Diện tích nhiễm 4.435,1 ha, trong đó nhiễm nặng 794,7 ha (cùng kỳ năm 2006 nhiễm 1.179,3 ha, trong đó nhiễm nặng 148,3 ha), tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2006. Nguyên nhân do vụ xuân này giá chè búp tăng, nông dân đầu tư chăm sóc sớm, mức đầu tư tăng, cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, kết hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào, là điều kiện cho rầy xanh phát triển và gây hại nặng.

- Bọ cánh tơ: phát sinh sớm, phát triển và gây hại trên diện rộng, mức độ hại trung bình đến nặng. Diện tích nhiễm 4.875,1 ha, trong đó nhiễm nặng 395,5 ha (cùng kỳ năm 2006 nhiễm 129 ha, trong đó nhiễm nặng 28 ha), cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2006 với nguyên nhân tương tự như đối với rầy xanh.

- Bọ xít muỗi: thường xuyên gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những diện tích ven rừng. Diện tích nhiễm cao hơn cùng kỳ năm 2006.

Ngoài ra, nhện đỏ, bệnh chấm xám, thối búp gây hại rải rác, mức độ hại giảm hơn so với cùng kỳ năm 2006, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng nhưng xen kẽ với mưa rào nên mật độ nhện giảm.

C, Trên cây rau: Sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ, rệp, thường xuyên gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh đốm lá gây hại rải rác.

D, Trên cây ngô: Bệnh khô vằn, đốm lá, sâu xám, sâu đục thân, đục bắp, chuột gây hại nhẹ - trung bình.

Như vậy, Chi cục BVTV đã tổ chức điều tra phát hiện kịp thời, nắm chắc diễn biến tình hình, qui mô và mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh trên đồng ruộng.

2. Kết quả công tác chỉ đạo phòng trừ:

a,  Công tác tham mưu:

- Chi cục đã tham mưu cho Sở NN & PTNT ra văn bản phòng trừ sâu bệnh cuối vụ chiêm xuân.

- 12/12 trạm BVTV huyện, thành thị đã ra 4 thông báo sâu bệnh kỳ 10 ngày trong cao điểm, 6/12 trạm tham mưu cho UBND huyện ra công văn chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên lúa chiêm xuân, 2/12 trạm tham mưu cho UBND huyện ra công điện chỉ đạo phòng trừ  rầy nâu hại lúa chiêm xuân.

b, Công tác chỉ đạo:

- Chi cục đã xây dựng và triển khai phương án BVTV vụ chiêm xuân năm 2007 trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với cơ cấu giống, mùa vụ mà Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã hướng dẫn. Xây dựng văn bản hướng dẫn công tác điều tra phát hiện, thống kê diện tích sâu bệnh vào mẫu biểu báo cáo, sổ lưu số liệu sâu bệnh trên các cây trồng nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra phát hiện, DTDB tình hình sâu bệnh.

- Thực hiện 26 kỳ điều tra DTDB sâu bệnh định kỳ, 1 kỳ tổng điều tra bổ sung sâu bệnh trên toàn tỉnh. Trên cơ sở nắm chắc diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, trong cao điểm, Chi cục ra 04 thông báo sâu bệnh kỳ 10 ngày hướng dẫn biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao, ra 01 công văn chỉ đạo gửi các huyện, thành, thị về phòng trừ bệnh đạo ôn.

- Lãnh đạo Chi cục cùng với lãnh đạo Tỉnh và lãnh đạo Sở NN và PTNT thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh và chỉ đạo phòng trừ tại các huyện trọng điểm.

- Tiến hành khảo nghiệm 05 loại thuốc trừ đạo ôn, rầy nâu, cuốn lá nhỏ trên lúa, rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ trên chè làm cơ sở hướng dẫn sử dụng các loại thuốc mới, có hiệu quả cao trong sản xuất.

- Tổ chức 83 buổi tập huấn cho 5.247 cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân về phương pháp điều tra phát hiện, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chuột hại. Tổ chức 02 cuộc hội thảo kỹ thuật sử dụng thuốc cấp tỉnh, 50 cuộc hội thảo thuốc BVTV cấp xã cho 3.500 cán bộ khuyến nông cơ sở, chủ cử hàng đại lý và bà con nông dân nhằm hướng dẫn biện pháp sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV, giới thiệu bộ thuốc có hiệu quả cao đáp ứng sản xuất. Phối hợp với phòng Thời Sự thực hiện 08 phóng sự, 01 chuyên mục trên Đài PTTH tỉnh về diễn biến tình hình sâu bệnh và biện pháp kỹ thuật phòng trừ, đăng nhiều tin, ảnh về tình hình sâu bệnh vụ chiêm xuân và biện pháp phòng trừ trên tạp chí Nông nghiệp và PTNT.

c. Kết quả phòng trừ:

- Hầu hết diện tích nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng đã được phòng trừ: Tổng diện tích phòng trừ là 23.780,9 ha. Trong đó lúa 17.116,5 ha gồm: Bệnh sinh lý 458,7ha; bệnh khô vằn 10.284,2 ha; bệnh đạo ôn lá 993,3 ha; rầy nâu 3.499,3 ha;... Diện tích phòng trừ trên chè là 6.537,3 ha, ngô 118 ha, rau 5 ha. Tổng số chuột diệt được là 10.472 con.

- Tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh là 0,87%, trong đó chiêm, xuân sớm là 1,53%, xuân muộn 0,74%, đạt tương đương so với cùng kỳ năm 2006 và đảm bảo an toàn cho sản xuất ( vụ chiêm xuân năm 2006 tỷ lệ thiệt hại là 0,84%, trong đó trà chiêm, xuân sớm 1,05%, trà xuân muộn 0,68%).

3. Một số tồn tại và nguyên nhân:

- Công tác điều tra, phát hiện nắm diễn biến tình hình sâu bệnh ở một số trạm đôi khi còn chưa sát, nguyên nhân do cán bộ chưa thực sự sâu sát, thiếu kinh nghiệm trong công tác điều tra.

- Một số địa phương, cơ sở, cán bộ còn chủ quan, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo hoặc chỉ đạo mang tính hình thức, mệnh lệnh nên hiệu quả không cao.

- Công tác điều tra phát hiện, DTDB, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên cây chè, CĂQ, cây lâm nghiệp làm chưa được nhiều, nguyên nhân do biên chế cán bộ của Chi cục quá mỏng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành thiếu và lạc hậu.

4. Đánh giá chung: Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, sự phối kết hợp của các cấp, ngành ở địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của bà con nông dân, sự quyết tâm của tập thể cán bộ Chi cục BVTV, công tác phòng trừ sâu bệnh vụ đông xuân năm 2007 đã đạt được những kết quả tốt đẹp, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn